Lấp ‘lỗ hổng’ trong quản lý giá thuốc, vật tư y tế

Nhiều người dân mắc bệnh mạn tính đang khổ sở vì phải mua thuốc điều trị giá cao. Đáng nói, cùng một chủng loại, nhà sản xuất, cùng trên một địa bàn mà giá thuốc và vật tư y tế ở mỗi đơn vị lại “nhảy múa” một kiểu... Đó là “bài toán” khó về quản lý giá thuốc, vật tư y tế đang cần sớm có lời giải.

Loạn giá thuốc

Lâu nay, loạn giá thuốc luôn là một vấn đề nan giải mà người bệnh chính là người phải chịu nhiều thiệt thòi nhất. Thực tế, cùng một loại thuốc, người mua đang phải chịu sự chênh lệch giữa giá kê khai với các hiệu thuốc, giữa bệnh viện và các hiệu thuốc bên ngoài hoặc giữa các bệnh viện với nhau...

Tăng cường kiểm tra các mặt hàng dược phẩm cũng là một giải pháp hạn chế tình trạng “loạn” giá thuốc.

Đơn cử, thuốc Simulect dùng trong điều trị dự phòng thải ghép do Novartis sản xuất, kê khai giá tại Bộ Y tế là gần 29.700.000 đồng/lọ, nhưng giá bán bên ngoài là 31.500.000 đồng/lọ, chênh nhau gần 2 triệu đồng.

Hay thuốc bột pha tiêm Herceptin lọ 440 mg được chỉ định trong điều trị ung thư vú di căn có giá là gần 45.600.000 đồng. Tuy nhiên, tại đại lý phân phối lại được rao bán công khai trên website với mức giá là 49.000.000 đồng. Như vậy, từ giá kê khai, qua đại lý phân phối đến tay người bệnh đã có sự chênh lệch tới gần 4 triệu đồng/lọ.


Nhiều chuyên gia cho rằng tình trạng trục lợi từ một số mặt hàng thuốc điều trị đặc biệt nhằm tăng giá thuốc khi nguồn cung bị khan hiếm cũng là một “bài toán” khó đối với công tác quản lý giá thuốc hiện nay.


Ấy thế nhưng khi trả lời về vấn đề giá thuốc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến luôn khẳng định: “Giá thuốc tên gốc trúng thầu ở Việt Nam ở mức thấp so với mặt bằng chung quốc tế và giá thuốc biệt dược trúng thầu ở Việt Nam ở khoảng trung bình so với số liệu quốc tế”.


Người đứng đầu ngành y cũng khẳng định, việc quy định đấu thầu tập trung cấp địa phương thời gian qua cơ bản giải quyết việc chênh lệch giá trúng thầu giữa các cơ sở y tế trên cùng địa bàn tỉnh, thành phố so với trước đây.


Hiện tại, 56 tỉnh, thành phố đều tổ chức đấu thầu tập trung cấp địa phương và 44 bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế tổ chức đấu thầu vào thời điểm khác nhau, điều kiện giao hàng, khoảng cách địa lý, số lượng mua sắm khác nhau... nên có một số trường hợp giá thuốc trúng thầu khác nhau giữa các cơ sở y tế. Tuy nhiên, Bộ Y tế cho rằng sự chênh lệch giá thuốc trúng thầu ở một số trường hợp này là không lớn và tình hình vẫn đang được kiểm soát chặt chẽ.


Kế hoạch lựa chọn nhà thầu vật tư y tế còn hình thức


Mới đây, báo cáo của Kiểm toán Nhà nước về kiểm toán Chuyên đề công tác đầu tư, mua sắm, quản lý và sử dụng trang thiết bị y tế năm 2015 đã nêu rõ: Bộ Y tế chưa ban hành các văn bản quy định cụ thể về đấu thầu trang thiết bị y tế, đặc biệt là công tác xây dựng, phê duyệt kế hoạch đấu thầu mua sắm hóa chất, vật tư tiêu hao còn nhiều bất cập; phê duyệt giá kế hoạch giữa các bệnh viện hầu hết là khác nhau cho một loại vật tư, hóa chất của cùng một nhà cung cấp và có sự chênh lệch về giá rất lớn.


Cụ thể, giá vật tư giữa các cơ sở y tế có loại chênh lệch gấp 6,7 lần. Như cùng là 1 kim cánh bướm, giá ở Bệnh viện Việt Đức là 1.090 đồng, Bệnh viện Chợ Rẫy 7.350 đồng; cùng là 1 dây truyền huyết thanh nhưng tại Bệnh viện Bạch Mai là 3.675 đồng, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức 18.000 đồng.


Hay như hóa chất, cùng là 1 hộp Series Retic Pak reagen kit, 1x0 ml+1.90 0ml, tại Viện Huyết học Truyền máu TƯ là 16.718.000 đồng, Bệnh viện Thống nhất 2.874.375 đồng; Hoặc 1 hộp Cleaning Solution (Clean A), 1x500ml, tại Bệnh viện Chợ Rẫy là 1.597.000 đồng, còn ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức 5.067.000 đồng...


Sau khi kết quả kiểm toán này được công bố, đại diện một số bệnh viện và cả Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cũng “lên tiếng” phản hồi: “Giá vật tư, hóa chất chênh lệch là do nhiều khi cùng một loại nhưng nơi sản xuất khác nhau thì... sẽ có giá khác nhau”.


