Vất vả đối phó nắng nóng

Nắng nóng xảy ra ở các tỉnh miền Bắc, Trung Bộ không chỉ khiến cuộc sống người dân bị đảo lộn do phải điều chỉnh lịch sinh hoạt, sản xuất; mà còn gây nguy cơ làm bùng phát dịch bệnh, cháy rừng. Các cơ quan chức năng đã nhanh chóng chỉ đạo đơn vị trong ngành, đồng thời hướng dẫn người dân các biện pháp ứng phó.

Muôn cách “giải nhiệt”

Những ngày này thời tiết trên cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng diễn biến phức tạp, khí hậu oi bức và nắng gắt. Đặc biệt, tại các quận nội thành Hà Nội hiện tượng nắng nóng kết hợp với hiệu ứng bê tông hóa, đường giao thông càng làm cái nóng tăng thêm. Bên cạnh đó không khí khói bụi, ô nhiễm cũng làm tăng nguyên nhân phát sinh nhiều căn bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân như bệnh tiêu chảy, bệnh chân tay miệng, cảm cúm, sốt...

Những cái bạt “di động” giúp người nông dân Quảng Ngãi đỡ say nắng khi làm đồng .


Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương khu vực Hà Nội, trong 3 ngày từ 25 - 28/5, hiện tượng nắng nóng gay gắt làm nền nhiệt độ ngoài trời có thời điểm đạt ngưỡng 39 đến 40 độ C. Có nơi do nhiều tòa nhà cao tầng, lại thiếu bóng cây, cộng hưởng với phương tiện giao thông dày đặc liên tục phả khí nóng làm nền nhiệt độ tăng cao vượt ngưỡng 40 độ C, như đường Phạm Hùng, Cầu Giấy, Trần Duy Hưng...

Đợt nắng nóng kéo dài khiến cuộc sống người dân Hà Nội bị xáo trộn, từ sinh hoạt gia đình đến hoạt động lao động sản xuất đều phải điều chỉnh để đảm bảo sức khỏe. Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều người không chịu được nắng nóng đã hạn chế công việc đi lại vào các giờ nhiệt độ cao, một số người dân lại chọn các điểm vui chơi công cộng như công viên, rạp chiếu phim, siêu thị... để tránh nóng. Tuy nhiên, vẫn có nhiều trường hợp người dân do đặc thù lao động sản xuất phải làm việc trong điều kiện thời tiết nắng nóng kết hợp với không khí môi trường không thoáng mát dẫn tới phải nhập viện điều trị, làm số ca bệnh liên quan đến đường hô hấp, tiêu hóa... tăng cao tại các cơ sở y tế.

Anh Nguyễn Cao Cường, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy (Hà Nội) chia sẻ: Thời tiết nắng nóng khiến gia đình sinh hoạt khó khăn hơn; việc đi lại, vui chơi, chế biến các món ăn cũng phải điều chỉnh. Đặc biệt, tình trạng sức khỏe của con trẻ không ổn định, thân nhiệt thường tăng cao và biếng ăn nên gia đình tôi đã dùng nhiều cách để chống nắng nóng như hạn chế đi lại ngoài đường vào khung thời gian từ 11 - 17 giờ và tăng cường uống nước, bổ sung chất dinh dưỡng.

Tại Nghệ An, các huyện miền núi như Tương Dương, Con Cuông, Kỳ Sơn... có ngày nhiệt độ lên đến trên 41 độ C, không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp mà còn gây thiếu nước sinh hoạt cho người dân. Ở một số xã của các huyện ven biển như Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, người dân phải mua nước sạch từ các địa phương khác với giá cao hơn trước gấp 2, 3 lần. Nắng nóng gay gắt nhất là từ 10 giờ đến 16 giờ. Vào thời điểm này, trên các tuyến đường, lượng người đi lại giảm hẳn. Nhiều dịch vụ ăn theo được dịp phát triển, nhất là các cửa hàng bán nước giải khát, bán hàng điện lạnh, quạt, điều hòa nhiệt độ. Vào buổi chiều tối, tại bãi biển Cửa Lò và các điểm vui chơi công cộng ở thành phố Vinh lượng người đến tăng đột biến.

