Theo đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật các cấp để chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm. Đồng thời, nghiêm cấm vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. Đặc biệt, lưu ý đối với gia cầm nhập từ các tỉnh có biên giới với Trung Quốc (Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh) vào địa bàn tỉnh. Đối với các huyện biên giới như Tây Giang, Nam Giang tổ chức ngăn chặn triệt để việc nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới, nhằm ngăn chặn kịp thời mầm bệnh cúm gia cầm xâm nhập vào địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn gia cầm. Khi có gia cầm mắc bệnh chết không rõ nguyên nhân phải báo ngay cho cơ quan Thú y để tiến hành lấy mẫu gửi xét nghiệm; xử lý gia cầm mắc bệnh và thực hiện công bố dịch bệnh cúm gia cầm theo quy định. Tỉnh cũng đồng loạt ra quân "Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi" trên địa bàn toàn tỉnh từ ngày 27/02/2017 đến ngày 27/3/2017.
Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, Quảng Nam đã chỉ đạo các ban, ngành của địa phương và các lực lượng chức năng, đặc biệt là Bộ đội biên phòng, Công an, Quản lý thị trường phối hợp chặt chẽ với lực lượng Thú y, Y tế tổ chức giám sát chặt chẽ tại các thôn, bản, các khu vực tập kết, buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm.
Ngoài ra, chủ động tổ chức thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm theo quy định; lập kế hoạch bố trí lực lượng kiểm soát cố định và cơ động, nhân lực, vật tư, kinh phí nhằm ứng phó kịp thời khi có dịch cúm gia cầm xảy ra, không để dịch lây lan cho người và xảy ra diện rộng. Song song với đó, Quảng Nam còn tích cực đẩy mạnh tuyên truyền để nhân dân giám sát phát hiện, đấu tranh, không tiếp tay cho các hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, các sản phẩm gia cầm không có nguồn gốc rõ ràng vào tiêu thụ trên địa bàn…
Trước đó, vào đầu tháng 2/2017, trên địa bàn thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, bệnh lở mồm long móng đã xuất hiện trên đàn bò của các hộ dân thuộc phường An Phú và phường An Mỹ. Tuy nhiên, do khẩn trương khoanh vùng tiêu độc khử trùng, tích cực điều trị cho gia súc bị bệnh nên đàn bò đã được hồi phục sức khỏe, bệnh không lây lan ra cộng đồng.