Tuy nhiên, ngay chính ngành Bảo hiểm Xã hội Việt Nam (BHXH VN) cũng đã thừa nhận hiện còn tồn tại nhiều vướng mắc trong đấu thầu, sử dụng và thanh toán vật tư y tế.


“Đối với giá vật tư y tế, có sự chênh lệch giá trúng thầu của cùng 1 loại, cùng hãng, cùng nước giữa các cơ sở khám chữa bệnh trên cùng địa bàn tỉnh hoặc giữa các tỉnh. Năm 2016, một số địa phương có giá vật tư y tế (Stent ĐMV, Thủy tinh thể) cao so với mặt bằng chung cả nước: Phú Thọ, Thanh Hóa, Bệnh viện Thống Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh), Hà Giang, Điện Biên”, một đại diện BHXH VN cho biết.


Theo BHXH VN, hiện nay, hình thức đấu thầu vật tư y tế rất đa dạng, hình thức chỉ định thầu và chào hàng cạnh tranh chiếm tỷ lệ lớn nhưng việc xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu còn hình thức dẫn đến thực trạng giá trúng thầu cùng mặt hàng vật tư y tế (cùng tên thương mại, nhà sản xuất, nước sản xuất) tại các cơ sở khám chữa bệnh có sự chênh lệch lớn (Thanh Hóa, Phú Thọ...).


Chú trọng đấu thầu tập trung, đàm phán cấp quốc gia


Thời gian tới, để khắc phục tình trạng chênh lệch về giá thuốc, vật tư y tế, đại diện Bộ Y tế cho biết đang khẩn trương tập trung nguồn lực để triển khai hoạt động đấu thầu tập trung và đàm phán giá cấp quốc gia. Dự kiến trong năm 2017, sẽ có kết quả đàm phán giá và đấu thầu thuốc tập trung cấp quốc gia và sẽ khắc phục triệt để hơn nữa việc chênh lệch giá trúng thầu của một số mặt hàng thuốc tại cơ sở y tế.


Bộ Y tế đang triển khai sửa đổi Thông tư số 11/2016/TT - BYT ngày 11/5/2016 trong đó sửa đổi quy định về việc đấu thầu mua các thuốc biệt dược gốc đã hết hạn bảo hộ có nhiều thuốc thuộc nhóm có tiêu chuẩn, kỹ thuật tương đương (Nhóm 1 - thuốc sản xuất tại châu Âu, Mỹ, Nhật, Úc), đã đáp ứng nhu cầu điều trị theo hình thức đấu thầu rộng rãi với gói thầu thuốc generic.


Tính đến thời điểm hiện tại, có 698 thuốc biệt dược gốc đã được công bố, trong đó có khoảng 477 thuốc đã hết thời hạn bảo hộ và đã có các thuốc generic được cấp phép lưu hành. Ước tính, nếu đấu thầu rộng rãi khoảng 100 thuốc biệt dược gốc đã hết bản quyền, đã có từ 3 số đăng ký thuốc generic thuộc nhóm có tiêu chuẩn, kỹ thuật tương đương sẽ tiết kiệm khoảng 10% trị giá tiền thuốc mua sắm của các cơ sở y tế.


Ngoài ra, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ Y tế đang phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam xây dựng cơ cấu mua sắm, sử dụng hợp lý giữa thuốc biệt dược gốc và thuốc generic trên nguyên tắc đảm bảo phục vụ tốt công tác điều trị của các cơ sở y tế, tránh lạm dụng việc sử dụng các thuốc biệt dược gốc đã hết bản quyền, chi phí lớn để đảm bảo tiết kiệm chi phí tiền thuốc cho quỹ BHYT. Dự kiến Thông tư quy định việc đấu thầu thuốc sửa đổi, bổ sung các nội dung nêu trên sẽ ban hành trong tháng 7/2017.


Về phía ngành BHXH VN sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát thực hiện gói thầu mua sắm thanh toán chi phí thuốc, vật tư y tế sau khi đã phê duyệt, phát hiện các bất hợp lý để xử lý kịp thời, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn quỹ BHYT và khả năng chi trả của người bệnh, của nhân dân.


Ngành đã giao chỉ tiêu cho BHXH các tỉnh, giảm chi phí về tỷ lệ sử dụng biệt dược gốc, chuyển sử dụng biệt dược gốc sang sử dụng thuốc Generic Nhóm 1, hạn chế việc sử dụng, thanh toán thuốc có hàm lượng, dạng bào chế, đóng gói ít cạnh tranh.


Đặc biệt, kịp thời báo cáo kết quả thuốc, vật tư y tế trúng thầu về BHXH VN, cập nhật giá thuốc trúng thầu trung bình do BHXH VN công bố làm cơ sở để các Hội đồng đấu thầu tham khảo xây dựng giá thuốc trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu; nâng cao chất lượng việc tham gia quá trình đấu thầu, đảm bảo lựa chọn thuốc chất lượng với giá cả hợp lý, khắc phục một số bất cập, tồn tại trong thời gian vừa qua.


Phương Liên/Báo Tin Tức
Bộ trưởng Bộ Y tế: Giá thuốc Việt Nam không cao
Bộ trưởng Bộ Y tế: Giá thuốc Việt Nam không cao

Tại phiên chất vấn sáng nay (14/6) Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định giá thuốc Việt Nam thậm chí thấp hơn một số quốc gia trong ASEAN.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN