Mỏi mòn trông chờ giải pháp dài hơi cho củ cải Tráng Việt

Nhắc đến chiến dịch "giải cứu" củ cải đang diễn ra, người dân Tráng Việt ngán ngẩm cho đó là giải cứu thương lái chứ không phải giải cứu nông dân vì không về tận ruộng thu mua cho bà con.

Hầu như những người dân Đông Cao được hỏi đều cho biết, họ phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái, chủ yếu chính là người làng. Thời điểm giá củ cải giảm quá thấp, thương lái không thu mua, nông dân vì thế không biết xoay sở ra sao.

Củ cải bị đổ bỏ trên cánh đồng Đông Cao, Tráng Việt

Mấy ngày gần đây, khi thông tin về củ cải xã Tráng Việt bị ế ẩm, bà con nhổ bỏ xuất hiện trên báo chí, nhiều tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp đã đến thu mua củ cải bán hộ bà con. Tuy nhiên, do cách làm chưa chuyên nghiệp, chưa về tận ruộng nên người dân vẫn chưa bán được củ cải với giá cao.

Không có phương tiện cũng đành bó tay

Một số hộ dân cho biết: Các đơn vị cho số điện thoại, địa chỉ để người dân mang rau ra đó, họ thanh toán 3.000 đồng/kg. "Nếu mua tại ruộng thì đã ngon. Chúng tôi không có xe, bảo những người đi chợ chở hộ, họ nói buồn ngủ họ không chở thì làm gì được. Biết chỗ đó bán đắt hơn nhưng chả làm gì được. Họ thông báo như thế thì chỉ có những người đi chợ, có xe mới đi được. Như nhà tôi muốn bán cũng làm gì có xe chở mà bán", một người dân cho hay.

Bà con nhổ củ cải giữa trưa nắng để "vớt vát" thu hồi vốn.

"Mấy hôm trước bán rẻ 1 triệu đồng/sào, lỗ khoảng 2 triệu đồng/sào. Sau đó giá có nhích lên. Nhà có 1 mẫu trồng củ cải, vị chi lỗ khoảng 15 triệu đồng. Mấy hôm trước có hội xe bán tải Hà Nội về đây mua hỗ trợ nông dân với giá 2.000 đồng/kg. Hợp tác xã cũng tạo điều kiện cho bà con có nơi bán, nơi tiêu thụ nhưng phải chở ra tận nơi. Hợp tác xã không có xe nên lại bảo người dân tự chở đến nơi thu mua. Cho nên nhiều lúc cũng khó khăn", anh Tình đang cùng vợ trồng cà pháo trên cánh đồng thôn Đông Cao than phiền.

Chỉ tay về phía ruộng củ cải phía bên cạnh, anh Tình cho biết: Nhà còn chục tấn nữa nhưng chưa bán nổi, đang chờ cứu trợ. Nhà mới bán được khoảng chục tấn từ đợt giá 500 đồng/kg. Gần đây bán được 2.000 đồng đã là mừng lắm.

"Người dân không có phương tiện vận chuyển nên vẫn phải bán cho thương lái chở đi. Hỗ trợ như thế thì chỉ hỗ trợ người buôn thôi, không hỗ trợ nông dân. Nếu nhà tôi tự chở mỗi xe máy chỉ được 3 tạ chứ không hơn", chị Tuyển, vợ anh Tình tiếp lời.

Cùng chung tâm trạng với anh Tình, bà Nguyễn Thị Mến (xóm 3 thôn Đông Cao, Tráng Việt) cho biết: Mấy hôm nay thấy có người về tận nơi mua, bà nhờ em trai nhổ cho từ sáng sớm rồi chở ra cổng đền Hai Bà Trưng (cách khoảng 3 km - PV) để chất lên ô tô to.

"Nhà tôi thuê xe con chở lên đó, mất khoảng 300.000 đồng. Bán được giá 2.700 đồng/kg là mừng quá rồi. Hôm trước giá chỉ 1.000 đồng với điều kiện chở về nhà rửa sạch sẽ. Những củ xấu xí vứt hết. Nhà tôi chồng là thương binh yếu, không chở về được nên phải nhổ bỏ đi để làm màu khác", bà Mến nói.

Các hộ dân cho biết, không thấy xã có hỗ trợ gì để tiêu thụ. Công ty nông sản về mua được mấy chục túi, không đáng kể.

Chờ những giải pháp căn cơ

Có thể nói việc thu mua "giải cứu" củ cải chủ yếu xuất phát từ tấm lòng của các nhà hảo tâm. Nó mang tính thời điểm và không thể giải quyết tận gốc vấn đề dư thừa nông sản. Mang những tâm tư của người nông dân đến gặp lãnh đạo xã Tráng Việt (Mê Linh), chúng tôi được biết, trong ngày 20/3, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thành Nam đã về tận xã để làm việc với lãnh đạo xã bàn giải pháp cho nông sản địa phương.

Đại lý Thành Thu thu gom củ cải của bà con, sau đó sơ chế và mang đi tiêu thụ.

