Nhiều năm nay, bãi rác Nam Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội) đã trở thành nơi mưu sinh của hàng trăm người dân ở các xã lân cận như Bắc Sơn, Nam Sơn. Nhiều nhà “khấm khá” lên nhờ rác. Nhưng bên cạnh đó, họ phải đối mặt với cuộc sống ô nhiễm với nhiều hệ lụy.
Kiếm sống từ rác
Men theo đường đất ngoằn ngèo và lầy lội, chúng tôi tìm về thôn Lương Đình, xã Bắc Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội), nơi được biết đến với nghề bới rác mưu sinh. Vừa đến đầu thôn đã thấy dọc hai bên đường, trên những bờ ruộng, là từng bãi túi ni lông đủ màu, đó là thành quả “đi bãi” của những người dân ở đây.
Trưởng thôn Lương Đình, ông Nguyễn Văn Ngà, cho biết, thôn có 361 hộ với 1.454 nhân khẩu, đa phần người dân đều mưu sinh bằng nghề bới rác tại bãi rác Nam Sơn. “Người dân ở đây chủ yếu là làm nghề nông. Những lúc nông nhàn và tranh thủ ban đêm, họ thường vào bãi rác Nam Sơn để nhặt rác mưu sinh, với nhiều nhà, đây là nguồn thu nhập chính của họ”, ông Ngà cho biết.
Theo lời chỉ dẫn của ông Ngà, cứ thấy trước cửa nhà nào có bao tải hoặc phơi túi ni lông thì nhà đó “đi bãi”, chúng tôi tìm vào làng. Quả nhiên, nhà nào cũng có đôi ba bao tải để ở cổng, không thì cũng là xe ba gác, túi ni lông phơi đầy sân, vườn. Ngôi nhà 2 gian cũ kỹ của bà Nguyễn Thị Thảo được bao quanh bởi những túi ni lông từ cổng vào, người phụ nữ gày gò, dá
Căn nhà đơn sơ của bà Nguyễn Thị Thảo, người đã có thâm niên gần chục năm "đi bãi". |
ng người khắc khổ đang lật giở từng túi cho nhanh khô, niềm nở mời chúng tôi vào nhà. Căn nhà nhỏ đơn sơ, chỉ có một bộ bàn ghế, một chiếc giường và hai bàn thờ, một bàn thờ chồng và bàn thờ con trai hơn 20 tuổi. Nhà không có gì đáng giá ngoài chiếc xe đạp cà tàng dựng ngoài sân. Rót nước mời khách, bà Thảo bắt đầu câu chuyện về cuộc đời mình trong không khí sặc mùi rác: “Chồng tôi mất sớm, con trai cũng mất vài năm nay, còn mỗi con gái lấy chồng xa. Không có nguồn thu nhập nên chủ yếu kiếm cơm từ bới rác. Ở đây, nhà nào cũng có người đi bãi, 2 giờ sáng là đã đông vui lắm, cứ từng đoàn ra đợi trước cổng bãi rác để 3 giờ vào bới”.
Sức khỏe yếu, mắt kém, nhưng đều đặn mỗi đêm bà Thảo lại đạp xe gần 5 km đến bãi rác, lủi thủi vác cào, bao tải vào nhặt từng bao ni lông, từng miếng sắt vụn; mỗi tối cũng thu được khoảng 50 - 60.000 đồng. Mỗi cân nhựa dẻo, bán được 50.000 đồng, nhựa cứng 1.000 đồng, thường những loại này bán ngay tại bãi. Còn túi ni lông thì đem về giặt rồi phơi khô, túi ni lông trắng bán được giá 40.000 đồng/kg, ni lông màu được 22.000 đồng/kg. “Mỗi đêm có hàng nghìn người từ các nơi đổ về bới rác. Những người trẻ nhanh nhẹn, có xe ba gác để chở, thì mỗi đêm cũng kiếm được độ trăm ngàn, tôi già cả, chỉ dùng cào 2 răng và móc sắt nhỏ nên mỗi đêm chỉ được vài chục thôi”, bà Thảo kể.
