Nâng cao chất lượng bữa cơm công nhân

Theo một báo cáo của ngành lao động, thương binh và xã hội, giá mỗi suất ăn công nhân hiện nay khá thấp, chỉ từ 7.000 - 12.000 đồng. Mức giá này khiến nhiều người nghi ngờ nguồn nguyên liệu “đầu vào” không đảm bảo, có thể dẫn đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm, hoặc hao mòn sức lực của người lao động do ăn thiếu chất.


Tiền nào của nấy?


Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2013, toàn quốc đã xảy ra 87 vụ ngộ độc thực phẩm, khiến 18 trường hợp tử vong. Nguyên nhân chủ yếu là quá trình cung cấp nguyên liệu thực phẩm, khâu chế biến, bảo quản thức ăn gây nhiễm khuẩn. Ngoài ra, còn có nguyên nhân khác là do suất ăn có giá trị thấp và kém chất lượng.


Do giá mỗi suất ăn khá “bèo” nên nhiều nhà cung cấp chọn thực phẩm không rõ nguồn gốc tại các chợ tạm, chợ cóc... trên địa bàn TP.HCM.

 

Một đại diện Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất TP Hồ Chí Minh (BQL KCN - KCX TP) cho biết: Giá nguyên liệu thực phẩm ngày càng tăng, trong khi giá của một suất ăn công nhân ở một số nơi vẫn còn khá thấp, thậm chí dưới 10.000 đồng/suất, cho nên các cơ sở nấu ăn phải chọn những thực phẩm rẻ tiền, không an toàn từ các chợ tạm, chợ chiều... . Đồng thời, cũng do ý thức trách nhiệm của doanh nghiệp (DN) chế biến thức ăn, DN nhận suất ăn còn kém, nên không quan tâm nâng cao chất lượng bữa ăn công nhân về cả chất lẫn lượng, chưa có ý thức tự giác trong việc kiểm tra ATVSTP...


Bác sỹ Trần Quốc Cường, Trung tâm dinh dưỡng TP Hồ Chí Minh, cho biết, giá trị bữa ăn thấp nên đa phần chất lượng bữa ăn của công nhân rất mất cân đối, năng lượng trong khẩu phần chỉ có 12% protein (chất đạm), 16% chất béo, còn lại 72% các chất bột đường như gạo, ngô khoai... Vì vậy, có thể dẫn đến nguy cơ hạ đường huyết, gầy ốm suy dinh dưỡng, thiếu máu. Đặc biệt, ở nữ công nhân mang thai, nếu thiếu dinh dưỡng có thể dẫn tới thai nhi suy dinh dưỡng, sinh con nhẹ cân, sinh non, thai chết lưu...


Chặn ngộ độc từ gốc


Các DN, các nhà cung cấp phải có ý thức trách nhiệm lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, bố trí khẩu phần ăn có đầy đủ chất dinh dưỡng.

Ông Nguyễn Việt Cường, Phó chủ tịch Liên đoàn lao động TP Hồ Chí Minh

Theo báo cáo của Chi cục ATVSTP TP Hồ Chí Minh, từ đầu năm đến nay, thành phố chỉ xảy ra một vụ ngộ độc tập thể khiến 164 người nhập viện. Từ năm 2008 - 2012, số vụ ngộ độc thực phẩm đã giảm nhiều qua từng năm. Đây là sự nỗ lực của lãnh đạo, các cơ quan ban ngành thành phố trong việc ngăn chặn ngay từ đầu các vụ ngộ độc tập thể.


Ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi Cục trưởng chi cục ATVSTP TP Hồ Chí Minh, cho biết, sắp tới ngành y tế sẽ tiếp tục tổ chức các đợt kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, các bếp ăn tập thể; tăng cường kiểm soát tại các trạm kiểm dịch động vật ngay cửa ngõ thành phố... nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các thực phẩm không đảm bảo ATVSTP trước khi tới tay người tiêu dùng. Ngoài ra, Chi cục cũng tăng cường công tác truyền thông, tập huấn kiến thức về ATVSTP, đặc biệt tập trung vào nhóm cơ sở cung cấp thức ăn sẵn, bếp ăn tập thể...


Còn theo ông Nguyễn Tấn Định, Phó trưởng BQL KCX - KCN TP.HCM, để đảm bảo được chất lượng ATVSTP tại các bếp ăn tập thể, BQL KCN-KCN đã thực hiện biện pháp kiểm soát thực phẩm ngay từ nguyên liệu đầu vào. Theo đó, các suất ăn công nghiệp thường phải trải qua 2 cấp kiểm tra. Đầu tiên là kiểm tra ở cấp công đoàn, bác sỹ hay y tá do chính doanh nghiệp đưa ra. Cấp thứ 2 sẽ do BQL KCN-KCX thường xuyên tiến hành kiểm tra đột xuất. Nhờ những biện pháp trên, từ đầu năm đến nay, số vụ ngộ độc thực phẩm tại các KCN-KCX đã giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Bài và ảnh: Hoàng Tuyết

Công nhân chật vật tìm chỗ ở
Công nhân chật vật tìm chỗ ở

Hầu hết công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX) đang phải tự đi thuê nhà, thậm chí sống tập trung ở những khu nhà tồi tàn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN