Dự thảo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) gồm 7 chương, 59 điều (tăng 2 chương, 11 điều so với Pháp lệnh hiện hành), đang được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân. Dự kiến, Pháp lệnh này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020.
Theo bà Văn Thị Bạch Tuyết - Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh, qua ghi nhận ý kiến cử tri từ thực tiễn, cho thấy Pháp lệnh ưu đãi người có công hiện hành chưa bao quát được các đối tượng, việc thực hiện Pháp lệnh có một số vướng mắc, bất cập cần được kịp thời sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện tạo điều kiện cho người có công có cuộc sống ổn định. Dự thảo được lấy ý kiến lần đầu tiên với nhiều nội dung được bổ sung theo hướng mở rộng đối tượng và tăng thêm chính sách. Cụ thể như quy định rõ hơn về đối tượng được hưởng chế độ ưu đãi; sửa đổi, bổ sung các quy định về điều kiện, tiêu chuẩn đối với 11 đối tượng người có công…
Đánh giá cao những nội dung bổ sung của Pháp lệnh lần này, luật sư Trương Thị Hòa cho rằng, cần đặc biệt quan tâm đến việc cải cách thủ tục hành chính với vấn đề giải quyết chính sách cho người có công với cách mạng, với nước bởi đây là các vấn đề liên quan đến quyền, vì vậy các thủ tục phải đảm bảo thuận lợi để người có công và thân nhân không gặp khó khi làm thủ tục hưởng các chế độ chính sách. Đồng thời, nên đổi tên Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng thành Pháp lệnh ưu đãi người có công với nước, điều này mới thể hiện được việc sửa đổi toàn diện và phù hợp với giai đoạn hiện nay. Sau 15 năm thực hiện với những kết quả tích cực mang lại, định hướng sắp tới cần thiết phải xây dựng Pháp lệnh này thành Luật.
Đồng tình quan điểm trên, bà Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho rằng các chính sách của Pháp lệnh thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc ta. Qua 15 năm thực hiện với nhiều lần sửa đổi, để phù hợp với thực tế nên xây dựng Pháp lệnh này thành Luật; đồng thời sửa đổi tên gọi là Luật ưu đãi người có công với nước. Điều này thuận lợi cho việc xem xét các đối tượng có công trong thời bình và làm nghĩa vụ quốc tế.
Nhiều đại biểu cho rằng cần bổ sung thêm thân nhân người có công với đối tượng là cha, mẹ nuôi và con nuôi. Các đại biểu nhất trí cao với việc bổ sung quy định vợ hoặc chồng liệt sĩ lấy chồng hoặc vợ khác nhưng nuôi con liệt sĩ đến tuổi trưởng thành, chăm sóc bố mẹ liệt sĩ thì được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng và bảo hiểm y tế. Tuy nhiên các đại biểu đề xuất cho đối tượng này hưởng đầy đủ chế độ ưu đãi đối với thân nhân liệt sĩ, chứ không chỉ là hai chính sách hỗ trợ trên.