Thời gian vừa qua, các cơ quan truyền thông đại chúng đưa tin rất nhiều về chất cấm có trong chăn nuôi, ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Trước tiên, phải khẳng định đây không phải là vấn đề mới mẻ. Từ năm 2005, Hiệp hội thức ăn chăn nuôi đã tổ chức, quán triệt cho tất cả các hội viên không được dùng các chất cấm trong thức ăn chăn nuôi là Sabutamol, Clenbuterol, chất tạo nạc. Mặc dù, nói không với chất cấm được Hiệp hội cảnh báo đã 10 năm rồi nhưng các cấp, các ngành chưa có sự quan tâm đầy đủ và vẫn còn định kiến. Để rồi đến năm 2010, người tiêu dùng đã có phản ứng tiêu cực không ăn thịt lợn, làm cho ngành chăn nuôi điêu đứng, báo chí đưa tin liên tục nhưng chỉ được một thời gian lại rơi vào lặng im. Cuối năm 2015, các phương tiện thông tin lại bùng lên việc phát hiện chất cấm trong chăn nuôi. Giờ chúng ta hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, nhất là tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mới nhận thức được tác hại của việc thịt có chứa chất cấm và tác hại của kháng sinh vượt ngưỡng cho phép trong thịt.
Vậy theo ông phải quản lý chất Salbutamol như thế nào có hiệu quả?
Trước hết, Bộ Y tế cho nhập Sabutamol làm nguyên liệu để sản xuất thuốc hen suyễn là được phép, nhưng dùng bao nhiêu thì chỉ nhập bấy nhiêu và nhập đưa đi đâu, tồn kho bao nhiêu phải có sự quản lý. Dù là nửa cân cũng phải quản lý, đảm bảo đủ dùng để phòng chống bệnh. Hàng năm phải kiểm tra thường kỳ, kiểm tra đột xuất để đối chiếu số còn trong kho với số đã xuất. Xuất đi bệnh viện nào thì đến bệnh viện đó kiểm tra xem dùng có đúng mục đích hay không. Chẳng hạn phân phối cho đơn vị A 5 kg, hết tháng 5 đơn vị khai báo đã sử dụng 3 kg, còn 2 kg phải biết nó ở đâu. Tóm lại, Bộ Y tế phải có trách nhiệm quản lý, không thể đổ cho bộ, ngành khác.
Nếu quản lý tốt thì dù "dân có gian", có ham lợn tăng trọng nhanh cũng không tự gian được. Việc kiểm tra thịt, kiểm tra nước tiểu, sẽ tìm ra ai là người bán thuốc. Tại sao các chủ chăn nuôi không dám tố cáo người bán thuốc cho mình? Theo tôi phải phạt thật nặng người bán thuốc, sau đó là người nuôi, trong đó người bán thuốc phải bị phạt gấp đôi người nuôi. Chủ trại và các nhà máy thức ăn chăn nuôi cũng phải bị phạt nặng.
Để loại trừ chất cấm trong chăn nuôi, Hiệp hội thức ăn chăn nuôi cũng như các ngành chức năng có trách nhiệm như thế nào, thưa ông?
Hiệp hội thức ăn chăn nuôi đã cam kết nói không với chất cấm. PGS. TS Lã Văn Kính, Phân viện trưởng Phân viện Chăn nuôi phía Nam, một chuyên gia hàng đầu về thức ăn chăn nuôi đã giảng giải rất rõ về tác hại của Clenbuterol, Sabutamol đối với sức khỏe con người từ năm 2005.
Nhiệm vụ của Hiệp hội thức ăn chăn nuôi là phải tuyên truyền, phổ biến cho tất cả các thành viên của Hiệp hội. Phải quán triệt những luật chơi chung trong thời hội nhập quốc tế. Nếu chúng ta kiểm tra mà cứ có chất cấm trong khi quốc tế quảng cáo thịt sạch, ta sẽ mất đi người tiêu dùng, mất thị trường.
Trong thời kỳ hội nhập, thịt phải sạch thì mới có thị trường, thịt không sạch thì mất thị trường, nông dân không có việc làm, không có thu nhập. Quan trọng nhất là ảnh hưởng đến nòi giống. Thịt nước ngoài chưa chắc đã sạch, trên thế giới có 27 nước; trong đó có Mỹ cho phép dùng chất tăng trọng Ractoparnine thì Việt Nam không cho dùng. Do vậy, các cơ quan kiểm tra phải chịu trách nhiệm với sức khỏe người dân, đừng hy sinh sức khỏe dân tộc. Chính các cơ quan quản lý phải trung thực, nghiêm túc. Tiêu chuẩn nhập khẩu phải công khai, minh bạch.
Xin cảm ơn Giáo sư!