Thầy Trịnh Công Sơn (37 tuổi) hiện là giáo viên Thể dục ở Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (Quận 10, TP Hồ Chí Minh). Ngoài công việc chính ở trường, trong hành trình hơn 10 năm dạy võ miễn phí, thầy Sơn đã có thêm hàng trăm học viên ở ngoài trường. Ở nhiều lứa tuổi khác nhau, hoàn cảnh khác nhau, học viên của thầy Sơn đều là những người có hoàn cảnh khó khăn, trong số đó có cả những học viên đặc biệt - trẻ tự kỷ.
Vốn sinh ra trong gia đình lao động nên thầy Sơn có sự đồng cảm nhất định với những khó khăn của các học viên. Biết được có nhiều người mê võ nhưng không có điều kiện tài chính để theo học, năm 2012, thầy Sơn quyết định mở lớp dạy miễn phí và đón nhận tất cả học viên có mong muốn học. Sau những giờ dạy thể dục trên trường, thầy Sơn đến lớp với mong muốn tạo môi trường rèn luyện nâng cao sức khỏe, truyền năng lượng tích cực cho những học viên của mình. Hiện lớp võ của thầy Sơn có hơn 40 học viên ở mọi lứa tuổi, phần lớn là các bạn nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt. Những em có năng khiếu sẽ được thầy Sơn kèm riêng để có thể tham gia các giải đấu cho quận.
Không chỉ dạy học, thầy Sơn còn là người đồng hành, lắng nghe, chia sẻ, hiểu rõ hoàn cảnh của từng em trong lớp. Trong đó, có những em bố mẹ ly dị, có những em gia đình khó khăn sau buổi học phải đi bán vé số để phụ giúp gia đình. Lớp học ngày càng được nhiều người biết đến. Có phụ huynh tìm đến để gửi con bị tự kỷ, thầy cũng không từ chối. Theo thầy Sơn, chỉ cần các em có mong muốn được học đều có thể đến lớp của thầy.
Các em tự kỷ khó hòa nhập, việc tiếp thu kiến thức cũng chậm hơn những học sinh khác. Vì thế, ngoài sự kiên trì, thầy cô cần phương pháp tiếp cận phù hợp. Thầy Sơn chủ động tìm gặp các đồng nghiệp có chuyên môn để học hỏi, nhờ vậy việc giao tiếp, đứng lớp đạt hiệu quả hơn. Tùy tình trạng của mỗi học viên, thầy sẽ đưa ra những bài tập phù hợp.
Biết thông tin lớp học võ miễn phí của thầy Sơn qua mạng xã hội, anh Lê Quốc Hùng (33 tuổi, Quận 11) đến tham gia lớp học được hơn một tháng nay. Anh Hùng cho biết, công việc tài xế khiến anh hay bị đau mỏi người. Được thầy Sơn hướng dẫn rất tận tình, anh cũng dần quen với việc tập luyện thể thao, sức khỏe của anh dần được cải thiện.
Chậm phát triển hơn những bạn bè cùng trang lứa khác, gia đình lại khó khăn nên em L.V.P (16 tuổi, quận Bình Tân) phải nghỉ học ở trường. Hằng ngày em phụ giúp cha mẹ mua bán ve chai, mỗi buổi tối em đến lớp võ của thầy Sơn để tìm thêm cho mình niềm vui, kết thêm bạn bè và nâng cao sức khỏe. “Em học ở lớp võ thầy Sơn đã gần một năm. Học ở đây em rất vui, làm quen được nhiều bạn, thầy Sơn chỉ bảo em rất tận tình" - em L.V.P chia sẻ.
Với thầy Sơn, niềm hạnh phúc lớn nhất là nhìn thấy các em có sự tiến bộ. "Như em P. khi mới đến lớp rất ít nói và ngại giao tiếp, nay em đã có sự tiến bộ. Nhiều phụ huynh khác cũng nói với tôi con họ đã khỏe, cười, nói nhiều hơn. Những lúc này, tôi nhận thấy mình làm được việc có ích và tự nhủ phải cố gắng hơn nữa để đồng hành với các em" – thầy Trịnh Công Sơn tâm sự.
Nói về mong muốn của mình, thầy Sơn cho biết ngoài việc tiếp tục duy trì và mở rộng lớp học, thời gian tới thầy hy vọng mô hình dạy học miễn phí tiếp tục được nhiều cá nhân, đơn vị nhân rộng hơn nữa để có thêm nhiều em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội tham gia.
Chia sẻ về những đóng góp của thầy Trịnh Công Sơn, cô Nguyễn Thị Thanh Huệ, Hiệu trưởng Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu cho biết, thầy Sơn là một thầy giáo trẻ rất nhiệt huyết, tận tâm, được cả phụ huynh, học sinh và đồng nghiệp yêu mến. Không chỉ làm tốt công tác chuyên môn, năng động trong hoạt động phong trào của trường, thầy Sơn còn tích cực thực hiện và lan tỏa những điều tốt đẹp trong xã hội. Không chỉ dạy võ, bằng sự thấu hiểu, đồng cảm, thầy đã giúp các bạn có hoàn cảnh khó khăn nỗ lực vươn lên.