Trước mắt, Bộ Nông nghiệp sẽ đầu tư cho xã một điểm sơ chế, bảo quản nông sản sau thu hoạch. Đồng thời định hướng cho các doanh nghiệp tiêu thụ nông sản cho dân. Đây là tin mừng cho bà con nông dân vì nó sẽ giúp gia tăng giá trị nông sản. Hiện nay, việc sơ chế chủ yếu mang tính thủ công bởi các thương lái là người địa phương.

Ông Vũ Văn Hào, công chức văn phòng - thống kê xã Tráng Việt cho biết: Thời gian qua bà con trồng củ cải bị thiệt hại nặng. Rau rớt giá mà lại không để được lâu. Để giải quyết tình hình này, trước mắt, xã kêu gọi mọi người mua giúp. Đến nay đã tiêu thụ được trên 100 tấn. Tuy nhiên khi được hỏi về ước tính thiệt hại của người dân thì đại diện xã không nắm được.

Được biết, xã Tráng Việt có 304 ha trồng rau màu thì thôn Đông Cao chiếm 200 ha. Trong đó, diện tích trồng củ cải là 80 ha. Loại cây này được trồng khoảng chục năm nhưng phát triển rộ từ 5 - 6 năm nay, được định hướng là cây trồng chủ lực của Đông Cao. Hiện đã thu hoạch được 30 ha, đang thu hoạch 20 ha và diện tích củ cải non là 30 ha.

Ông Hào cho biết thêm: Hợp tác xã hiện đứng ra làm dịch vụ, thu mua của dân nhưng lượng không đáng kể. Chủ yếu thương lái mang đi các nơi tiêu thụ. Do đó, rất mong có các doanh nghiệp kết nối và bao tiêu cho bà con, giữ giá ổn định khoảng 3.000 đồng/kg là bà con yên tâm.

Vợ chồng anh Tình chị Tuyển trồng cà trên ruộng củ cải đã bán với giá rẻ mạt, không đủ bù vốn.

Ông Đàm Văn Thìn, Phó chủ tịch xã cho biết đã giao cho hợp tác xã Đông Cao là đầu mối tiếp nhận các công ty, doanh nghiệp, siêu thị liên hệ thu mua củ cải của nhân dân, tổ chức đôn đốc nhân dân thu gom củ cải bị nhổ đảm bảo vệ sinh. Về lâu dài, xã sẽ tiếp tục liên hệ với các công ty để tiêu thụ củ cải nói riêng và các loại rau màu nói chung cho nông dân; đồng thời kiến nghị thành phố có chính sách hỗ trợ người sản xuất rau an toàn.

Ông Nguyễn Văn Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và ứng dụng nông nghiệp hữu cơ:

Để tránh tình trạng phải “giải cứu” nông sản, chúng ta phải giải quyết được bài toán cung - cầu liên thông. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải có bản đồ, quy hoạch phát triển từng lĩnh vực ngành hàng nông sản, vùng nào phù hợp để trồng cây, củ, quả, không để tình trạng người nông dân được giá thì ồ ạt trồng, mất giá lại chặt bỏ đi.

Trong bối cảnh hiện nay, cho tích tụ ruộng đất và mở rộng hạn điền là bước tiến dài trong đổi mới. Phải giao cho các Tổ hợp, hợp tác xã lớn, các công ty chiến lược, nghiên cứu làm mô hình kiểu Israel - nhà tiên phong trong nền nông nghiệp công nghệ cao.

Theo tôi, sản xuất nông nghiệp phải có sự kiểm soát về số lượng, nguồn gốc, đầu vào. Đơn cử như mặt hàng củ cải đang bị ế thừa hiện nay khiến nông dân “khóc ròng” nhưng có chỗ cửa hàng, siêu thị, củ cải “sạch” không còn để bán. Thực tế tại Việt Nam, nông nghiệp quy mô lớn phụ thuộc đầu vào (vật tư nông nghiệp) và bấp bênh ở đầu ra (thị trường trong nước có hạn, thị trường thế giới chưa phát triển được), thiếu chủ động theo kiểu được mùa mất giá. Ngoài ra, khâu phân phối nội địa yếu kém, nhiều tầng nấc và chi phí cao khiến người tiêu dùng đầu cuối (dân thành thị) vẫn phải mua giá cao, kém chất lượng, trong khi nông dân bán giá thấp, phải đổ bỏ.

Nay mọi thứ đã khác. Bên cạnh phát triển quy mô lớn, công nghệ cao, xu hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tự nhiên cũng đang phát triển nhanh chóng và trở thành xu hướng chủ đạo trên quy mô toàn cầu.

Minh Phương (ghi)


Hoàng Dương/Báo Tin tức
Củ cải trắng, nước mắt mặn trên cánh đồng Tráng Việt, Mê Linh
Củ cải trắng, nước mắt mặn trên cánh đồng Tráng Việt, Mê Linh

Dưới cái nắng hanh hao giữa trưa một ngày tháng 3, anh Minh cùng bà con đang trồng cà pháo. Nhặt từ ruộng lên từng củ cải to bằng bắp tay người lớn, bẻ đôi lộ ra phần thịt trắng nõn nà, anh Minh xót xa: "Ngon như này mà phải bỏ đi đấy".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN