Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn tỉnh Kiên Giang cho biết, đến nay diện tích lúa Hè Thu bị thiệt hại gần 1.100 ha do không có đê bao, bờ bao bảo vệ. Các diện tích này tập trung ở các huyện Giang Thành, Kiên Lương, Hòn Đất thuộc vùng Tứ giác Long Xuyên.
Khoảng 1.136 hộ dân với 4.534 người sinh sống trên các bờ kênh không đảm bảo vượt lũ, khu vực nguy hiểm phải sơ tán, di dời đến nơi an toàn.
Theo ông Nguyễn Huỳnh Trung, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Kiên Giang, dự báo đến trung tuần tháng 9/2018, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long lên mức báo động 3 tại Châu Đốc 4,0 m, Tân Châu 4,5 m thì vùng Tứ giác Long Xuyên và Tây sông Hậu thuộc Kiên Giang bị ảnh hưởng khoảng 140.300 ha diện tích tự nhiên.
Hơn 160 ô bao, diện tích khoảng 74.000 ha lúa Hè Thu và Thu Đông bị ảnh hưởng ngập lũ do đê bao, bờ bao thấp yếu. Hiện tượng nước tràn sẽ xảy ra nếu không kịp thời gia cố, bồi trúc hệ thống bờ bao. Các vùng chịu ảnh hưởng ngập nặng nhất là Giang Thành, Hòn Đất và Tân Hiệp.
Trước mắt, ngành chức năng tỉnh Kiên Giang phối hợp với các địa phương hai vùng Tứ giác Long Xuyên và Tây sông Hậu đang triển khai quyết liệt gia cố, bồi trúc những bờ bao thấp yếu ngăn lũ; hỗ trợ nông dân thu hoạch nhanh các trà lúa chín nằm ngoài hệ thống bờ bao, hoặc bờ bao xây dựng chưa hoàn chỉnh nhằm giảm thiểu thiệt hại.
Chuẩn bị sẵn sàng các điểm tập trung như: trường học, trụ sở UBND xã, tuyến dân cư đảm bảo vượt lũ an toàn và phương tiện thuyền máy, xe ô tô để di dời, sơ tán hộ dân khi có tình huống xấu xảy ra.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Mai Anh Nhịn nhấn mạnh, tỉnh khẩn trương triển khai thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ứng phó lũ lớn Đồng bằng sông Cửu Long năm 2018 với nhiều giải pháp đồng bộ, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản và sản xuất của người dân.
Theo dự báo, đỉnh lũ năm nay vượt báo động 3 sẽ tác động, ảnh hưởng nặng nhất đến 3 huyện Hòn Đất, Giang Thành và Tân Hiệp. Tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng cùng với những địa phương này khẩn trương triển khai kế hoạch ứng phó lũ theo phương châm “4 tại chỗ”, tuyệt đối không chủ quan lơ là dẫn đến bị động, bất ngờ trong đối phó với lũ.
Ngành chức năng tập trung khơi thông dòng chảy, kiểm tra các cống, đập đảm bảo vận hành tốt trong mùa lũ, đồng thời mở hệ thống cống thoát lũ ra biển Tây; dự báo, đánh giá chính xác tác động của lũ đến sản xuất, đời sống dân sinh để chủ động ứng phó, “chung sống với lũ” và khai thác nguồn lợi kinh tế từ mùa lũ. Đồng thời, chuẩn bị thuốc, vật tư phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm trước, trong và sau mùa lũ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đề nghị các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp phòng tránh đuối nước, nhất là đảm bảo an toàn cho trẻ em, học sinh.
Các địa phương thành lập các điểm giữ trẻ tập trung, đưa đón học sinh đi học trong thời điểm lũ cao; chuẩn bị kế hoạch cho học sinh nghỉ học tại các khu vực ngập sâu, dòng nước chảy xiết khi cần thiết. Cùng đó, tổ chức lực lượng thanh niên xung kích bố ở các chốt cứu hộ tại những nơi xung yếu, dễ xảy ra tai nạn do lũ, sẵn sàng tham gia cấp cứu, cứu hộ, cứu nạn các trường hợp xảy ra tai họa.
Tại các địa phương, các lực lượng trên địa bàn hỗ trợ giúp dân thu hoạch lúa chạy lũ theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”. Ngoài ra, sẵn sàng các phương án di dời dân vào khu vực cụm tuyến dân cư tập trung, các công trình đảm bảo vượt lũ, ứng cứu khi vỡ đê bao, nhằm đảm bảo an toàn cho người và tài sản.
Cùng với đó, ngành chức năng theo dõi chặt chẽ tình hình mưa lũ, hướng dẫn nông dân mở đồng để lấy phù sa bồi bổ độ màu mỡ cho đất, diệt trừ mầm sâu bệnh trên đồng ruộng, làm sạch môi trường tự nhiên; khuyến cáo, vận động và hướng dẫn nông dân phát triển các mô hình kinh tế mùa nước lũ để tăng thêm thu nhập như: khai thác, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản; trồng những loại rau trên mặt nước.