Tối 3/12, không khí lạnh đã ảnh hưởng đến các tỉnh phía Đông Bắc Bộ. Vịnh Bắc Bộ đã có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7.
Dự báo, đêm 3 và ngày 4/12, không khí lạnh sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến phía Tây Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, sau đó ảnh hưởng đến Trung Trung Bộ.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường mạnh, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời tiếp tục rét, vùng núi có nơi rét đậm, rét hại với nhiệt độ thấp nhất phổ biến khoảng 11-14 độ C, vùng núi 7-10 độ C, vùng núi cao dưới 5 độ C.
Thủ đô Hà Nội, đêm không mưa, ngày nắng. Trời rét với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 12-14 độ C.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, nhiệt độ xuống thấp sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Người dân cần biết cách giữ ấm và phòng chống rét cho bản thân và gia đình. Khi thời tiết xuống dưới 10 độ C, người già và trẻ em có khả năng mắc các bệnh lý như hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, giãn phế quản, tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, xương khớp... Nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn tới viêm phổi, suy hô hấp, đột quỵ, ảnh hưởng đến tính mạng.
Để phòng ngừa mắc bệnh khi thời tiết thay đổi, người dân nên mặc đủ ấm, tránh những vị trí gió lùa,... Đối với người cao tuổi, tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột như từ trong nhà ấm chạy ra ngoài lạnh. Nếu thay đổi nhiệt độ đột ngột sẽ gây thay đổi về huyết áp có nguy cơ bị tai biến mạch máu não.
Trẻ nhỏ đôi khi lại ở tình trạng ngược lại, buổi tối trẻ được mặc quá ấm thì khi ngủ mà nóng quá, trẻ sẽ toát mồ hôi dẫn tới ướt quần áo. Quần áo ướt thì mồ hôi sẽ thấm ngược lại cơ thể trẻ gây ra nguy cơ viêm phổi. Do đó, các bậc cha mẹ, ông bà nên lưu ý giữ nhiệt độ chung trong phòng cho đủ ấm và mặc quần áo vừa phải. Luôn luôn kiểm tra xem trẻ có bị toát mồ hôi không, nếu khi trẻ bị ướt áo thì phải thay áo, tránh để trẻ mặc áo ướt.
Những người theo nghề đặc thù phải làm việc ở ngoài trời khi rét đậm, rét hại thì cần mặc nhiều quần áo, hạn chế để da tiếp xúc với môi trường lạnh.
Để tăng sức đề kháng của cơ thể , chúng ta cần ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng, tăng cường rau xanh, trái cây đảm bảo đủ nhiệt cho cơ thể. Các gia vị như hành, tỏi, gừng, quế... giúp giữ ấm rất tốt, còn giúp cơ thể giải cảm, ấm bụng, kích thích tiêu hóa. Chúng ta nên hạn chế ăn các món lạnh, đồ ăn vừa lấy từ tủ lạnh ra vì dễ làm cơ thể bị lạnh; tránh uống rượu trước khi ra ngoài trời lạnh, bởi rượu làm nở các mạch máu gây giảm thân nhiệt nên khi ra trời lạnh sẽ rất nguy hiểm.
Các tỉnh, thành phố từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi tiếp tục có mưa, mưa rào.
Trên đất liền khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ gió Đông Bắc mạnh cấp 3, vùng ven biển cấp 4-5. Vịnh Bắc Bộ gió Đông Bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8, biển động mạnh, sóng biển cao từ 2-3m; Khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) và vùng biển phía Tây của khu vực Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) gió Đông Bắc mạnh cấp 7, giật cấp 9, biển động mạnh; sóng biển cao từ 4-6m; Khu vực giữa Biển Đông và vùng biển từ Quảng Trị đến Cà Mau gió Đông Bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9, biển động mạnh; sóng biển cao từ 3-5m. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định, tại tỉnh Đắk Lắk, trong 3-6 giờ tới (từ 22 giờ 30 ngày 3/12 đến 3 giờ 30 ngày 4/12), lũ trên sông Srêpốk có khả năng lên mức 174,2m, trên báo động 3 là 0,2m, sau duy trì ở mức cao (Với dự kiến tổng lưu lượng xả của các thủy điện thượng nguồn từ 1200-1500m3/s).
Từ 4 giờ 30 đến 15 giờ 30 ngày 4/12, lũ trên sông Srêpốk tiếp tục dao động ở mức cao, sông Krông Ana tiếp tục xuống.
Đến sáng 4/12, mực nước trên các sông như sau: Trên sông Krông Ana tại Giang Sơn xuống mức 423,2m, dưới báo động 3 là 0,8m; Trên sông Srêpốk tại Bản Đôn dao động ở mức 174,0m, ở mức báo động 3. Nguy cơ xảy ra sạt lở đất ở vùng núi tỉnh Đắk Lắk, đặc biệt tại các huyện: M’Đrắk, Krông Bông, Ea Kar, Lắk, Krông Pắk, Krông Ana, Cư Kuin. Tình trạng ngập lụt ở vùng trũng thấp, ven sông, khu đô thị tại Đắk Lắk tiếp tục diễn ra, đặc biệt các huyện: M’Đrắk, Krông Păk, Krông Buk, Krông Bông, Lăk, Krông Ana, Ea Súp, Ea Hleo, Buôn Đôn. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ, ngập lụt, sạt lở đất cấp 2.
Theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, lũ quét thường xảy ra bất ngờ tại các sông, suối khu vực miền núi; lũ lên nhanh và cũng xuống nhanh, có sức tàn phá lớn, thường đi kèm với sạt lở đất, đá. Người dân cần cảnh giác trước các dấu hiệu xuất hiện lũ quét như: mưa lớn nhiều ngày ở vùng thượng lưu, nước sông hoặc suối chuyển màu đục, có tiếng động bất thường của đất đá hoặc âm thanh lạ trong lòng đất... Khi thấy các dấu hiệu trên, người dân cần nhanh chóng di chuyển khỏi khu vực có thể xảy ra lũ quét để đến nơi có vị trí cao hơn; sẵn sàng sơ tán theo hướng dẫn của chính quyền. Phải xác định, an toàn tính mạng là quan trọng nhất.
Các chuyên gia cho rằng những biện pháp phi công trình được kết hợp một cách hài hòa với biện pháp công trình, hỗ trợ biện pháp công trình sẽ phát huy hiệu quả cao trong việc đối phó với lũ quét. Các biện pháp phi công trình bao gồm: Lập bản đồ phân vùng nguy cơ lũ quét (xác định vùng nguy cơ cao; nguy cơ trung bình và vùng ít có khả năng xảy ra lũ quét). Bản đồ này là một trong những căn cứ quan trọng để đề ra các biện pháp phòng tránh lũ quét. Quản lý sử dụng đất: Quy hoạch sử dụng vùng đất hạn chế phát triển trong vùng có nguy cơ lũ quét cao; đối với các khu dân cư đã phát triển thiếu quy hoạch trước đây thì cần được quy hoạch lại, chính quyền cần lập kế hoạch tái định cư, đưa dân ra khỏi vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất.