Nên tăng tuổi nghỉ hưu theo từng lĩnh vực

Tổng Liên đoàn lao động nhất trí chủ trương tăng tuổi nghỉ hưu nhưng cho rằng cần phân tích tăng theo từng lĩnh vực, ngành nghề và lộ trình tăng như thế nào để hợp lý.

Nhiều ngành nghề không thể nghỉ hưu đúng tuổi

Ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn cho biết: Tuổi nghỉ hưu có tác động rất lớn tới mọi đối tượng nên cần có nghiên cứu kỹ. Tổng Liên đoàn đồng ý nâng tuổi tuổi nghỉ hưu nhưng cần có lộ trình theo từng lĩnh vực ngành nghề, nhất là đối tượng lao động trực tiếp khó nâng tuổi nghỉ hưu vì thực tế nhiều lao động nghỉ từ 50-55 tuổi vì không đủ sức khỏe làm việc tiếp. Dự thảo Bộ luật Lao động có nói người làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có quyền được nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn; nhưng công nhân làm việc trực tiếp tại doanh nghiệp lại không thuộc đối tượng này.

Chú thích ảnh
Tư vấn về đóng BHXH tại vùng ngoại thành Hà Nội.

Thực tế hiện nay không có lao động trực tiếp về nghỉ hưu đúng tuổi, chủ yếu nghỉ sớm nên lương hưu rất thấp. Vì thế, Tổng Liên đoàn đề nghị bổ sung một số ngành nghề nghỉ hưu sớm vào dự thảo Bộ luật Lao động.

Chị Nguyễn Thị Huyền, Công nhân Công ty TNG Thái Nguyên chia sẻ: Hàng ngày phải ngồi may rất vất vả, tuổi cao thì mắt bị mờ dần nên đường may khó chính xác. Nếu tăng tuổi nghỉ hưu nam lên 62, nữ 60 thì công nhân ngành may không theo được. “Tôi năm nay 48 tuổi, có năng lực, tay nghề nhưng xương khớp rệu rạo rồi. Nếu kéo dài tuổi làm việc, trong trường hợp muốn về sớm, bị trừ phần trăm thì lương hưu rất thấp. Chúng tôi đề xuất tuổi làm việc như hiện nay để khi về hưu có thể làm thêm việc khác, có 2 lương, may ra mới đủ sống”, chị Hiền đề nghị.

Trực tiếp quản lý người lao động, chị Đinh Bích Hà, Phó Hiệu trưởng trường Mẫu giáo Việt Triều cho rằng: “Giáo viên mầm non khó có thể làm việc đến 55 tuổi, bởi mỗi ngày lao động hơn 8 tiếng vừa trí óc và chân tay, nhất là khi cường độ làm việc ngày càng cao, áp lực nhiều. Tới 50 tuổi đòi hỏi giáo viên hát hay múa dẻo là điều khó khăn. Thực tế công tác 15 năm tại trường Việt Triều, tôi chưa chứng kiến trường hợp về hưu đúng tuổi. Do đó, tuổi nghỉ hưu nên linh hoạt với từng ngành nghề”.

Cần tính toán lại

Ông Trương Văn Cẩm, Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng: Về việc tăng tuổi nghỉ hưu lên 62 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ theo lộ trình từ năm 2021 sẽ tác động trực tiếp đến các ngành thâm dụng lao động như dệt may, da dày, thủy sản... Việc tăng tuổi nghỉ hưu nên được thực hiện trước ở khu vực hành chính sự nghiệp, khu vực sản xuất nên có độ trễ từ 5-10 năm.

Đồng quan điểm, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Điện tử Việt Nam cũng kiến nghị rằng lao động ngành điện tử không nặng nhọc nhưng rất vất vả, do đó không nên tăng tuổi nghỉ hưu mà nên giữ nguyên như hiện nay.

Tuổi nghỉ hưu không thể dựa trên giới tính mà căn cứ vào lĩnh vực ngành nghề là đề xuất được bà Hà Thị Thanh Vân, chuyên viên cao cấp đến từ Học viện Phụ nữ đề xuất. Theo bà Vân, không phải tất cả nam giới đều khỏe như nhau nên không thể quy định là nghỉ ở độ tuổi 62. Điều này cũng tương tự với nữ. Sức khỏe phụ thuộc nhiều vào ngành nghề, lĩnh vực người lao động làm nên việc nghỉ hưu linh doanh theo từng giai đoạn người lao động bước vào thị trường lao động và đóng BHXH. Hiện nay vẫn đang cào bằng theo cùng độ tuổi khó cho người lao động nhưng dễ cho quản lý.

“Chẳng hạn, trong trường hợp người lao động tham gia thị trường việc làm muộn nhưng quy định 60 tuổi nghỉ hưu thì họ được hưởng lương một cục, tiêu vài ba tháng là hết, trở thành gánh nặng cho xã hội. Vấn đề bình đẳng giới và công bằng cần phải được đặt ra khi tính tuổi nghỉ hưu. Theo đó, tôi đề xuất bỏ khoảng cách chênh nhau 5 tuổi như quy định nghỉ hưu hiện nay và chênh 2 tuổi như dự thảo Bộ luật Lao động. Đề nghị nhà nước đưa ra trần tối thiểu và tối đa về tuổi nghỉ hưu cho người lao động lựa chọn. Nam và nữ đều về hưu ở độ tuổi giống nhau, cùng 60 hoặc 62.”, bà Hà Thị Thanh Vân đề xuất.

Từ phân tích những tác động đối với lao động nữ khi xem xét điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho biết: Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi quy định về vấn đề tuổi nghỉ hưu có sự thay đổi rất quan trọng: Thay vì quy định “có thể được nghỉ hưu” bằng “có quyền được nghỉ hưu” cả với trường hợp nghỉ hưu trước tuổi cũng như các trường hợp nghỉ hưu ở tuổi cao hơn. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề cần xem xét, đánh giá một cách đầy đủ, toàn diện về sự thay đổi mang tính “bản chất” này.

Đóng góp ý kiến về vấn đề này, ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nhận định: “Nếu không tăng tuổi nghỉ hưu sẽ ảnh hưởng đến quỹ BHXH. Còn khi tăng tuổi nghỉ hưu về bản chất là tăng tiền đóng BHXH và giảm thời gian hưởng đi. Đây là vấn đề phức tạp, ảnh hưởng đến thị trường lao động, năng suất lao động, do đó cần có lộ trình phù hợp. Một số đối tượng cần giảm tuổi nghỉ hưu nhưng cũng có một số đối tượng phải tăng nhiều hơn nữa. Hiện nay vẫn đề này chưa được phân định rõ ràng, trong Luật vẫn đang theo hướng dàn hàng ngang. Kinh nghiệm của các nước trên thế giới là phải thực hiện từ từ, có lộ trình để tránh sốc”.

 

Bài và ảnh: Diệu Linh
Bảo hiểm thất nghiệp khi thôi việc được tính như thế nào?
Bảo hiểm thất nghiệp khi thôi việc được tính như thế nào?

Bạn đọc hỏi: Tôi vừa nghỉ việc, tôi muối hỏi cách tính hưởng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) khi thôi việc như thế nào?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN