Thực tế, việc giáo dục giới tính trong nhà trường đã được thực hiện nhưng dưới những hình thức nhỏ lẻ, chưa phát huy được tác dụng. Đánh giá về khía cạnh này, bác sĩ Bác sĩ Phạm Vũ Thiên, Phó Giám đốc Trung tâm Sáng kiến sức khỏe dân số, Bộ Y tế cho biết: “Gần đây, người ta nhắc nhiều đến đổi mới chương trình giáo dục phổ thông nhưng giáo dục sức khoẻ sinh sản, tình dục ở học đường vẫn đang trong trạng thái “hỗn mang”. Vì chương trình này vẫn đang lồng ghép các môn học như: Địa lý, Sinh học, Giáo dục công dân. Nếu giáo dục giới tính, tình dục trong nhà trường vẫn chưa dám đi thẳng vào vấn đề như vậy thì không hiệu quả”.
|
Bác sĩ Phạm Vũ Thiên cho biết, vài năm trước tại ĐH Sư phạm Đà Nẵng đã được một tổ chức phi chính phủ đưa chương trình dạy giới tính cho giáo sinh. Nhưng thực tế ở trường phổ thông, chương trình này vẫn là ngoại khoá nên lãnh đạo trường nào quan tâm sẽ thực hiện còn không thì thôi. Do đó, dự án cũng bị bỏ lửng ở đó.
Nhìn nhận về vấn đề này, chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hà, trường THCS Ngô Sĩ Liên, Hà Nội cho rằng: Nội dung giáo dục giới tính chưa được tách bạch thành môn học hoặc chương trình chuyên biệt mà vẫn còn lồng ghép vào các bộ môn khác như “sức khỏe” hay “sinh học”. Nội dung mang tính giới thiệu, phân tích sơ bộ hơn là giáo dục cả về mặt tâm lý lẫn kỹ năng cho học sinh.
Nhìn nhận ở góc độ tâm lý lứa tuổi này, PGS TS Phạm Mạnh Hà, khoa tâm lý giáo dục, ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết: “Với những học sinh độ tuổi THCS, THPT đang có quá trình thay đổi về hormone sinh trưởng. Đồng thời, với các em có quá nhiều cám dỗ ở môi trường bên ngoài học đường. Khủng hoảng ở độ tuổi này xét ra trầm trọng hơn rất nhiều, đặc biệt trong vấn đề nhạy cảm như tình dục. Điều đó cũng gây khó khăn cho cha mẹ định hướng, hỗ trợ con cái. Nếu cha mẹ kiểm soát, gò ép thì các em sẽ phản kháng. Ở ngoài xã hội sẽ đón các em mà bố mẹ không thể kiểm soát được”.
PGS TS Phạm Mạnh Hà chỉ ra những trường hợp phải can thiệp tâm lý rằng : “Có học sinh tâm sự rằng khi được bố mẹ phân tích về những đúng sai của việc quan hệ tình dục là đúng nhưng không hiểu sao con không thể chấp nhận được. Vì thế, ở độ tuổi này trẻ rất dễ từ một đứa trẻ ngoan thành hư. Nếu cha mẹ không biết cách đồng hành với con, mâu thuẫn giữa hai bên có thể bám rễ đến suốt cuộc đời”.
Nhiều phụ huynh than thở là ở nhà trường không trang bị cho con kiến thức về tình dục. Nhưng họ lại quên mất vai trò của mình trong việc đồng hành cùng với con. PGS.TS Trần Thu Hương, Giảng viên Khoa Tâm lý, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng: “Thực tế cho thấy những học sinh đã quan hệ tình dục đều trong tình trạng bố mẹ không thể kiểm soát được mối quan hệ của các bạn ấy. Bố mẹ bỏ lửng việc chia sẻ với con hoặc “quẳng” con cho nhà trường, xã hội, cộng đồng. Nếu bố mẹ và con cái không có tiếng nói chung. Bố mẹ không đủ thời gian lắng nghe thì xung đột là đương nhiên. Trong những trường hợp này, cha mẹ cần phải xem xét lại kỹ năng của mình”.
Trách nhiệm không phải của riêng ai
Chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hà, trường THCS Ngô Sĩ Liên, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết: Một trong những kỹ năng mà tôi tư vấn cho cha mẹ khi dạy con không chỉ là giữ an toàn cho mình mà là làm thế nào để bình tĩnh suy xét. Nhưng ở độ tuổi “ẩm ương” này thì làm sao để bình tĩnh được. Trước hết, cha mẹ cần trang bị cho mình kiến thức về giới, giới tính để cùng trò chuyện với con, làm bạn với con.
