Điều đó là nhờ sự chủ động đẩy mạnh hợp tác quốc tế theo chiều sâu, đồng thời thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học về khí tượng thủy văn nhằm hiện đại hóa công nghệ dự báo và mạng lưới quan trắc.
Phó Tổng cục trưởng Phụ trách Tổng cục Khí tượng Thủy văn Quốc gia Trần Hồng Thái cho rằng, thực tế cảnh báo sớm về thời tiết nguy hiểm như bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, lũ lụt, nắng nóng, giá rét… là một yếu tố chính trong việc giảm nguy cơ thiên tai, giúp ngăn ngừa thiệt hại về người và tài sản, cũng như giảm được tác động của thiên tai đến nền kinh tế đất nước. Tuy vậy, bên cạnh việc xây dựng hệ thống cảnh báo sớm đa thiên tai, cần có sự tham gia của người dân và cộng đồng, kết hợp với nâng cao nhận thức về rủi ro thiên tai để luôn đảm bảo trạng thái sẵn sàng ứng phó.
Hiện ngành khí tượng thủy văn đã nâng hạn thời hạn dự báo, cảnh báo sớm các cơn bão trước 5 ngày; áp thấp nhiệt đới 3 ngày và cảnh báo mưa lớn, lũ lớn trước 1-2 ngày. Để khắc phục tối đa các hạn chế trong công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, Tổng cục Khí tượng Thủy văn Quốc gia chỉ đạo các đơn vị chức năng phải tăng cường trao đổi, thống nhất việc chi tiết hóa các cấp độ rủi ro thiên tai trong các bản tin dự báo, cảnh báo từ Trung ương đến địa phương, cung cấp kịp thời cho các cơ quan Trung ương, địa phương và các phương tiện thông tin đại chúng phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai.
Theo đó, các bản tin dự báo thời tiết được thể hiện chi tiết cho từng thành phố, thị xã trên cả nước, trong đó thực hiện dự báo thời tiết và các hiện tượng khí tượng nguy hiểm chi tiết cho 653 địa điểm; dự báo thủy văn cho 298 địa điểm thuộc các sông trên toàn quốc và dự báo hải văn chi tiết cho các vùng biển, huyện đảo thuộc các tỉnh ven biển. Phát triển và nâng cao một bước chất lượng dự báo khí tượng thủy văn, nhất là chất lượng dự báo thời tiết, thủy văn nguy hiểm, đáp ứng cơ bản yêu cầu phòng chống thiên tai.
Tổng cục Khí tượng Thủy văn Quốc gia chỉ đạo và theo dõi chặt chẽ hoạt động của mạng lưới trạm khí tượng thủy văn trên toàn quốc, xây dựng và hoàn thiện phương án quan trắc khi xảy ra tình huống có bão, mưa lũ lớn trước mùa mưa, bão hàng năm. Thực hiện công tác kiểm tra kỹ thuật mạng lưới trạm khí tượng thủy văn tại các Đài, trạm khí tượng thủy văn, đảm bảo thu thập đầy đủ số liệu và sản phẩm khí tượng thủy văn phục vụ phát báo quốc tế, dự báo phục vụ khí tượng thủy văn và đánh giá chất lượng dự báo...
Thực tiễn cho thấy, công tác cảnh báo lũ quét, sạt lở đất của ngành khí tượng thủy văn nước ta mới chỉ đạt được ở mức cảnh báo có nguy cơ trên một khu vực rộng, chưa cảnh báo được ở một vị trí cụ thể. Dự báo điểm còn nhiều khó khăn do các điểm quan trắc khí tượng thủy văn còn thưa, chưa đáp ứng đầy đủ số liệu, quan trắc thủ công vẫn là chủ yếu, cộng với chế độ dòng chảy tại các trạm thủy văn bị ảnh hưởng của hồ chứa thủy lợi và thủy điện. Do đó, cần tiếp tục đầu tư hiện đại hóa và tự động hóa hệ thống thông tin truyền dẫn số liệu khí tượng thủy văn, nâng cao tốc độ và mở rộng băng thông, đáp ứng yêu cầu phát triển công nghệ dự báo và trao đổi số liệu trong và ngoài ngành. Ngoài việc đăng tải thông tin dự báo khí tượng thủy văn trên website của các đơn vị trực thuộc Tổng cục và Trang thông tin điện tử của Tổng cục Khí tượng Thủy văn Quốc gia, còn gửi tới các cơ quan thông tấn báo chí, các phương tiện thông tin đại chúng.
Nhận định về tình hình thời tiết 6 tháng cuối năm 2018, Tiến sĩ Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, theo các kết quả dự báo mới nhất của các cơ quan dự báo khí hậu trên thế giới, khả năng từ tháng 10 xuất hiện El Nino (hiện tượng nóng lên dị thường của lớp nước biển bề mặt). Nếu xuất hiện trạng thái này, khu vực các tỉnh, thành phố phía Nam sẽ xuất hiện nguy cơ hạn hán và xâm nhập mặn trong mùa khô 2018-2019.