Đề án đặt mục tiêu tổng quát là điều tra, đánh giá chi tiết và cập nhật thông tin về trượt, sạt lở đất đá, lũ bùn đá, lũ ống, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam trên cơ sở phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan nghiên cứu - quản lý - chính quyền - nhân dân địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội; xây dựng và hoàn thiện hệ thống quản lý thông tin hiện đại, thống nhất liên ngành phục vụ công tác cảnh báo sớm các khu vực nhạy cảm theo thời gian thực nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.
Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Trần Bình Trọng cho biết: Nhiều năm qua, các đơn vị thuộc Bộ cùng nhiều cơ quan liên quan, các tổ chức, cá nhân đã có nhiều công trình, nghiên cứu về cảnh báo nguy cơ thiên tai, tai biến địa chất và phân vùng tổng hợp nguy cơ thiên tai trên lãnh thổ Việt Nam.
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, đóng góp không nhỏ vào việc phòng, tránh và giảm nhẹ thiệt hại do trượt, sạt lở đất đá, lũ bùn đá, lũ ống, lũ quét gây ra, song việc điều tra, quan trắc, cảnh báo về các tai biến nêu trên còn nhiều vấn đề tồn tại. Trong đó, Việt Nam chưa có hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung, phần mềm online hỗ trợ khai thác kết quả cảnh báo, dự báo theo diễn biến khí tượng thủy văn để chính quyền thôn, xã và người dân cập nhật các hiện tượng mưa lớn, trượt, sạt lở đất đá, lũ bùn đá, lũ ống, lũ quét; chưa có sự tham gia tích cực của chính quyền địa phương trong triển khai đề án/dự án, đặc biệt chính quyền xã, già làng, trưởng bản trong điều tra chi tiết các xã (xác định các khối trượt nguy cơ rất cao, các tuyến lánh nạn, vị trí sơ tán, định cư người dân an toàn...).
Thêm vào đó, nước ta cũng chưa có mô hình cơ quan, tổ chức điều phối chung hợp lý, dẫn đến các kết quả nghiên cứu, điều tra, nguồn dữ liệu của các đề án, dự án, đề tài của cơ quan, tổ chức chưa được tổng hợp, lồng ghép kịp thời phục vụ hỗ trợ ra quyết định cảnh báo...
Đề án “Điều tra, đánh giá chi tiết và xây dựng hệ thống quản lý thông tin - cảnh báo sớm trượt, sạt lở đất đá, lũ bùn đá, lũ ống, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam” góp phần khắc phục những tồn tại của giai đoạn trước và từng bước đáp ứng mong muốn của chính quyền, nhân dân các địa phương trong việc phòng, tránh, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, tai biến trượt, sạt lở đất đá, lũ bùn đá, lũ ống, lũ quét, bảo đảm phát triển kinh tế xã hội bền vững.
Đề án cũng đặt ra các mục tiêu cụ thể để ứng phó với trượt, sạt lở đất đá, lũ bùn đá, lũ ống, lũ quét tại khu vực miền núi, trung du Việt Nam. Đó là việc xây dựng hệ thống quản lý thông tin - cảnh báo sớm theo thời gian thực; ứng dụng công nghệ 4.0, thiết kế cấu trúc cơ sở dữ liệu và xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung thống nhất liên ngành phục vụ công tác cảnh báo sớm theo thời gian thực.
Xây dựng bộ tiêu chí và xác định được các khu vực có nguy cơ cao; lựa chọn được hệ phương pháp và mô hình phân vùng cảnh báo, ổn định mái dốc chi tiết, khả thi áp dụng tại các khu vực nhạy cảm; xây dựng được hệ thống quan trắc, giám sát để cảnh báo sớm theo thời gian thực. Trong đề án cũng đề cập việc tiến hành nghiên cứu, xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để triển khai các nhiệm vụ; điều tra, đánh giá chi tiết trong thời gian ngắn nhất các khu vực nhạy cảm; chuyển giao kết quả, hướng dẫn sử dụng và giáo dục cộng đồng về công tác phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại; lắp đặt và vận hành hệ thống quan trắc, giám sát và cảnh báo sớm theo thời gian thực; xây dựng Trung tâm quản lý thông tin - cảnh báo sớm...
Đề án dự kiến thời gian thực hiện từ tháng 1/2021 đến tháng 12/2025 để đảm bảo tính cấp thiết, đáp ứng yều cầu thực tế trong công tác phòng tránh thiên tai...