Vừa dụi dụi đôi mắt bị lên mộng, bà Thảo chia sẻ: “Mắt bị mộng năm nay rồi, đau và khó chịu lắm nhưng tôi không dám đi cắt vì nếu đi chữa bệnh cũng mất vài tháng, không đi bãi được, không làm được thì không có cái ăn”.
Những bãi túi nilông được phơi dọc hai bên đường thôn Lương Đình (xã Bắc Sơn, Sóc Sơn, Hà Nội), nước từ các túi nilông tạo thành những kênh nước đen ngòm ô nhiễm. |
Cũng là dân đi bãi, nhà sát ngay nhà bà Thảo, gia đình anh Nguyễn Văn An khá khẩm hơn đôi chút. Gia đình anh sắm sửa được chiếc xe ba gác để chở đồ nên mỗi tối thu nhập cũng được trên dưới 100.000 đồng. Nhưng cả gia đình 3 - 4 miệng ăn không thể chỉ trông chờ vào mỗi khoản thu từ bãi rác, nên ban ngày anh đi làm công nhân tại nhà máy sắt, đêm đến lại đi bới rác. Vợ anh cũng xin làm công nhân tại một công ty gần nhà, đêm đến ở nhà chăm con 2 tuổi, thế nên thời gian hai vợ chồng, con cái gặp nhau mỗi ngày chỉ vài tiếng. “Làm cả ngày lẫn đêm nên cũng mệt mỏi lắm, nhưng vì gia đình, tương lai con cái nên cả hai vợ chồng phải cố gắng”, anh An cho biết.
Đối mặt với ô nhiễm
Mưu sinh nhờ rác, những người dân nơi đây cũng phải đối mặt với vấn đề ô nhiễm nghiêm trọng. Người dân Sóc Sơn vẫn truyền tai nhau, đến ba xã Nam Sơn, Bắc Sơn và Hồng Kỳ thì mới "thấm thía" hơn hết sự ô nhiễm nơi đây. Quả đúng như "lời đồn", thôn Lương Đình (xã Bắc Sơn) đặc quánh mùi hôi thối của rác thải, dù bịt khẩu trang nhưng mùi ngai ngái, hôi thối ấy vẫn xộc thẳng vào mũi, khiến chúng tôi không khỏi choáng váng. Thừa nhận bãi rác là nguồn kiếm sống của nhiều người dân trong thôn, nhưng ông Nguyễn Văn Ngà, trưởng thôn Lương Đình không phủ nhận những vấn đề ô nhiễm môi trường ở đây. Ông Ngà cho biết: "Thôn Lương Đình cách bãi rác khoảng 1.000 m nên "hứng đủ" mùi hôi thối từ bãi rác. Những hôm gió đông nam mùa hè thì không thể chịu được. Điều nữa là người dân đi nhặt túi ở bãi về, họ lại đem túi đó ra mương, hồ giặt khiến nước bị ô nhiễm, có những khi lấy nước từ mương vào ruộng, cả ruộng lúa thành màu đen sì, bốc mùi hôi thối".
Ông Ngà cho biết: "Hai xã Nam Sơn và Bắc Sơn "chia nhau" chịu mùi. Cứ hôm nào gió hướng đông bắc thì mùi hôi đổ dồn về xã Nam Sơn, gió đông nam thì xã Bắc Sơn chịu trận”.