Nắng nóng kéo dài cùng với nhiệt độ cao và gió Lào cũng khiến người dân Quảng Trị khốn đốn. Trong những ngày qua, nhiệt độ trên địa bàn tỉnh luôn ở mức cao, có những lúc vượt ngưỡng trên 40 độ C, khiến người dân khổ sở phải tìm đủ mọi cách để giải nhiệt. Theo ghi nhận của phóng viên, sáng sớm từ 5 giờ đến 6 giờ 30, buổi chiều từ 17 giờ đến 21 giờ, rất đông người dân đã có mặt tại các bãi tắm như: Gio Hải và Cửa Việt của huyện Gio Linh, Mỹ Thủy của huyện Hải Lăng, Cửa Tùng và Vĩnh Thái của huyện Vĩnh Linh, bãi tắm Triệu Lăng của huyện Triệu Phong... để tắm biển. Nắng nóng kéo dài cũng khiến các mặt hàng điện lạnh tiêu thụ với số lượng lớn nhằm đáp ứng nhu cầu giải nhiệt của người dân, chủ yếu là quạt và điều hòa các loại. Các chủ cửa hàng cho biết, mặt hàng bán chạy nhất vẫn là quạt do giá thành phù hợp với túi tiền của người dân. Riêng điều hòa của các hãng có giá từ 7 - 10 triệu đồng rất đắt khách. Trung bình mỗi cửa hàng ở thành phố Đông Hà bán khoảng 100 mặt hàng/ngày.

Tại Yên Bái, thời tiết nắng nóng kéo dài khiến người dân ở thị xã Nghĩa Lộ phải đổ xô đi tắm suối để tránh nóng. Cứ vào khoảng 17 - 18 giờ hàng ngày, tại đập tràn sang Bản Noỏng thuộc địa phận phường Pú Trạng, thị xã Nghĩa Lộ có hàng trăm người đến bơi lội. Không chỉ tắm ở đập nước Bản Noỏng, nhiều vị phụ huynh còn đưa con em mình đến dòng suối Thia mát mẻ thuộc địa bàn phường Cầu Thia - thị xã Nghĩa Lộ để tắm, tập bơi hay đến suối Nung, xã Nghĩa Phúc... tắm tránh nóng.

Nông dân ra đồng từ rất sớm

Trao đổi với phóng viên Tin Tức chiều 29/5, ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, đợt nắng nóng này xảy ra vào thời điểm các tỉnh miền Trung đang bước vào vụ thu hoạch lúa. Để đảm bảo kịp mùa vụ, bà con nông dân phải ra đồng từ rất sớm hoặc chiều muộn để tránh nóng vào ban ngày.

Từ tháng 5 đến ngày 20/6 cũng là khoảng thời gian các địa phương xuống giống vụ lúa hè thu. Ông Định cho biết, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là đảm bảo đủ nước tưới cho diện tích lúa này.

Theo thông tin từ các địa phương, thời tiết nắng nóng kéo dài đã làm cho lượng nước tại các hồ chứa giảm mạnh, nhiều hồ chứa đã cạn nước ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Tại Bình Định, khoảng 15.000 ha lúa vụ hè thu có nguy cơ bị thiếu nước trong tháng 6. Để đối phó với tình trạng này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định đang phối hợp với chính quyền các địa phương kiểm tra lượng nước tại tất cả các hồ chứa và hướng dẫn nông dân triển khai các biện pháp chống hạn để giảm thiểu thiệt hại.

Tại Thừa Thiên - Huế, nắng nóng kéo dài khiến mực nước tại các hồ chứa lớn, nhỏ giảm, khả năng đáp ứng nhu cầu tưới cho vụ hè thu; đặc biệt với những vùng không chủ động nguồn nước tưới gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình này, việc chuyển đổi các loại cây trồng đảm bảo chịu hạn tốt, thích ứng với thời tiết trong vụ hè thu là rất cần thiết. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thừa Thiên - Huế, vụ hè thu năm nay, toàn tỉnh có khoảng 3.000 ha đất trồng lúa phải chuyển đổi sang trồng các loại cây trồng khác vì không chủ động nguồn nước tưới. Chính quyền địa phương, ngành nông nghiệp đang tập trung vận động, hướng dẫn người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, quyết tâm không bỏ ruộng hoang.

Theo báo cáo của Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão Quảng Trị, vụ hè thu 2015, toàn tỉnh có gần 5.000 ha đất lúa hè thu không đủ nước tưới, chiếm 22% tổng diện tích sản xuất lúa hè thu. Trong đó, 3 địa phương bị ảnh hưởng nặng nhất là Gio Linh, Cam Lộ và Vĩnh Linh. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị, Nguyễn Văn Bài cho biết, Sở đã chỉ đạo toàn ngành và các đơn vị liên quan phối hợp với các địa phương để chỉ đạo sản xuất vụ hè thu trong điều kiện khô hạn, khuyến cáo các địa phương chỉ gieo cấy lúa trên các chân đất đảm bảo nước tưới, tập trung gieo cấy các loại giống lúa ngắn ngày và cực ngắn để rút ngắn thời gian tưới, tiết kiệm nước.


Nhóm PV (Thực hiện)
Nắng nóng gay gắt, dịch bệnh gia tăng
Nắng nóng gay gắt, dịch bệnh gia tăng

Những ngày nắng nóng gay gắt đã khiến nhiều loại dịch bệnh có điều kiện bùng phát. Tại các bệnh viện, mấy ngày gần đây số lượng bệnh nhân nhập viện tăng cao, nhất là trẻ nhỏ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN