Tổ chức Công đoàn có nguy cơ giảm sút số lượng đoàn viên, nhất là đoàn viên khu vực ngoài nhà nước. Tổ chức Công đoàn mặc dù có nhiều đổi mới nhưng trong điều kiện hội nhập vẫn còn một số lúng túng, nhất là phương thức và điều kiện hoạt động. Hơn nữa, cán bộ Công đoàn cơ sở đều kiêm nhiệm và luôn biến động, một bộ phận thiếu kỹ năng và kinh nghiệm cũng ảnh hưởng đến kết quả hoạt động của tổ chức Công đoàn.
Để thu hút, tập hợp đông đảo công nhân viên chức lao động tham gia tổ chức Công đoàn, xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, năm 2019, các cấp Công đoàn thành phố Hà Nội đặt mục tiêu thành lập mới 370 công đoàn cơ sở và phát triển mới 30.600 đoàn viên Công đoàn. Các cấp Công đoàn phấn đấu 93% công đoàn cơ sở khu vực nhà nước, 55% Công đoàn cơ sở khu vực ngoài nhà nước, nghiệp đoàn đạt tiêu chuẩn Công đoàn cơ sở vững mạnh; có từ 3.000 đoàn viên công đoàn ưu tú trở lên được xem xét kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.
Theo đó, Liên đoàn Lao động các quận, huyện, thị xã, Công đoàn ngành và Công đoàn cấp trên cơ sở chủ động phối hợp với UBND xã, phường để rà soát nắm chắc nguồn lao động, doanh nghiệp trên địa bàn; phân loại doanh nghiệp theo số lao động, chú trọng phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở tại những doanh nghiệp có trên 25 lao động. Cùng với đó, các cấp Công đoàn đa dạng hóa phương thức vận động phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở và dần chuyển hướng sang thực hiện công tác tuyên truyền vận động phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở theo phương pháp mới quy định tại Điều 17 – Điều lệ Công đoàn Việt Nam, để nâng cao nhận thức của chủ sử dụng lao động, người lao động và cán bộ Công đoàn các cấp trong tình hình mới...
Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Ngô Văn Tuyến cho biết, năm 2018, các cấp Công đoàn Thủ đô đã thành lập mới 571 Công đoàn cơ sở, kết nạp mới hơn .400 đoàn viên. Trong đó, doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước thành lập mới 539 Công đoàn cơ sở và kết nạp mới hơn 35.200 đoàn viên. Một số đơn vị tiêu biểu có thể kể đến như Liên đoàn Lao động các quận: Cầu Giấy, Đống Đa, Ba Đình; Liên đoàn Lao động huyện: Thạch Thất, Hoài Đức, Thanh Trì; Công đoàn ngành Xây dựng, Giao thông Vận tải...
Đáng chú ý, nhằm đổi mới và thu hút đông đảo lực lượng lao động tham gia tổ chức Công đoàn, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đã tiến hành rà soát nhóm lớp trẻ mầm non trên địa bàn các phường để vận động thành lập nghiệp đoàn giáo viên mầm non ngoài công lập. Đến nay, toàn thành phố có 15 nghiệp đoàn giáo viên mầm non ngoài công lập với gần 500 đoàn viên.
Cùng với công tác phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở, các cấp Công đoàn Hà Nội cũng rất chú trọng xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh. Theo kết quả đánh giá xếp loại chất lượng hoạt động năm 2018, ở khu vực nhà nước có 90,6% công đoàn cơ sở xếp loại vững mạnh, loại khá đạt 8,2%, loại trung bình là 0,4% và loại yếu là 0,4%; khu vực ngoài nhà nước xếp loại vững mạnh đạt 52,2%, loại khá đạt 19%, loại trung bình là 7,9% và có 3,1% công đoàn cơ sở xếp loại yếu. Trong năm, công đoàn các cấp đã giới thiệu hơn 3.100 đoàn viên ưu tú để xem xét kết nạp Đảng và đã có gần 2.600 đoàn viên ưu tú được kết nạp.
Tuy nhiên, cũng theo đánh giá của Lãnh đạo Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, trong năm qua, nhiều Công đoàn cơ sở có số đoàn viên giảm mạnh do chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước. Doanh nghiệp trên địa bàn các quận, huyện, thị xã chưa thành lập tổ chức Công đoàn chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ lẻ (dưới 10 lao động). Nhiều doanh nghiệp "lách" luật bằng cách chấp nhận thành lập Công đoàn cơ sở chỉ với 5 đoàn viên (trong đó còn nhiều lao động không tham gia tổ chức công đoàn) và coi đó là đã thực hiện luật, sử dụng con dấu Công đoàn để tạo thuận lợi trong kinh doanh, nhưng không tạo điều kiện để Công đoàn hoạt động, không trích nộp phí Công đoàn. Việc quản lý đầu mối, quản lý đoàn viên gặp nhiều khó khăn do nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, thậm chí phá sản, thay tên đổi chủ, thay đổi địa điểm…
Trước những khó khăn trên, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị các cấp công đoàn Thủ đô cần tập trung nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác phát triển đoàn viên Công đoàn, thành lập Công đoàn cơ sở, xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh; làm tốt hơn nữa việc rà soát, điều tra, khảo sát, nắm bắt tình hình của các doanh nghiệp trên địa bàn để có đủ số liệu phục vụ phát triển Công đoàn cơ sở.
Tổ chức Công đoàn cần tạo điều kiện để đoàn viên phát huy tính tự giác. Cán bộ Công đoàn cơ sở phải do đoàn viên bầu ra để làm đầu mối kết nối giữa tổ chức, đơn vị với đoàn viên Công đoàn; trong đó cần quan tâm đến Công đoàn cơ sở khu vực ngoài nhà nước. Đặc biệt, các cấp Công đoàn cần chú ý đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng cho cán bộ công đoàn cơ sở, tạo thành dòng chảy liên tục để đảm bảo chất lượng đoàn viên và tổ chức Công đoàn.