Bãi rác Nam Sơn được đưa vào sử dụng từ năm 1999 với diện tích 83,5 ha, tiếp nhận phế thải, rác thải sinh hoạt từ các quận nội thành Hà Nội. Theo công suất thiết kế giai đoạn 1, bãi rác sẽ tiếp nhận 2.000 tấn rác/ngày, tuy nhiên, trên thực tế từ năm 2008 đến nay, bãi rác tiếp nhận 4.500 tấn rác/ngày. |
Về vấn đề này, ông Vũ Tiến Lực, trưởng thôn Xuân Thịnh, một trong những thôn giáp ranh bãi rác Nam Sơn, chia sẻ: "Thôn Xuân Thịnh có 40 hộ với 156 nhân khẩu, nằm trong vùng cách bãi rác 300m nên "cũng ám" mùi rác. Đa phần người dân đều có vấn đề về tai - mũi - họng, với những bệnh như viêm họng mãn tính, viêm mũi, viêm xoang... Hôm nay mới có gió bắc mà mùi đã như thế này, những hôm cả trời nồm, cả gió bắc thì dù có bịt khẩu trang, trùm chăn kín đầu cũng không thể ngủ được", ông Lực cho biết.
Cần đầu tư thỏa đáng
Phó Chủ tịch UBND xã Nam Sơn Nguyễn Tiến Vận tiếp chúng tôi trong mùi không khí đặc quánh, sặc mùi hôi. "Chúng tôi ở đây mãi rồi cũng quen. Hiện nay, các hộ nằm trong vùng ảnh hưởng môi trường được hỗ trợ 40.000 đồng/người/tháng với khoảng cách từ 101 - 150 m2, từ 151 - 300 m2 được hỗ trợ 30.000 đồng/người/tháng, 301 - 500 m2 được hỗ trợ 25.000 đồng/người/tháng. Mức hỗ trợ này thật sự chưa thấm gì so với những tác động môi trường mà người dân phải chịu", ông Vận nói.
Sau 14 năm chịu cảnh "sống chung với rác", đến năm 2013, những người dân sống trong khu vực bị ảnh hưởng 500 m2 đã được cấp thẻ Bảo hiểm y tế miễn phí và được sử dụng nước sạch nông thôn do Sở Xây dựng Hà Nội đầu tư, được miễn phí sử dụng 10 khối đầu. "Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng của ô nhiễm là lan rộng trong không khí, nguồn nước, nhiều người dân ở xa hơn, trong phạm vi 1.000 m2 cũng bị ảnh hưởng vì vậy cần mở rộng phạm vi cấp nước sạch cho người dân. Chúng tôi đã kiểm tra giấy tờ thống kê của các trạm y tế xã, những năm gần đây, các bệnh về đường hô hấp đã có biểu hiện tăng đáng kể nên rất mong muốn Sở Y tế xây dựng được phòng khám đa khoa cho người dân 3 xã hoặc nâng cấp trạm y tế để đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho người dân", Phó Chủ tịch Nguyễn Tiến Vận bày tỏ.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, bãi rác thải Nam Sơn sẽ được mở rộng theo Dự án đầu tư, xây dựng Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn giai đoạn 2, thêm 73 ha thuộc diện tích của 3 xã nói trên. Khi biết được thông tin này, nhiều người dân ở đây không khỏi thấp thỏm, dù từ khi có bãi rác Nam Sơn, hạ tầng 3 xã được cải thiện nhưng mùi hôi thối, những tác động đến môi trường, sức khỏe của người dân thì đã thấy rõ. Trong khi đó, việc xử lý môi trường bãi rác rất phức tạp, khó khăn, đòi hỏi áp dụng khoa học công nghệ cao, thiết bị hiện đại, cũng như nguồn kinh phí đầu tư thỏa đáng, trong khi nguồn lực của thành phố còn hạn chế. "Hiện nay, 3 tháng một lần, công ty môi trường tiến hành quan trắc môi trường 1 lần. Như vậy chưa thể phản ánh được đúng tình hình hiện nay, cần xây dựng trạm quan trắc tại đây để thường xuyên đo đạc, đánh giá đúng tác động môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân ra sao", ông Nguyễn Tiến Vận kiến nghị.
Bài và ảnh: Thu Trang