Nắng nóng gay gắt, dịch bệnh gia tăng

Những ngày nắng nóng gay gắt đã khiến nhiều loại dịch bệnh có điều kiện bùng phát. Tại các bệnh viện, mấy ngày gần đây số lượng bệnh nhân nhập viện tăng cao, nhất là trẻ nhỏ.

Ghi nhận của phóng viên tại các bệnh viện Nhi Trung ương, Bạch Mai, Nhiệt đới (Hà Nội) sáng 29/5 cho thấy, hầu hết đều trong tình trạng chật kín bệnh nhân.

Nhiều bệnh nhân nhi mắc bệnh do thời tiết quá nắng nóng (ảnh chụp sáng 29/5 tại Viện Nhi Trung ương). Ảnh: Tạ Nguyên


Tại bệnh viện Nhi Trung ương, do nắng nóng gay gắt, các em nhỏ vốn đã bị bệnh lại mệt mỏi, quấy khóc nên không khí phòng khám càng “căng thẳng” hơn. Rất nhiều các trẻ được cho đi khám trong tình trạng bị sốt, bỏ ăn, tiêu chảy...

Thấy con có dấu hiệu sốt, nôn trớ nhiều ngày nay, chị Nguyễn Thị Hương quyết định bế con từ Bắc Giang lên bệnh viện Nhi Trung ương khám cho yên tâm. Chị mệt mỏi kể: "Từ 5 giờ sáng hai mẹ con đã bắt xe khách để lên viện khám, nhưng gần 11 giờ trưa vẫn chưa tới lượt vì quá đông bệnh nhân".

Tại Bệnh viện Bạch Mai, tình trạng cũng tương tự. Số lượng người già, trẻ em nhập viện tăng cao mấy ngày nay. Để phục vụ bệnh nhân, bệnh viện cũng đã phải tăng cường thêm điều hòa, quạt mát trong các phòng, ghế ngồi chờ ở hành lang...

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: "Mấy ngày gần đây, số lượng bệnh nhân nhi nhập viện tăng khoảng 15%, chủ yếu là các bệnh liên quan đến sốt như: sốt virút, sốt xuất huyết; viêm màng não; các bệnh lây lan như: thủy đậu, quai bị, tay chân miệng...; ngoài ra còn tăng cả các trường hợp tiêu chảy, ngộ độc thức ăn. Các trường hợp nhiễm trùng cũng gia tăng như viêm da, viêm cơ...”.

Còn tại Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương, theo thống kê của bác sĩ điều trị Nguyễn Thanh Bình, trong số các bệnh nhân nhập viện trong 6 ngày qua có 11 trường hợp viêm não, 14 viêm phổi và phế quản, 11 người cảm cúm. Đặc biệt hầu hết các trường hợp này là bệnh nhân nhi, chủ yếu các bệnh này do thời tiết nắng nóng gây ra.

Tại khu vực phía Nam cũng đang vào mùa dịch sốt xuất huyết. Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, trong tuần qua, toàn thành phố có 86 trường hợp nhập viện. Bệnh viện Nhi Đồng 1 đang điều trị một số ca diễn tiến bệnh nặng, bị sốc và xuất huyết nặng. Mặc dù con số thống kê cho thấy tình trạng khá ổn định của các bệnh truyền nhiễm gây dịch lưu hành, tuy nhiên với thời tiết nắng nóng hiện nay, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố khuyến cáo người dân chủ động thực hiện những biện pháp để phòng bệnh trong những ngày nắng nóng.

Tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, trong vòng 1 tuần trở lại đây, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận trên 600 ca bệnh nhi, tăng từ 30 - 35% so với những tháng trước. Đặc biệt, có những ngày số lượng bệnh nhi đến khám và điều trị lên đến 900 cháu, dẫn đến tình trạng quá tải, khiến công tác khám và điều trị nội trú gặp nhiều khó khăn.

Tại Phú Yên, số trẻ em mắc bệnh tay chân miệng trên địa bàn cũng tăng lên. Thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho thấy hiện có 58/112 xã, phường, thị trấn có trẻ em mắc bệnh tay chân miệng; tổng số ca bệnh là 184 (so với 114 ca trong cùng thời điểm năm 2014).

Thời tiết nắng nóng kéo dài ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe người dân, đặc biệt người già và trẻ nhỏ ở Lào Cai. Tại Khoa Nội tim mạch và Lão khoa (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai), các bác sĩ đang phải căng mình vì quá tải. Trung bình mỗi ngày tại khoa có 60 - 65 bệnh nhân điều trị (trước đó con số này chỉ dao động từ 8 - 10 bệnh nhân). Tương tự tại khoa Nhi, Bệnh viện Sản - Nhi Lào Cai, số lượng bệnh nhi đến khám bệnh và điều trị trong tháng 5 và một tuần trở lại đây tăng cao.

Trước tình hình nắng nóng gay gắt trên diện rộng kéo dài, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe nhân dân; Bộ Y tế đề nghị tại cộng đồng, cần tích cực tuyên truyền cho nhân dân, chủ lao động trên địa bàn hiểu và phòng tránh tác hại do nắng nóng gây ra đối với sức khỏe con người như: Say nóng, say nắng, rối loạn thân nhiệt, mất nước, ngất, kiệt sức; gia tăng bệnh hô hấp, tim mạch, đột quỵ; gia tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm, sốt cao co giật... 

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh, những đối tượng dễ tổn thương là người già; phụ nữ có thai; trẻ em tại các khu vui chơi giải trí, nhà trẻ; công nhân, nông dân lao động ngoài trời, các lò phát nhiệt; người bệnh đang điều trị các bệnh: tim mạch, bệnh phổi mạn tính, hen phế quản, đái tháo đường, tiêu chảy mất nước, uống rượu, vẩy nến, chàm, bỏng, cường tuyến giáp... cần được quan tâm, phòng chống nóng. 

Tại khoa khám bệnh, các cơ sở cần bố trí đủ ghế ngồi, bổ sung quạt bảo đảm thoáng, mát cho người bệnh trong thời gian chờ khám; có nước uống miễn phí. 

Tại khoa điều trị, tùy theo điều kiện cụ thể, bệnh viện lắp đặt quạt điện đảm bảo người bệnh được nằm điều trị trong điều kiện thoáng mát; cung cấp đủ nước sạch cho người bệnh. 

Các cơ sở khám, chữa bệnh cần bảo đảm bố trí đầy đủ cơ số thuốc cấp cứu, giường bệnh, chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện cấp cứu để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu thường gặp do thời tiết nắng nóng bất thường.



Nhóm PV (Thực hiện)
Vất vả đối phó nắng nóng
Vất vả đối phó nắng nóng

Nắng nóng xảy ra ở các tỉnh miền Bắc, Trung Bộ không chỉ khiến cuộc sống người dân bị đảo lộn do phải điều chỉnh lịch sinh hoạt, sản xuất; mà còn gây nguy cơ làm bùng phát dịch bệnh, cháy rừng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN