So với các tỉnh trong khu vực, Lâm Đồng có độ che phủ rừng đạt tới 54,5% và mỗi năm tăng thêm 0,5%, trong khi độ che phủ bình quân của cả khu vực là 46,19%. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, địa phương này cũng phải căng mình chống lại nạn "gặm nhấm" rừng để chiếm đất ở, đất sản xuất trái pháp luật.
Thực hiện chủ trương đóng cửa rừng theo Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư, tỉnh Lâm Đồng đã triển khai đồng loạt các giải pháp như ngừng cấp phép khai thác lâm sản, tận thu - tận dụng lâm sản trên diện tích rừng tự nhiên; thoái trả bồi thường giá trị tài nguyên rừng trên diện tích tận dụng lâm sản cho các doanh nghiệp trong các dự án đã cấp phép trước đó; kiểm kê lại tài nguyên rừng cho các doanh nghiệp để thoái trả giá trị lâm sản đã bồi thường. Những khu vực rừng tự nhiên, rừng sản xuất là rừng tự nhiên đều nghiêm cấm khai thác, chỉ quản lý bảo vệ. Lâm Đồng cũng dừng tất cả các dự án đầu tư vào rừng, liên quan đến rừng…
Qua triển khai, tỉnh Lâm Đồng thu hồi 8 giấy phép đã cấp cho 7 doanh nghiệp trồng rừng cao su và rừng kinh tế trên diện tích hơn 465ha, tổng sản lượng gỗ gần 14.000 m3. Với những trường hợp đã nộp tiền bồi thường giá trị tài nguyên rừng, tỉnh đã thoái trả tiền bồi thường cho 12 đơn vị với số tiền trên 11 tỷ đồng… Nhờ thực hiện những giải pháp khá mạnh mẽ, nên trong 5 năm qua, diện tích rừng của Lâm Đồng không giảm mà còn tăng thêm, đến nay đã đạt 536.0 ha trên tổng số 978.334 ha diện tích tự nhiên, đưa tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 54,5%, mỗi năm tăng 0,5%.
Trong khi các tỉnh khác thuộc khu vực Tây Nguyên và các tỉnh giáp ranh liên tiếp xảy ra những vụ phá rừng, khai thác lâm sản với quy mô lớn, thì Lâm Đồng phải đối mặt với tình trạng "gặm nhấm" rừng khá tinh vi. Đó là tình trạng tại những cánh rừng gần khu đô thị - khu dân cư hoặc gần đường giao thông liên tục xảy ra các vụ xâm lấn rừng bằng hình thức ken cây, khoan gốc rồi bơm hóa chất làm cây chết dần dần để chiếm đất ở, đất sản xuất. Điển hình như vụ hàng ngàn cây thông ở tiểu khu 292, xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà, bị hạ độc chết hàng loạt vào tháng 4/2019; vụ phá rừng bằng hình thức ken cây, đổ hóa chất, hủy hoại hàng trăm cây thông để chiếm đất tại tiểu khu 460, xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm, vào tháng 8/2019; vụ cưa hạ hàng trăm cây thông trên 2 quả đồi rồi rao bán như đất vô chủ tại tiểu khu 216, xã Phi Liêng, huyện Đam Rông vào tháng 2/2020…
Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho biết: Đặc trưng chung của 5 tỉnh Tây Nguyên là dân di cư tự do từ phía Bắc vào khá nhiều, nên nhu cầu đất sản xuất tăng cao trong khi quỹ đất không còn. Mặt khác, do tình trạng xâm nhập mặn ở Nam Bộ, khó sản xuất nên nhiều người đổ lên mua đất sản xuất với giá rất cao. Khi người dân bản địa bán hết đất sử dụng hợp pháp, họ sẽ tìm cách phá rừng, lấn chiếm đất rừng để sản xuất, chuyển nhượng trái phép. Mặt khác, Lâm Đồng có đặc thù riêng là khí hậu mát mẻ, thuận lợi cho sản xuất công nghệ cao. Tại nhiều khu vực thuận lợi, đất sản xuất lên đến hàng tỷ đồng mỗi sào, rất có giá, nên xảy ra tình trạng một số người lấn chiếm đất rừng để canh tác, mua bán.
Chỉ tính riêng năm 2019, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã phát hiện và lập hồ sơ 735 vụ, trong đó có 4 vụ xác định được đối tượng. Trong số đó có 49 vụ vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp có tính chất phức tạp, tăng 18 vụ so với năm 2018; có 2 vụ chống người thi hành công vụ, tăng 1 vụ so với năm 2018. Tổng diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm là 79 ha, diện tích bị tái lấn chiếm 34,3 ha... Trong quý I năm 2020, lực lượng chức năng và chính quyền địa phương cũng đã phát hiện 136 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, gây thiệt hại 7,4 ha rừng. Từ đầu năm đến nay, cũng có tới 17 vụ lấn chiếm đất và tái lấn chiếm đất lâm nghiệp với diện tích trên 45.000 m2. Lực lượng chức năng đã giải tỏa hơn 6.500 m2, tuy nhiên chưa trồng lại được rừng trên diện tích này…
Theo ông Nguyễn Văn Sơn, để tuyên chiến với nạn "gặm nhấm" đất rừng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã xây dựng Đề án "Tăng cường quản lý bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng và khôi phục rừng trên diện tích bị lấn chiếm giai đoạn 2020- 2025, tầm nhìn 2030", đang trình UBND tỉnh và lấy ý kiến đóng góp. Nội dung chính của đề án này là đề phòng "gặm nhấm" rừng theo kiểu nay phá vài trăm mét vuông, mai phá vài trăm mét vuông. Tình trạng này khiến lực lượng chức năng rất mệt mỏi, bởi nhiều khi "lâm tặc" ở ngay tại địa phương, ở vùng giáp ranh, lén lút ken cây, khoan lỗ rồi bơm hóa chất khiến cây chết từ từ, chứ không chặt hạ ồ ạt nên rất khó phát hiện. Tại đề án này, Sở đề xuất không phê duyệt các dự án cho thuê rừng phòng hộ, kinh doanh du lịch dưới tán rừng nữa, mà chỉ còn dự án cho thuê môi trường rừng. Hiện tỉnh Lâm Đồng đã dừng chủ trương chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su, đồng thời tăng cường quản lý, bảo vệ rừng.