Cô Vũ Thu Hà cho rằng, nếu sát sao, cha mẹ hoàn toàn có thể quan sát để nhận biết những dấu hiệu sao nhãng của con để kịp thời cùng chia sẻ. Cha mẹ không nhất thiết phải biết quá nhiều chuyện riêng tư của các con, hay kiểm soát điện thoại và mạng xã hội. Cần phải có niềm tin cũng như là chỗ dựa tin cậy để con muốn chia sẻ với mình.
“Đối với những nơi có thể phát huy được tác dụng của việc tuyên truyền kiến thức như Hội thanh niên, Hội sinh viên, Đoàn thanh niên phải thực sự vận hành có hiệu quả. Không gì bằng chính thanh niên dạy cho nhau. Tôi nghĩ phía quản lý cần có cái nhìn thận trọng hơn về vấn đề này. Từ đó, thiết lập những mạng lưới, hàng lang đủ quyền lực để có thể đưa vấn đề này đến đúng đối tượng”, PGS TS Trần Thu Hương cho biết.
Thực tế, vấn đề này đã được đề cập đến chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, nội dung giáo dục giới tính, bảo vệ trẻ em. Dự kiến, chương trình có thể được giảng dạy trực tiếp như trong giáo dục lối sống, trong môn sinh học các cấp học, kiến thức pháp luật, hay được tích hợp trong môn ngữ văn. Tuy nhiên, chủ đề này vẫn chưa được triển khai. Đây vẫn là câu hỏi ngỏ đối với ngành giáo dục.
Theo ông Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo, giáo dục giới tính trong trường học đã được triển khai nhưng hiệu quả chưa cao. Thực trạng này cần được chấn chỉnh với sự chung tay của gia đình, nhà trường và toàn xã hội.Trong những năm qua, ngành Giáo dục đã đưa nội dung giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản vào các nhà trường thông qua việc dạy lồng ghép trong các môn học có liên quan như: Sinh học, Giáo dục công dân, Địa lý, Ngữ văn… và các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, hoạt động ngoại khóa. Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo tăng cường nội dung giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống để giúp học sinh có kiến thức đúng và kỹ năng sống phù hợp. Tuy nhiên, giáo dục giới tính trong trường học hiệu quả chưa cao.
BBộ Giáo dục và Đào tạo nhận thấy quan hệ tình dục sớm ở học sinh là vấn đề đáng báo động và có chiều hướng gia tăng trong học sinh. Quan hệ tình dục sớm ở học sinh do một số nguyên nhân chủ quan và khách quan như: Dậy thì sớm; Thiếu thông tin và kiến thức về giới tính, sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục; Cha mẹ học sinh và người lớn còn e ngại, né tránh việc chia sẻ, giáo dục về giới tính, sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục cho học sinh và coi là “vẽ đường cho hươu chạy”; Tâm lý muốn tìm hiểu, khám phá của lứa tuổi học sinh; Thiếu môi trường rèn luyện thể chất và vui chơi lành mạnh cho học sinh. Thực trạng này cần được chấn chỉnh với sự chung tay của gia đình, nhà trường và toàn xã hội.
Giáo dục giới tính, tình dục cho học sinh cần có sự tham gia của gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Nhà trường cần cung cấp kiến thức cơ bản về giáo dục giới tính, tình dục và các kỹ năng sống cần thiết cho học sinh; gia đình cần gần gũi, chia sẻ, hướng dẫn, giáo dục con em để có kiến thức và thái độ đúng về giới tính, sức khỏe sinh sản; xã hội cần tạo môi trường an toàn và lành mạnh để các em phát triển.
Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chú trọng vào các giải pháp như tăng cường dạy lồng ghép giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục trong chương trình giáo dục phổ thông; nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống để học sinh, sinh viên có kiến thức, kỹ năng, tự bảo vệ, tự ”đề kháng” về vấn đề quan hệ tình dục trong lứa tuổi học sinh; Tổ chức các hoạt động ngoại khóa về giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên. Tuyên truyền để nâng cao nhận thức, trách nhiệm các cơ quan quản lý giáo dục, nhà giáo, cha mẹ học sinh về giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chỉ đạo các cơ sở giáo dục nâng cao hiệu quả phối hợp giữa nhà trường, gia đình và địa phương trong việc giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên. Đồng thời, Bộ yêu cầu các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thường xuyên và đột xuất về việc thực hiện giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên.