Quyết tâm của người nghiện và sự hỗ trợ từ cộng đồng
Ngoài cai nghiện bắt buộc, nhằm đổi mới hình thức cai nghiện ma túy, TP Hồ Chí Minh đã có chủ trương đa dạng hóa các mô hình cai nghiện theo hướng thân thiện, nâng cao các dịch vụ cai nghiện. Trong đó, mô hình huy động nguồn lực xã hội hóa đầu tư vào cai nghiện ma túy đã mang lại hiệu quả nhất định. Điển hình là Trung tâm Điều dưỡng và cai nghiện ma túy Thanh Đa. Sau 20 năm hoạt động, Trung tâm đã điều trị cho hơn 20.000 lượt học viên tự nguyện đến cai nghiện và đưa họ trở về tái hòa nhập đời sống cộng đồng.
Theo Bác sỹ Nguyễn Hữu Khánh Duy, Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng và cai nghiện ma túy Thanh Đa, muốn cai nghiện - phục hồi và phòng chống tái nghiện có hiệu quả, đòi hỏi phải có một môi trường trị liệu tốt. Ngoài việc cắt cơn, chống tái nghiện bằng thuốc Naltrexone, điều trị kịp thời các bệnh cơ hội, bệnh tâm thần - hậu quả của việc sử dụng ma túy, Trung tâm còn kết hợp với nhiều phương pháp điều trị không dùng thuốc như tư vấn - liệu pháp tâm lý - liệu pháp giáo dục - liệu pháp xã hội - sinh hoạt cá nhân, nhóm, gia đình…
Bác sỹ Nguyễn Hữu Khánh Duy chia sẻ, không có mô hình cai nghiện chuẩn cho tất cả người nghiện mà chỉ có những nguyên tắc cơ bản trong điều trị cai nghiện ma túy. Một mô hình có thể phù hợp với người nghiện này nhưng lại không hiệu quả với người nghiện khác. Do đó, cần linh động trong việc chọn hình thức cai nghiện phù hợp với từng trường hợp cụ thể.
Bác sỹ Huỳnh Thanh Hiển, Bệnh viện Tâm thần TP Hồ Chí Minh cho rằng, cai nghiện ma túy vô cùng khó khăn, một người nghiện trải qua nhiều loại hình cai nghiện ma túy nhưng không thành công hoặc người nghiện sau khi cai vẫn tiếp tục tái nghiện là điều bình thường. Để giảm tình trạng tái nghiện, ngoài quyết tâm của bản thân người nghiện, sự hỗ trợ nâng đỡ của gia đình, cộng đồng là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, cộng đồng vẫn đang có cái nhìn không thiện cảm với người sử dụng ma túy. Đây chính là rào cản để người nghiện có thể từ bỏ ma túy, trở về cuộc sống đời thường.
Dưới góc độ cơ quan quản lý Nhà nước, ông Lê Đức Hiền, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, người nghiện cần được nâng đỡ tinh thần cả trong và sau thời gian cai nghiện. Để tái hòa nhập được, họ cần có việc làm, được cộng đồng thông cảm, gia đình động viên, giúp đỡ, tránh kỳ thị. “Các cơ quan chức năng, đặc biệt là các cơ sở đào tạo nghề, doanh nghiệp ở các địa phương cần giúp đỡ, tạo điều kiện cho người sau cai nghiện có việc làm, ổn định cuộc sống, tránh tái nghiện. Có như vậy, công tác cai nghiện ma túy mới đạt được hiệu quả cao”, ông Lê Đức Hiền nêu ý kiến.
Không ít thách thức
Từ năm 2016, TP Hồ Chí Minh áp dụng biện pháp cai nghiện ma túy tại cộng đồng nhằm giúp cho người nghiện không bị cách ly khỏi xã hội, không gián đoạn việc học tập, công việc, giảm sự kỳ thị và có cơ hội nhanh chóng hòa nhập cộng đồng nhưng mô hình này chưa mang lại hiệu quả cao. Số lượng người tự giác cai nghiện tại cộng đồng ít, người nghiện vẫn bị kỳ thị, chưa có sự quyết tâm của người nghiện và gia đình, tỷ lệ bỏ cuộc giữa chừng và tái nghiện cao. Cai nghiện ma túy tại cộng đồng không mang lại hiệu quả như mong muốn buộc Thành phố đang phải gánh số lượng lớn người nghiện ma túy cai nghiện bắt buộc. Tuy nhiên, “cuộc chiến” để giúp người nghiện từ bỏ ma túy không hề dễ dàng.
