Theo số liệu của Bộ Công Thương, mỗi năm có gần 300 triệu lít rượu thủ công được tung ra thị trường với tình trạng không nguồn gốc xuất xứ, không tem nhãn, không công bố chất lượng. Bất chấp nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước từ cấp Trung ương tới địa phương, việc quản lý sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng rượu thủ công vẫn là một nhiệm vụ bất khả thi, làm thất thu nguồn thuế rất lớn cho Nhà nước, làm tăng chi phí chăm sóc y tế cũng như thiệt hại về mặt tính mạng con người và tăng nguy cơ mất an ninh-trật tự, an toàn xã hội.
Một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) năm 2020 cho biết tổn thất về thuế đối với rượu thủ gây ra vào khoảng 751,582 triệu USD, chiếm 29% tổng tổn thất về thuế từ khu vực phi chính thức. Trong bối cảnh đó, Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam, Cục Công nghiệp – Bộ Công Thương, Sở Công Thương tỉnh Ninh Bình và Diễn đàn Uống có trách nhiệm Việt Nam đã phối hợp thí điểm Chương trình “Nâng cao năng lực quản lý sản xuất rượu thủ công” tại tỉnh Ninh Bình nhằm đánh giá thực trạng sản xuất rượu thủ công ở địa phương, từ đó đưa ra các khuyến nghị về chính sách nhằm thúc đẩy quản lý hiệu quả việc sản xuất rượu thủ công ở Ninh Bình nói riêng và trên cả nước nói chung.
Các hoạt động của Chương trình đã thu được những kết quả ban đầu khá ấn tượng, đặc biệt là số lượng hộ sản xuất rượu thủ công đăng ký, kê khai với chính quyền địa phương tăng % so với thời điểm trước khi triển khai.
Tuy nhiên, đại diện Bộ Công Thương cho biết, kết quả điều tra khảo sát cũng cho thấy nhiều vấn đề bất cập trong công tác quản lý việc sản xuất rượu thủ công ở Ninh Bình, chẳng hạn như gần ¾ số hộ gia đình được khảo sát cho biết họ chưa kê khai với chính quyền địa phương về việc sản xuất rượu thủ công và trong số đó có tới 85,2% cho biết không nắm được quy định cần phải kê khai việc sản xuất rượu thủ công với chính quyền.
Bên cạnh đó, nhận thức, hiểu biết của người sản xuất rượu thủ công về việc nấu rượu còn rất hạn chế với chỉ 36% hộ gia đình hiểu biết đầy đủ về những quy định pháp lý cần tuân thủ trong việc nấu rượu thủ công(về an toàn thực phẩm, nguồn gốc nguyên liệu, đăng ký kê khai).
Ông Ngô Khải Hoàn, Phó Cục Trưởng Cục Công Nghiệp Bộ Công Thương cho biết, chương trình được xây dựng với mục đích chính nhằm đánh giá thực trạng sản xuất rrượu thủ công trên toàn quốc và chuyên sâu riêng tại tỉnh Ninh Bình, từ đó hỗ trợ và thúc đẩy quản lý hiệu quả việc sản xuất rượu thủ công ở Ninh Bình nói riêng và lan tỏa hiệu quả đến các tỉnh thành khác trên cả nước nói chung. Bộ cũng sẽ hỗ trợ các bên liên quan kiến nghị những bất cập, nhằm hoàn thiện chính sách về vấn đề này.
Ông Ludovic Ledru, đồng Chủ tịch Diễn đàn uống có trách nhiệm Việt Nam (VARD) chia sẻ rằng “Kết quả khảo sát từ Chương trình cho thấy, tại Ninh Bình có hơn 450 hộ sản xuất rượu thủ công (tương đương 11% tổng số hộ) có sản lượng hàng năm từ 1000 lít trở lên kê khai “không nhằm mục đích kinh doanh”. Đây rõ ràng là điểm bất hợp lý bởi mức sản lượng này quá lớn và nằm ngoài khả năng tiêu dùng của hộ gia đình. Nếu số rượu này để bán thì dĩ nhiên, các hộ gia đình này không đóng thuế đúng quy định. Từ một ví dụ đơn giản ở Ninh Bình, có thể thấy rõ rằng Nhà nước đang tổn thất rất lớn về mặt thu thuế từ khu vực rượu phi chính thức. Nếu như Nhà nước có các chính sách phù hợp nhằm chuyển đổi các hộ sản xuất rượu thủ công vào khu vực chính thức, mỗi năm ngân sách nhà nước sẽ có thể tăng thêm đáng kể”.