Ông Trương Tấn Sang, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước; ông Trương Hòa Bình, nguyên Ủy viên Bộ chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ban ngành tỉnh Long An và người dân tham dự.
Dự án chỉnh trang khu vực phù điêu Châu Văn Liêm được UBND tỉnh phê duyệt với tổng mức đầu tư hơn 19,45 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách tỉnh là 6,452 tỷ đồng đầu tư cho các hạng mục như: Quảng trường, hồ nước cảnh quan, cây xanh thảm cỏ, sân đường, hàng rào, hệ thống cấp thoát nước, hệ thống điện chiếu sáng, chống sét; nguồn vốn xã hội hóa là 13 tỷ đồng đầu tư chính cho hạng mục phù điêu nghệ thuật và các hạng mục phụ khác như: bệ đỡ bê tông cốt thép, bục phù điêu, bảng nhận diện thương hiệu.
Riêng đối với phù điêu Châu Văn Liêm, có kích thước trung bình cao 5,5m, riêng tại đỉnh cao 7m, dài 50 mét, tổng diện tích 90m², được làm từ chất liệu bê tông cốt thép giả đồng. Nội dung phù điêu tái hiện lại cuộc biểu tình của 5.000 nông dân ở các làng quanh quận lỵ Đức Hòa vác cờ đỏ búa liềm kéo về Dinh quận do đồng chí Châu Văn Liêm lãnh đạo. Nổi bật với hình tượng đồng chí Châu Văn Liêm ở vị trí trung tâm, có kích thước cao, to nhất, với dáng đi hiên ngang tiến thẳng, mặt đối mặt với quân địch, tay trái cầm tờ yêu sách, tay phải chỉ thẳng để tố cáo tội ác của chế độ thực dân…, đòi quyền lợi cho người dân lao động.
Tại buổi lễ, các đại biểu đã ôn lại cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân ta dưới sự chỉ đạo của đồng chí Châu Văn Liêm. Đồng chí Châu Văn Liêm có bí danh là Việt, sinh ngày 29/6/1902 tại ấp Rạch Tra, làng Thới Thạnh, quận Ô Môn, tỉnh Cần Thơ. Ngày 4/6/1930, thực hiện chủ trương của Liên Tỉnh ủy Chợ Lớn - Gia Định, để hưởng ứng và chia lửa cho cuộc biểu tình của nhân dân Chợ Mới - Long Xuyên.
Dưới sự chỉ đạo trực tiếp từ đồng chí Châu Văn Liêm, Bí thư Liên Tỉnh ủy Chợ Lớn - Gia Định, Quận ủy Đức Hòa đã huy động khoảng 1.500 nông dân trong quận tiến về quận lỵ biểu tình chống sưu cao, thuế nặng và chống đàn áp. Từ các xã Bình Hòa, Thạnh Lợi, Hòa Khánh, Hựu Thạnh, Lương Hòa, Đức Hòa, Đức Lập, Mỹ Hạnh,… nông dân các đoàn đã tập trung tại khu vực Ngã tư Đức Hòa (nay thuộc thị trấn Đức Hòa) và cùng tiến về dinh quận đòi gặp quận trưởng Huỳnh Văn Đẩu (còn gọi là Sành) để đưa các yêu sách.
Trước khí thế đấu tranh mạnh mẽ của quần chúng, quận Sành rất khiếp sợ, không dám trực diện với nhân dân, nên phải xin điều binh tiếp viện. Đến 20 giờ, lực lượng tiếp viện của địch từ hướng Chợ Lớn kéo đến, trong đó có cả cảnh sát Hóc Môn, Chợ Lớn và 20 lính mã tà của Sở Cảnh sát Sài Gòn do tên cò Dreuil chỉ huy. Quận Sành liền ra lệnh giải tán đoàn biểu tình, đe dọa quần chúng và truy xét để tìm người cầm đầu cuộc biểu tình. Tất cả bọn lính đều được vũ trang, sẵn sàng dùng bạo lực để đàn áp.
Trong tình thế cực kỳ căng thẳng, đồng chí Châu Văn Liêm - người lãnh đạo cao nhất của cuộc biểu tình đã hô lớn: “Đừng sợ chết, chục này còn chục khác, trăm này còn trăm khác” và nhanh chóng tiến lên phía trước gặp tên cò Dreuil để đưa bản yêu sách, đồng thời trực tiếp tranh luận bằng tiếng Pháp vạch trần những hành động dã man và tội ác của địch. Bất ngờ tên cò Dreuil rút súng lục bắn vào giữa ngực đồng chí Châu Văn Liêm và ra lệnh nã súng vào đoàn biểu tình, làm nhiều người chết và bị thương. Sau đó, chính thống đốc Nam Kỳ và chủ tỉnh Chợ Lớn đã đến tận nơi, điều thêm lực lượng, bắt đi khoảng 100 người thì cuộc biểu tình mới chấm dứt.
Cuộc biểu tình ngày 4/6/1930 và gương hy sinh oanh liệt của đồng chí Châu Văn Liêm đã để lại dấu ấn đậm nét trong lịch sử đấu tranh chống thực dân Pháp. Sự kiện này được xem là đỉnh cao của phong trào cách mạng tỉnh Tân An - Chợ Lớn năm 1930 dưới sự lãnh đạo của Đảng và là cuộc biểu dương lực lượng chưa từng có của nhân dân Nam Bộ lúc bấy giờ.
Theo ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch UBND tỉnh Long An, việc hoàn thành phù điêu trên tạo thêm động lực tinh thần mạnh mẽ, khích lệ toàn thể cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và toàn thể nhân dân Long An tiếp tục phát huy truyền thống lịch sử vẻ vang của thế hệ cha anh đi trước, cùng nhau đoàn kết vượt qua mọi thử thách, khó khăn, tiếp tục đẩy mạnh và sâu rộng công cuộc đổi mới để xứng đáng với những cống hiến, hy sinh lớn lao của bao lớp người đi trước. Đồng thời, nơi đây trở thành một trong những địa chỉ đỏ quan trọng trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ tỉnh Long An, phục vụ ngày càng tốt hơn công tác giáo dục lịch sử truyền thống cho nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.