Đặc biệt, ngày 19/5/2020, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ra văn bản số 4523/UBND-LN về tổ chức đợt cao điểm ra quân kiểm tra, truy quét tại các khu vực trọng điểm có nguy cơ phá rừng để lấy gỗ, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép.
Ông Nguyễn Khang Thiên, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm Lâm cho biết: Đơn vị sẽ tổ chức ngay các đợt ra quân trong toàn lực lượng Kiểm lâm, trên phạm vi toàn tỉnh để tuần tra; Hỗ trợ các đơn vị chủ rừng tổ chức thực hiện đợt cao điểm kiểm tra, truy quét tại các khu vực trọng điểm có nguy cơ phá rừng, khai thác gỗ, lấn chiếm, sang nhượng đất lâm nghiệp trái pháp luật để có biện pháp ngăn chặn xử lý kịp thời; tăng cường kiểm tra, giám sát việc giải tỏa diện tích rừng bị phá, kiên quyết không để đối tượng vi phạm sử dụng, sang nhượng diện tích đất do phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp; rà soát, tổ chức giải tỏa toàn bộ diện tích rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm để tập trung trồng lại rừng trong mùa mưa 2020…
Đặc biệt, lực lượng chức năng sẽ phối hợp với chính quyền địa phương kiên quyết giải tỏa diện tích đất lâm nghiệp mới lấn chiếm trong thời gian gần đây. Nếu không giải tỏa kịp thời, để những người lấn chiếm rào lại, mấy tháng sau cà phê mọc lên thì rất khó giải quyết, nên phải giải tỏa và trồng ngay rừng mới. Đây là cuộc chiến không chỉ với "lâm tặc", mà là với "thổ tặc", nên ngành Tài nguyên và Môi trường, chính quyền địa phương… cùng phải vào cuộc. Nếu chỉ để ngành Lâm nghiệp thực hiện thì rất khó.
Theo lãnh đạo ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng: Hiện có một thực trạng đang xảy ra tại một số địa phương trong tỉnh, là địa phương nào có cán bộ lãnh đạo sở hữu đất nông nghiệp không rõ nguồn gốc ở đây thì rất phức tạp trong công tác quản lý bảo vệ rừng. Còn địa phương nào không có tình trạng này, thì lại làm rất tốt. Điển hình như huyện Đơn Dương, rừng rất xanh tốt và hầu như không có chuyện bị xâm hại. Tìm hiểu ra thì được biết không có cán bộ nào sở hữu đất không rõ nguồn gốc, nên anh em làm nhiệm vụ quản lý và bảo vệ rừng làm việc rất thuận lợi.
Trong những năm gần đây, cơ quan chức năng địa phương đã xử lý một số vụ việc liên quan đến cán bộ địa phương. Điển hình như vụ khởi tố, bắt tạm giam 6 bị can, trong đó có 1 cán bộ cấp phòng của Ngân hàng Agribank để điều tra hành vi hủy hoại hàng trăm cây thông tại tiểu khu 460, xã Lộc Ngãi (huyện Bảo Lâm). Thậm chí ngày 19/2/2020 vừa qua, cơ quan chức năng đã khởi tố nguyên Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cùng 2 cán bộ đương nhiệm khác về tội danh "Vi phạm quy định về quản lý rừng" trong thực hiện chủ trương chuyển rừng tự nhiên nghèo sang trồng cao su, gây thiệt hại trên 200 ha rừng tự nhiên "nghèo" vào năm 2016…
Được biết năm 2009, Lâm Đồng là một trong 2 tỉnh đầu tiên thực hiện thành công thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng, tạo tiền đề cho triển khai Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đầu tiên tại Việt Nam. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã đề xuất thực hiện dự án "Cà phê Nông - Lâm kết hợp và tăng cường chất lượng rừng cho REDD+ ở tỉnh Lâm Đồng". Dự án này do Bộ Môi trường, Bảo tồn thiên nhiên và An toàn hạt nhân (BMU) của Liên bang Đức tài trợ, do Tổ chức Phát triển Hà Lan SNV thực hiện tại huyện Lạc Dương. Đến nay, dự án đã thành công, làm thay đổi tập quán canh tác, nhận thức, ý thức của đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương, với phương thức trồng xen cây lâm nghiệp đa mục đích với mật độ thích hợp không gây mất rừng, không lấn chiếm đất lâm nghiệp và không phá rừng.