Ông Nguyễn Trọng Đàm, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH đánh giá các công trình xây dựng chưa đảm bảo tiếp cận cho người khuyết tật |
Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, cả nước chỉ có 22,6% số công trình y tế; 20,8% số công trình giáo dục; 13,2% số nhà triển lãm, trưng bày; 11,3% trung tâm hội nghị, trụ sở cơ quan; 7,5% nhà dưỡng lão, câu lạc bộ hưu trí và 2% ngân hàng có các hạng mục hỗ trợ cho người khuyết tật.
Còn theo đánh giá của Bộ Giao thông Vận tải, cả nước mới có 323 phương tiện vận tải xe buýt có hỗ trợ người khuyết tật, mới có 3/63 tỉnh thành ban hành quy định về tỷ lệ phương tiện vận tải hành hành đáp ứng nhu cầu đi lại của người khuyết tật; khoảng30% bến xe có hạ tầng đảm bảo cho người khuyết tật sử dụng. Các địa phương tiếp tục thực hiện miễn giảm giá vé với mức từ 25% đến 100% cho người khuyết tật tham gia giao thông với số hơn 20 triệu lượt với số tiền được miễn giảm hơn 1,3 tỷ đồng…
Ông Nguyễn Trọng Đàm, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh Xã hội (LĐTBXH), Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam cho biết: "Một trong những khó khăn lớn của người khuyết tật khó khăn trong đi lại, dẫn đến khó tiếp cận các dịch vụ xã hội. Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam đã giám sát tại Bộ Xây dựng đã đánh giá việc triển khai Luật Người khuyết tật và Đề án trợ giúp người khuyết tật 2012-2020 khá tốt, nhất là đã ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong lĩnh vực xây dựng, trong đó quy định chi tiết thiết kế điển hình cho người khuyết tật sử dụng, đi lại thuận tiện. Hiện các công trình mới xây dựng đã thực hiện theo quy chuẩn kỹ thuật này".
Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế tại một số công trình thì việc xây dựng vẫn còn hình thức như có cầu thang lên xuống cho người khuyết tật nhưng không có thiết bị trợ giúp, vẫn có gờ ngăn cách, không có nhà vệ sinh riêng cho người khuyết tật… “Do đó, Bộ Xây dựng cần tăng cường thanh kiểm tra, nhất là khâu nghiệm thu các công trình xây dựng cần phải có thiết kế, sơ đồ, hướng dẫn sử dụng cho người khuyết tật. Nếu việc đi lại, giao lưu được thuận tiện sẽ mở ra nhiều cơ hội về việc làm, học nghề cũng như tự giải quyết công việc của người khuyết tật trong việc hòa nhập cộng đồng”, ông Nguyễn Trọng Đàm đánh giá.