Gió Đông Bắc trong đất liền cấp 3, vùng ven biển cấp 3-4. Vịnh Bắc Bộ và khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 9; biển động mạnh. Sóng biển cao từ 2-4 m.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục ở khoảng 14-17 độ Vĩ Bắc kết hợp với không khí lạnh tăng cường và nhiễu động gió Đông trên cao, từ ngày 29-31/10, khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Bình có mưa to đến rất to. Tổng lượng mưa phổ biến 200-400 mm/đợt. Riêng phía Nam Nghệ An và Hà Tĩnh có nơi trên 500 mm/đợt. Ngày 30-31/10, khu vực từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 50-150 mm/đợt, có nơi trên 200 mm/đợt.
Dự báo trong trưa và chiều 29/10, lượng mưa tại Bắc Bộ, khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế phổ biến từ 40-80 mm, có nơi trên 150 mm; từ Quảng Nam đến Quảng Ngãi và khu vực Tây Nguyên phổ biến từ 30-60 mm, có nơi trên 70 mm. Nhiều tỉnh vùng núi phía Bắc từ 30-60 mm, có nơi trên 90 mm.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực Bắc Bộ, khu vực từ Thanh Hóa đến Bình Định và khu vực Tây Nguyên. Nguy cơ ngập lụt diện rộng vùng trũng thấp, các khu đô thị tại các tỉnh, thành phố từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai, Cấp độ rủi ro thiên tai là cấp 2.
Theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, lũ quét thường xảy ra bất ngờ tại các sông, suối khu vực miền núi. Lũ lên nhanh và cũng xuống nhanh, có sức tàn phá lớn, thường đi kèm với sạt lở đất, đá. Người dân cần cảnh giác trước các dấu hiệu xuất hiện lũ quét như: mưa lớn nhiều ngày ở vùng thượng lưu, nước sông hoặc suối chuyển màu đục, có tiếng động bất thường của đất đá hoặc âm thanh lạ trong lòng đất... Khi thấy các dấu hiệu trên, người dân cần nhanh chóng di chuyển khỏi khu vực có thể xảy ra lũ quét đến nơi có vị trí cao hơn; sẵn sàng sơ tán theo hướng dẫn của chính quyền, an toàn tính mạng là quan trọng nhất.