Tọa đàm được tổ chức để lấy ý kiến góp ý của các nhà báo, cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí, các cấp hội cơ sở về Hướng dẫn thực hiện Điều 5 trong 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam.
Phát biểu tại tọa đàm, ông Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, mạng xã hội đã thực sự trở thành một yếu tố rất quan trọng trong việc thu hút sự tương tác, số người sử dụng cũng như trở thành một nguồn tin quan trọng cho báo chí. Hiện nay, nhiều cơ quan báo chí đã sử dụng mạng xã hội và trang “fanpage”- là một trang được lập ra từ facebook của một cá nhân hoặc một công ty, doanh nghiệp nào đó để tăng cường tương tác giữa tòa soạn và bạn đọc, là kênh quảng bá hữu hiệu cho báo chí.
Ông Hồ Quang Lợi cho biết thêm, mạng xã hội cũng có không ít ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống báo chí, đặc biệt những tờ báo gánh vác nhiệm vụ chính trị định hướng người đọc. Nhà báo có vai trò cung cấp thông tin và định hướng thông tin cho xã hội nên khi tham gia vào mạng xã hội phải ý thức đúng với tinh thần đó. Bên cạnh đó cần hết sức tránh tình trạng nhà báo tham gia mạng xã hội, sử dụng thông tin trên mạng xã hội nhưng thiếu sự thẩm định, kiểm định, rồi từ đó đi theo những thông tin sai trái trên mạng xã hội, thậm chí còn bị mạng xã hội dẫn dắt.
Tại tọa đàm, nhà báo Đồng Mạnh Hùng - Chủ tịch Liên Chi hội Nhà báo Đài Tiếng nói Việt Nam cho rằng khi mạng xã hội phát triển cũng tạo ra thách thức với các cơ quan báo chí nhưng cũng là cơ hội đối với những người làm báo để tiếp cận gần hơn với công chúng và khai thác được nguồn tin từ mạng xã hội. Ông Hùng cũng nêu 4 tiêu chí đối với một cơ quan báo chí là thông tin nhanh, tin cậy, hấp dẫn và không thể thiếu tiêu chí đạo đức nghề nghiệp.
Nhà báo Nguyễn Vân Chương, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Điện Biên đánh giá thách thức của các nhà báo trước mạng xã hội không phân biệt đồng bằng hay miền núi. Chỉ cần 1 chiếc điện thoại với giá 1 triệu đồng, người ta đã có thể tiếp cận vấn đề được đăng tải mạng xã hội và có rất nhiều người theo dõi.