Thực tế, tỷ lệ người nghiện sử dụng các chất kích thích dạng Amphetamine (ma túy tổng hợp) cao, chiếm khoảng 60-70% trong tổng số người nghiện, trong khi đó đến nay vẫn chưa có phác đồ điều trị ma túy tổng hợp. Bên cạnh dó, những người nghiện ma túy tổng hợp thường có biểu hiện rối loạn tâm thần như ảo thanh, ảo giác, tự kỷ không kiểm soát được hành vi… Khoảng 40% học viên cai nghiện ma túy có tiền án tiền sự, luôn cố tình chống đối, tìm cách trốn thoát ra ngoài, khiến cho các cán bộ, nhân viên tại các cơ sở cai nghiện gặp nhiều khó khăn, vất vả.
Ông Trương Quang Nam, Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy số 3 chia sẻ, ma túy tổng hợp khiến cho người nghiện bị rối loạn tâm thần, tư tưởng khó ổn định. Đây cũng là khó khăn lớn nhất trong việc tiếp nhận và quản lý học viên. Cơ sở cai nghiện ma túy số 3 đang quản lý 1.270 người cai nghiện, có 1.087 người sử dụng ma túy tổng hợp, chiếm 86%.
Trong khi đó, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TP Hồ Chí Minh cho hay, để đưa người nghiện ma túy đi cai nghiện bắt buộc vẫn còn những vướng mắc cần giải quyết. Trước hết là việc xác minh nơi cư trú và xác định tình trạng nghiện của người nghiện. Đây là hai điều kiện phải tuân thủ để đưa người nghiện vào các cơ sở cai nghiện bắt buộc. Tuy nhiên, dù đã có quy định xác minh nơi cư trú của người nghiện là 5 ngày nhưng thực tế việc này thường bị chậm trễ, kéo dài, gây ra không ít lúng túng trong việc đưa người nghiện đến các cơ sở cai nghiện.
Bên cạnh đó, việc xác định tình trạng nghiện cũng gặp khó khi thời gian xác định nghiện phải kéo dài từ 48-72 giờ. Trong khoảng thời gian này, người nghiện vẫn chưa giao cho đơn vị nào quản lý, kiểm soát. Trong khi đó, đối tượng nghiện ma túy tổng hợp thường có ảo giác và hành vi hung hãn, vô cùng nguy hiểm cho y, bác sỹ giám định tình trạng nghiện. Thời gian qua đã phát sinh ra nhiều loại ma túy như Ketamin, Cocain, cần sa, bồ đà và các chất hướng thần mới… Tuy nhiên, những loại ma túy này vẫn chưa nằm trong danh mục, chưa có phác đồ điều trị gây khó khăn không nhỏ cho công tác cai nghiện ma túy.
Một vấn đề khiến việc đưa người nghiện đi cai nghiện gặp khó khăn là quy định về cai nghiện ma túy hiện đang “bỏ quên” đối tượng từ 12 đến dưới 18 tuổi, đặc biệt là nhóm các em đã được giáo dục tại cộng đồng nhưng vẫn tái nghiện hoặc không có nơi cư trú ổn định. Số này chưa biết đưa vào đâu bởi quy định cai nghiện ma túy bắt buộc mới chỉ áp dụng cho đối tượng 18 tuổi trở lên. “Đây là nhóm tuổi có xu hướng nghiện ma túy ngày càng tăng cao, nghiện nhiều loại ma túy cùng lúc… cần được can thiệp sớm bởi nếu chờ đến khi 18 tuổi, các em đã rơi vào tình trạng nghiện nặng, khó cai, lúc đó công tác cai nghiện càng khó khăn bội phần”, ông Nguyễn Tuấn Anh băn khoăn.