An Giang giám sát và xử lý dịch cúm gia cầm H5N1

Ngành chăn nuôi và thú y tỉnh An Giang và các huyện, thị thành đã tăng cường công tác kiểm tra giám sát tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm do tình hình thời tiết diễn biến phức tạp hiện nay.

Các Trạm chăn nuôi thú y trên địa bàn tỉnh An Giang đã triển khai các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi, tiêm phòng vắcxin cho đàn vật nuôi theo đúng quy định, nhất là vắcxin cúm gia cầm H5N1. Đồng thời, hướng dẫn người tiêu dùng cách sử dụng sản phẩm gia cầm hợp vệ sinh, an toàn nhằm phòng chống các trường hợp virút cúm có thể lây sang người.


Ngành thú y các cấp đã tiêm phòng miễn phí vắcxin cúm gia cầm cho hơn 642.000 con; trong đó, có 633.722 con vịt và 8.306 con gà; tổ chức tiêu độc sát trùng các xe vận chuyển, các khu vực chăn nuôi, quầy kệ bán thịt gia súc gia cầm, và ở khu vực giết mổ rộng trên 416.000 m2 trong toàn tỉnh.


Theo Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh An Giang, ngày 17/2/2017 Chi cục nhận được thông tin của ông Thống, chủ hộ nuôi gà tại ấp Tân Đông, xã Mỹ Phú Đông, huyện Thoại Sơn, đàn gà nuôi 80 con vẫn đang mạnh khỏe. Tuy nhiên, sau khi mua vắcxin cúm về tiêm cho đàn gà thì khoảng 2 ngày sau phát hiện có vài con bị chết và sau đó 3 ngày thì đàn gà chết rất nhanh và chết hàng loạt.


Chi cục Chăn nuôi và Thú y cùng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Thoại Sơn đến thực địa tại hộ ông Thống để xác định lại thông tin, và nhận thấy đàn gà chỉ còn lại 3 con sống, số gà chết chủ hộ đã xử lý chôn. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tiến hành chẩn đoán lâm sàng và mổ khám bệnh tích cho thấy gà có biểu hiện của bệnh cúm gia cầm, Chi cục thú y đã tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm gửi Cơ quan Thú y vùng VII xét nghiệm và cho kết quả đàn gà dương tính với bệnh cúm gia cầm H5N1.


Tổng đàn gà nuôi của ông Thống có 80 con, được 5 tháng tuổi đã mắc bệnh chết 77 con, còn lại 3 con. Ngày 10/2/2017, ông Thống tự mua vắcxin H5N1 tiêm nhưng là trên lọ vắcxin không có hạn sử dụng. Sau khi tiêm đến ngày 12/2/2017 gà có biểu hiện bệnh chết vài ba con, đến ngày 17/2/2017 gà chết nhanh và gần hết đàn.


Đến thời điểm Chi cục Chăn nuôi và Thú y tiến hành lấy mẫu đàn gà còn lại 5 con (3 còn sống và 2 con đã chết). Chi cục Chăn nuôi và Thú y đề nghị chủ hộ tiến hành xử lý tiêu hủy 3 con gà lấy mẫu và 2 con chết, tiến hành vệ sinh tiêu độc khử trùng toàn bộ khu vực nuôi của chủ hộ và khu vực chôn xác gà.


Hiện tại, hộ nuôi ông Thống đã tiêu hủy toàn bộ số gia cầm trong khu vực nuôi. Đối với khu vực xung quanh nhà ông Thống khoảng cách vài trăm mét có một số hộ nuôi gà nhỏ lẻ, qua giám sát cho thấy số gà này vẫn khỏe mạnh. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh An Giang đã chỉ đạo Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Thoại Sơn phối hợp với chính quyền địa phương xử lý Tiến hành vệ sinh tiêu độc vùng nuôi bằng thuốc sát trùng và xung quanh nhà ông Thống với bán kính 1.000 m và giám sát chặt đàn gà nuôi nhỏ lẻ tại khu vực xảy ra gà bệnh, khẩn trương thực hiện tiêm phòng vaccin cúm gia cầm cho toàn bộ đàn gia cầm tại khu vực.


Ngành nông nghiệp tỉnh An Giang đã thống nhất với UBND huyện Thoại Sơn, thực hiện các biện pháp phòng bệnh cúm gia cầm trong toàn huyện như chỉ đạo các UBND xã và nhân viên thú y xã giám sát chặt đàn gia cầm xung quanh khu vực đã xảy ra gà bệnh, tiến hành tiêm phòng khẩn cấp vắcxin cúm cho gia cầm và vệ sinh tiêu độc tại khu vực này.


Chỉ đạo các ngành liên quan như Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND xã, Công an xã hỗ trợ Thú y trong giám sát dịch bệnh, vịt chạy đồng, thả trên kênh rạch… và thực hiện nhanh tiêm phòng vắcxin cúm cho toàn đàn gia cầm của huyện, kết hợp tổ chức vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyển về tác hại của bệnh cúm gia cầm, lợi ích của việc phòng bệnh bằng vắcxin đồng thời thông báo rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng lịch tiêm phòng vắcxin cúm để người nuôi biết và hưởng ứng tích cực.


Vương Thoại Trung (TTXVN)
An Giang phòng chống dịch cúm gia cầm H5N1
An Giang phòng chống dịch cúm gia cầm H5N1

Ngày 13/2, UBND tỉnh An Giang đã ban hành các biện pháp khẩn cấp để phòng chống dịch cúm gia cầm và các chủng virus lây sang người, nhằm ngăn chặn khả năng lây lan bệnh qua đường biên giới, từ nơi khác đến, cũng như phát sinh bệnh từ địa bàn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN