Ông Đỗ Văn Lĩnh, Liên đoàn trưởng Liên đoàn Bản đồ địa chất miền Nam cho biết, việc khảo sát của Đoàn công tác nhằm thu thập các thông tin, dữ liệu theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Tài nguyên Môi trường. Theo đó, từ ngày 7 - 8/8, Đoàn đã tiến hành khảo sát tại khu vực sạt, trượt trên đường Hồ Chí Minh tại Km1.900+350 (đoạn qua phường Nghĩa Thành, thành phố Gia Nghĩa); khu vực sạt trượt tại ở Bon Bu Krắc và Bon Bu Prăng 1A (xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức) cùng hai khu vực sạt trượt ở xã Quảng Sơn (Đắk Glong), trong đó có hồ chứa nước Đắk N’ting.
Tại buổi làm việc, Liên đoàn đã có báo cáo sơ bộ tại 5 điểm mà Đoàn khảo sát. Đây là những số liệu ban đầu về mặt địa chất, có độ tin cậy khá cao. Liên đoàn nhận định, các điểm đã khảo sát đều có hiện trạng là các cung trượt, nằm ở nơi giao nhau của các vị trí đứt gãy. Các khu vực này đều có đặc điểm chung là bất ổn về mặt địa hình, địa chất.
Hiện nay, các khu vực sạt trượt này tiếp tục có dấu hiệu diễn biến phức tạp nên cần thời gian theo dõi, đánh giá tổng thể. Đoàn công tác đánh giá cao việc các ngành chức năng, chính quyền các địa phương tỉnh Đắk Nông đã nhanh chóng di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, đồng thời ban hành tình huống thiên tai khẩn cấp tại 3 khu vực.
Về lâu dài, Đắk Nông cần khảo sát chi tiết để đánh giá nguyên nhân và đưa ra giải pháp phòng ngừa, khắc phục đối với tình trạng sạt lở, sụt trượt đất. Đây là vấn đề cấp bách trong thời điểm hiện nay và Đắk Nông cần tập trung làm ngay. Tỉnh cần đầu tư khảo sát, cảnh báo và dự báo tổng thể các vùng nguy cơ cao sạt lở đất trên toàn tỉnh.
Tại buổi làm việc, đại diện các sở, ngành, địa phương của Đắk Nông đánh giá cao sự quan tâm, tập trung triển khai khảo sát của Đoàn công tác. Những kết quả đánh giá ban đầu giúp các địa phương nhìn nhận tình hình thực tế một cách khoa học để có hướng ứng phó, phòng tránh các sự cố tương tự, hạn chế thấp nhất những ảnh hưởng xấu tới các công trình hạ tầng, đời sống dân sinh.
Tại buổi làm việc, ông Lê Trọng Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông mong muốn, Liên đoàn sớm có báo cáo chính thức về kết quả đợt khảo sát nhằm giúp tỉnh có hướng xử lý phù hợp với điều kiện hiện tại.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương đưa nhiệm vụ khảo sát, đánh giá các điểm sạt lở này vào trong nhiệm vụ cấp bách từ nay đến cuối năm 2023 và những năm tiếp theo. Các đơn vị bố trí nhân lực tiếp tục theo dõi, cảnh báo tại các khu vực sạt lở theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương; ưu tiên hàng đầu là đảm bảo an toàn cho tính mạng, tài sản của nhân dân. Về lâu dài, các ngành chức năng, chính quyền các địa phương phải theo dõi chặt các điểm sạt trượt và tỉnh sẽ ưu tiên đề xuất, tập trung xây dựng bản đồ cảnh báo sạt lở trên địa bàn toàn tỉnh.
Trước đó, tại buổi làm việc với UBND tỉnh Đắk Nông ngày 7/8, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai cho biết, sẽ đề nghị Trung ương hỗ trợ các thiết bị quan trắc tự động cho tỉnh Đắk Nông. Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, máy móc thiết bị hiện đại để thực hiện việc quan trắc, đồng thời khẳng định “khoa học” là nền tảng quyết định trong việc ứng phó, xử lý các sự cố thiên tai. UBND tỉnh Đắk Nông chỉ đạo rà soát toàn bộ các vai hồ, đập thủy lợi. Quá trình triển khai các công trình dự án cần tôn trọng dòng chảy tự nhiên, tính toán kỹ, hạn chế thấp nhất những tác động đến chân đồi, các khu vực địa hình đồi, dốc.
Theo Ban Chỉ huy Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Nông, bên cạnh ba điểm sụt trượt, sạt lở đất như đã nêu ở trên, địa bàn tỉnh còn một số khu vực xảy ra sụt trượt, sạt lở đất. Điển hình như tuyến tránh thành phố Gia Nghĩa (đoạn qua phường Nghĩa Tân, thành phố Gia Nghĩa); Tỉnh lộ 1, đoạn km25+300÷25+800 (chiều dài khoảng 500m) với nhiều vết nứt trên mặt đường; Tỉnh lộ 6, đoạn qua xã Nâm N’jang, huyện Đắk Song…