Ông Lê Văn Sử, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết: Sau 3 ngày mưa dông liên tục, đặc biệt là sóng biển đánh dữ dội khiến toàn bộ tuyến đê biển Tây bị sạt lở nghiêm trọng. Sạt lở đê biển Tây trên địa bàn huyện U Minh, Cà Mau năm 2010. Ảnh: Huy Hải - TTXVN |
Vào 7 giờ 30 phút ngày 8/9, tại huyện Trần Văn Thời - địa phương có đê biển Tây đi qua với chiều dài trên 40 km, một số đoạn đê đã bị nước biển tràn qua mặt khiến nước mặn xâm nhập sâu vào đất ruộng trên 3 km. Một số đoạn khác nước biển khoét sâu vào chân đê, tiềm ẩn nguy cơ vỡ đê bất cứ lúc nào. Những đoạn đê còn lại cũng bị sóng biển đánh vào quá mạnh khiến rừng phòng hộ bị thiệt hại nặng nề.
Để khắc phục tình trạng trên, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng tại chỗ thực hiện các biện pháp cứu đê, sử dụng bao cát, dùng cây gỗ đóng cọc tại những nơi chân đê sạt lở. Tuy nhiên, đây chỉ là cách khắc phục tạm thời.
Đê biển Tây tỉnh Cà Mau có chiều dài 120 km, nối dài 3 huyện bắt đầu từ huyện Phú Tân xuyên qua các huyện U Minh và Trần Văn Thời, giáp ranh với tỉnh Kiên Giang. Đây là tuyến đê trọng yếu, không chỉ đáp ứng nhu cầu về giao thông, ngăn mặn mà còn phục vụ cho an ninh quốc phòng của tỉnh Cà Mau và các tỉnh phía Nam sông Hậu. Đê được Trung ương đầu tư và đưa vào sử dụng từ năm 1990. Tuy nhiên, do đê làm bằng đất, không có bờ kè bê tông nên lâu ngày đã bị xuống cấp.
Tình trạng sạt lở đã được cảnh báo nhiều năm qua. Gần đây tỉnh Cà Mau đã xây dựng đề án đầu tư nâng cấp đê biển Tây nhằm bảo đảm thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Đề án đã được Chính phủ phê duyệt với tổng nguồn vốn lên tới 1.300 tỷ đồng. Thế nhưng trong 2 năm 2013 và 2014 mỗi năm địa phương chỉ nhận được 50 tỷ đồng. Số tiền trên địa phương đã xây bờ kè tạo bãi được 3 km đê, còn lại dùng để bồi trúc, gia cố những điểm sạt lở nguy hiểm.
Trần Thành Nên