Do vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Việt Nam cho rằng, trong năm 2016, các đơn vị liên quan phải kiểm soát chặt, không để tái diễn tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.
Gây hại nhưng chưa có bằng chứng gây ung thư
Chất cấm trong chăn nuôi là các loại hóa chất, kháng sinh, hóa dược khi sử dụng trong chăn nuôi gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe vật nuôi, người sử dụng sản phẩm chăn nuôi. Hầu hết các nước trên thế giới đều ban hành danh mục các sản phẩm cấm sử dụng trong chăn nuôi. Ở Việt Nam Bộ NN&PTNT đã ban hành danh mục các chất cấm sử dụng trong chăn nuôi từ năm 2002, trong số, có các chất thuộc nhóm Beta agonist (β- agonist).
Theo ông Chu Đình Khu, Trưởng phòng Thức ăn chăn nuôi, Cục Chăn nuôi - Bộ NN&PTNT, sử dụng các chất
β- agonist trong chăn nuôi đem lại 4 tác dụng chính là: Tăng tốc độ sinh trưởng, tăng hiệu quả sử dụng thức ăn, tăng tích lũy mô nạc, giảm tích lũy mỡ, cải thiện mầu sắc của thịt (thịt lợn). Do vậy, từ cuối thập kỷ 80 và đầu thập kỷ 90 các chất β- agonist được nhiều nước cho sử dụng trong chăn nuôi với 3 chất là Clenbuterol, Salbutamol và Ractopamine.
Lực lượng thanh tra Bộ NN&PTNT sẽ tăng cường kiểm tra để ngăn chặn chất cấm trong chăn nuôi. |
Tuy nhiên, sau khi phát hiện ra mặt trái của việc sử dụng các chất này trong chăn nuôi, điển hình là những vụ ngộ độc lớn với thực phẩm có chứa β- agonist tồn dư trong thực phẩm tại Pháp năm 1991, Tây Ban Nha năm 1995, Thượng Hải Trung Quốc năm 2006 và Quảng Đông Trung Quốc năm 2009... nên hiện nay hầu hết các nước trên thế giới đã cấm sử dụng các chất này trong chăn nuôi, trừ Mỹ và 25 nước khu vực châu Mỹ là còn cho phép sử dụng có kiểm soát chặt đối với chất Ractopamine trong chăn nuôi.
Còn tại Việt Nam, trong thời gian qua, người dân lo lắng trước thông tin nhiều cơ sở chăn nuôi dùng Salbutamol để làm thức ăn chăn nuôi có thể gây ra ung thư ở người khi sử dụng các sản phẩm chăn nuôi. Về vấn đề này, TS Trần Văn Thuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện K Trung ương cho biết, hàng năm Bộ Y tế Hoa Kỳ báo cáo nghiên cứu về ung thư, tổng hợp từ các nghiên cứu đã báo cáo các chất ung thư ở người. Qua báo cáo cho thấy, tới thời điểm hiện tại, Sabultamol không phải là chất gây ung thư. Đây là chất thiết yếu để chữa cho các bệnh nhân bị hen phế quản và phổi tắc nghẽn mãn tính, có thể tiếp tục dùng mà không cần dừng lại.
Tuy nhiên, TS Thuấn cho rằng, nếu dùng quá liều Sabultamol sẽ gây hồi hộp, trống ngực, nhịp tim nhanh, buồn nôn, nhức đầu, thậm chí có thể nguy hiểm tới tính mạng nếu quá liều cao.
Còn theo PGS.TS Lê Thị Hồng Hảo - Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm an toàn thực phẩm quốc gia - Bộ Y tế, ngộ độc cấp tính sẽ xảy ra khi người sử dụng sản phẩm có chứa hàm lượng cao B2-agonnist. Tác hại của loại chất cấm này khiến người sử dụng rối loạn nhịp tim, run cơ, co thắt phế quản, tăng huyết áp, nguy cơ xảy thai. Với chất auramine (vàng ô) thường xảy ra với người tiếp xúc trực tiếp, gây dị ứng, ngứa. Trên hệ tiêu hóa, chất này gây đau bụng, nôn ói, tiêu chảy, trụy tim mạch. Đặc biệt, nghiên cứu trên động vật cho thấy vàng ô gây ung thư cho chuột cống và chuột nhắt.
Kết nối thực phẩm an toàn với người dân
Trước những tác hại chưa thể lường hết được của việc sử dụng các hóa chất cấm trong chăn nuôi, ông Vũ Văn Tám - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, năm 2016, Bộ NN&PTNT coi đây là nhiệm vụ quan trọng số 1 và được chỉ đạo quyết liệt, tổ chức các đợt cao điểm hành động về ATTP, tập trung vào thanh tra, điều tra và xử lý vi phạm trong vấn đề nhập khẩu, kinh doanh Salbutamol hay sử dụng chất vàng ô.
Còn theo ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT, từ 1/7/2016 tới, khi Bộ luật Hình sự sửa đổi có hiệu lực, hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi sẽ bị phạt rất nặng, có thể lên tới 20 năm tù. Bên cạnh đó, thời gian tới, lực lượng thanh tra sẽ tập trung kiểm tra các nguồn cung cấp Sabultamol. Khi các công ty nhập về phải sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng. Với chất vàng ô, các nhà máy hiện đã không còn dùng chất này vì lợi ích kinh tế không cao. Tuy nhiên, nếu phát hiện thì thanh tra cũng sẽ xử phạt rất nặng, sẽ thanh tra chủ yếu ở các trang trại và lò mổ.
Ngoài ra, theo Bộ NN&PTNT, trong thời gian tới, Bộ sẽ chú trọng đến việc kết nối các thực phẩm, sản phẩm an toàn có chất lượng đến người tiêu dùng, vì đảm bảo an toàn thực phẩm không chỉ là đảm bảo sức khỏe con người mà còn là uy tín quốc gia, thể hiện khả năng cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi Việt Nam.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết: “Chúng tôi đang xây dựng các chuỗi thực phẩm có xác nhận, tạo thành các chuỗi lớn cung cấp lượng thực phẩm sạch cho người dân, cung cấp các sản phẩm thịt, trứng, sữa… có thương hiệu, tạo điều kiện cho người tiêu dùng biết được các sản phẩm này có nguồn gốc từ đâu”.
Ngoài ra, “Việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi làm mất đi năng lực cạnh tranh của ngành chăn nuôi việt Nam, nhất là khi chúng ta tham gia TPP hay các hiệp định tự do thương mại có hiệu lực. Nếu không kiểm soát tốt được vấn đề này thì các loại thực phẩm ngoại sẽ hoàn toàn chiếm lĩnh thị trường Việt Nam”, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng, Cục Chăn nuôi cảnh báo.