Kiểm soát chặt người ra đường trong thời gian giãn cách xã hội

Ngày 5/8, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu chỉ đạo quản lý chặt chẽ hơn nữa việc kiểm soát người ra đường nhằm đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
Bạc Liêu thành lập thêm nhiều Tổ tuần tra lưu động để nâng cao chất lượng kiểm tra, kiểm soát người dân ra đường trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Ảnh: Chanh Đa/TTXVN

Qua 3 ngày triển khai thực hiện việc áp dụng thống nhất biểu mẫu “Giấy đi đường” trên địa bàn tỉnh trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, tình hình cơ bản ổn. Song, vẫn còn một số tồn tại hạn chế, trong đó có tình trạng người ra đường đông. một số doanh nghiệp có dấu hiệu lợi dụng để cấp “Giấy đi đường” không đúng đối tượng. Một số đơn vị cấp xã có tình trạng buông lỏng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ xử lý cấp “Giấy đi đường”.

Chấn chỉnh tình trạng này, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh chỉ đạo, đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong khu vực công, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị chỉ được cấp “Giấy đi đường” theo đúng thực tế phân công công việc của cơ quan, đơn vị mình.

Các công ty, doanh nghiệp, nhà máy, xí nghiệp khi cấp “Giấy đi đường” cho công nhân, nhân viên, người lao động phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu: các công ty, doanh nghiệp, nhà máy, xí nghiệp phải thuộc các loại hình được phép hoạt động.

Chỉ cấp phép đúng đối tượng, đúng thời gian và đúng địa điểm (nơi đi và nơi đến phải ghi cụ thể, không ghi chung chung); “Giấy đi đường” phải được gửi đến chính quyền cấp xã (cả 2 nơi: nơi đặt trụ sở hoạt động của công ty, doanh nghiệp, nhà máy, xí nghiệp và nơi người lao động cư trú) để được kiểm tra, đối chiếu trong quá trình thực hiện.

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu lưu ý, tinh thần xử lý cấp “Giấy đi đường” là để quản lý, hạn chế tối đa số lượng người ra đường theo tinh thần Chỉ thị 16/CT-TTg. Do đó, không nhất thiết phải cấp cho toàn bộ đối tượng xin phép, kể cả đối với các mặt hàng thiết yếu, mà phải chọn lọc theo thứ tự ưu tiên để cấp cho một số lượng đối tượng nhất định; có biện pháp khác đảm bảo linh hoạt, phù hợp trong việc xử lý nội dung này phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương và tinh thần Chỉ thị số 16/CT-TTg.

Các lực lượng chức năng, nhất là tại các chốt kiểm soát và các lực lượng tuần tra lưu động, tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với tất cả các trường hợp ra đường; nếu phát hiện các trường hợp không đúng quy định, sai sự thật thì phải xử lý nghiêm. Các trường hợp người ra đường không xuất trình được giấy tờ chứng minh hoặc không giải trình được lý do chính đáng, thực sự cấp thiết phải lập biên bản và cương quyết xử phạt theo quy định.

Trước đó, ngày 1/8, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều đã ký quyết định kéo dài thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg trên phạm vi toàn tỉnh. Thời gian áp dụng kéo dài 14 ngày, từ ngày 2/8 nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.

* Ngày 5/8, theo Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng, đơn vị đang hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương, các siêu thị, các chợ... triển khai hiệu quả ứng dụng Thẻ vé QR code cho người dân khi đi mua sắm trong điều kiện toàn thành phố đang thực hiện giãn cách nghiêm ngặt. Đồng thời, Sở tích cực phối hợp tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, báo đài để nhân dân thành phố biết và nghiêm túc thực hiện.

Chú thích ảnh
Lực lượng chức năng kiểm tra giấy đi đường của người dân tại điểm chốt phòng chống dịch trên các tuyến đường. Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN

Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh đã yêu cầu Sở Công Thương và UBND các quận huyện, phường xã triển khai: Chỉ đạo tất cả các chợ trên địa bàn thành phố thực hiện quét mã Thẻ vé QR code để kiểm soát, quản lý thông tin người ra vào chợ; đảm bảo tất cả người đi chợ đều được lưu thông tin trên hệ thống thẻ vé điện tử của thành phố. Đồng thời, các địa phương phải rà soát thông tin người dân sinh sống, ở trọ trên địa bàn, đảm bảo cung cấp đầy đủ Thẻ vé QR code cho nhân dân. Các siêu thị, khu chợ nhỏ lẻ, ít người phải đảm bảo quét mã QR code khai báo y tế đối với người đến mua hàng. Sở Công Thương chỉ đạo các siêu thị, chợ triển khai quét QR code và báo cáo kịp thời đối với những khách hàng có biểu hiện ho, sốt, tiếp xúc với người nghi nhiễm...

Theo thông tin từ UBND thành phố Đà Nẵng, từ 12 giờ ngày 6/8, thành phố sẽ thay đổi mẫu giấy đi đường mới dành cho người dân ra ngoài để đi làm trong thời gian giãn cách xã hội.

Mẫu giấy đi đường mới sẽ phải có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền: Thủ trưởng cơ quan, công sở nhà nước cấp và xác nhận giấy đi đường đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc cơ quan của mình. Ban quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng xác nhận giấy đi đường đối với người lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp và khu công nghệ cao. UBND phường, xã xác nhận giấy đi đường của các trường hợp còn lại được phép ra ngoài theo quy định của Chỉ thị 05 của UBND thành phố.

Mẫu giấy đi đường này sẽ thay mẫu giấy đi đường mà UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành ngày 31/7.

Trước đó, từ 18 giờ ngày 31/7, toàn thành phố Đà Nẵng đã thực hiện giãn cách xã hội để siết chặt công tác phòng, chống dịch COVID-19 và người dân chỉ được ra ngoài khi thật sự cần thiết.

Chanh Đa - Quốc Dũng (TTXVN)
Siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19
Siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19

Chiều 4/8, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Đà Nẵng đã họp bàn về biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN