Đây là dự án do Cơ quan Phát triển Pháp tài trợ với mục tiêu đánh giá các biện pháp kiểm soát lũ hiện thời và xây dựng các chiến lược trung và dài hạn cho quản lý rủi ro bền vững nhằm giảm các rủi ro lũ và nâng cao khả năng phục hồi sau lũ trên lưu vực sông Sài Gòn - Đồng Nai; xây dựng một hệ thống thông tin về lũ cho lưu vực sông Sài Gòn - Đồng Nai dựa trên phần mềm ArcView GIS.
Qua quá trình thực hiện dự án kiểm soát ngập lũ, các chuyên gia thủy lợi và môi trường đã hoàn thành hệ thống thông tin lũ lưu vực sông Sài Gòn - Đồng Nai. Đây là hệ thống quản lý, tích hợp các thông tin dữ liệu về khí tượng thủy văn, công trình phòng chống lũ, dữ liệu địa hình, địa chất và hạ tầng cơ sở.
Đồng thời, các chuyên gia cũng đã xây dựng quy hoạch quản lý rủi ro bền vững thí điểm cho lưu vực sông Sài Gòn - Đồng Nai. Quy hoạch quản lý rủi ro này đánh giá nguy cơ ngập lũ sử dụng các công cụ tiên tiến trong tính toán thủy văn, thủy lực và biến đổi khí hậu; đánh giá rủi ro kinh tế cho khu vực thành phố, khu vực công nghiệp và khu vực nông thôn.
Trong quá trình thực hiện đã tổ chức đào tạo, chuyển giao kiến thức và kinh nghiệm về quản lý rủi ro ngập lũ bền vững từ các chuyên gia nước ngoài cho chuyên gia Việt Nam.
Đánh giá về kết quả thực hiện dự án, Giáo sư Nguyễn Kim Đan, chuyên gia Pháp cho biết: Dự án đã sử dụng cách tiếp cận mới nhất là “quản lý rủi ro” trong kiểm soát ngập lũ cho một lưu vực rộng lớn là hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện đã có sự phân tích rủi ro về 5 phương diện kinh tế, xã hội, nhân khẩu học, cơ sở hạ tầng và nhà ở.
Giáo sư Nguyễn Kim Đan đề xuất, để có một quy hoạch quản lý rủi ro hoàn thiện và đầy đủ về kiểm soát ngập lũ lưu vực sông Sài Gòn - Đồng Nai, cần khảo sát bổ sung số liệu về địa hình và các điều tra kinh tế - xã hội.
Các chuyên gia trong và ngoài nước sẵn sàng hỗ trợ nghiên cứu, đưa ra giải pháp trong kiểm soát ngập lũ lưu vực sông Sài Gòn - Đồng Nai cũng như vấn đề biến đổi khí hậu, trong đó có vấn đề khô hạn ở Ninh Thuận, Bình Thuận, xâm nhập mặn và ngập lũ vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Về các giải pháp kiểm soát ngập lũ, ông Hoàng Văn Thắng, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, chia sẻ: Hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai là hệ thống sông lớn thứ 3 trong cả nước, có tầm quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh cũng như các địa phương trong khu vực.
Vì vậy, các giải pháp phát triển bền vững lưu vực sông Sài Gòn - Đồng Nai là một nhiệm vụ quan trọng. Trong nhiều năm qua, các ngành liên quan đã thực hiện nhiều giải pháp để giảm thiểu rủi ro ngập lũ như xây dựng hồ chứa nước, thực hiện dự án chống ngập Thành phố Hồ Chí Minh, xây dựng đê bao chống lũ ở hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai. Tuy nhiên, các cách tiếp cận này đều là giải pháp công trình, có tính đối phó nhiều hơn là tính bền vững lâu dài.
Theo ông Hoàng Văn Thắng, trong vấn đề kiểm soát ngập lũ lưu vực sông Sài Gòn - Đồng Nai cần thực hiện những giải pháp tổng hợp theo xu hướng thế giới như tổ chức bộ máy ứng phó, nâng cao năng lực ứng phó, tập trung quản lý đất đai và di dân vùng ngập lũ, nâng cao khả năng tiêu thoát nước, mở rộng diện tích rừng phòng hộ, xây dựng bản đồ vùng ngập lũ và các kịch bản ứng phó.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Việt, Giám đốc Viện khoa học Thủy lợi Việt Nam, cho biết: Dự án đã đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn cũng như chuyển giao được công cụ mới trong kiểm soát ngập lũ. Vấn đề cần thực hiện trong thời gian tới là hoàn thiện mô hình, cập nhật dữ liệu thường xuyên và đào tạo, hướng dẫn các địa phương vận dụng kết quả dự án vào thực tiễn.
Ông Rémy Rioux, Tổng Giám đốc Cơ quan phát triển Pháp, cho biết: Đối với dự án hỗ trợ kỹ thuật kiểm soát ngập lũ, chúng tôi hỗ trợ thực hiện các giải pháp khoa học kỹ thuật có sự tham gia của các chuyên gia đến từ Viện khoa học Thủy lợi Việt Nam, Viện khoa học Thủy lợi miền Nam, Viện quy hoạch Thủy lợi miền Nam.
Các giải pháp này không chỉ có tính đối phó trong trường hợp khẩn cấp, mà còn có hiệu quả lâu dài. Trong giai đoạn 2017 - 2020, chúng tôi tiếp tục hỗ trợ kinh phí thực hiện dự án cũng như các dự án thân thiện môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu ở Việt Nam.
Lưu vực sông Sài Gòn - Đồng Nai có diện tích 37.400 km2 trải dài trên 11 tỉnh, thành phố. Tình trạng ngập lũ ở lưu vực này có tác động lớn đến đời sống người dân và sự phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương.
Theo các chuyên gia nghiên cứu môi trường, nguyên nhân của tình trạng ngập lũ tại khu vực chủ yếu là do triều cường, mưa lớn và sự phát triển đô thị kém bền vững về cơ sở hạ tầng thoát nước, quá trình bê tông hóa nhanh làm giảm sự thoát nước tự nhiên. Hướng nghiên cứu từ giải pháp công trình sang giải pháp quản lý rủi ro trong kiểm soát ngập lũ là một bước đổi mới nhằm đảm bảo tính phát triển bền vững lưu vực sông Sài Gòn - Đồng Nai.