Từ đó đến nay, sự kiện này được duy trì thường niên với các chủ đề khác nhau theo từng năm. Chủ đề Ngày Quốc tế về rừng năm 2024 là “Rừng và Đổi mới sáng tạo: Giải pháp mới vì một thế giới tốt đẹp hơn”.
Chủ đề nhằm nhấn mạnh đến việc cần khôi phục, phát triển, bảo vệ, quản lý, sử dụng rừng một cách bền vững dựa vào các thành tựu của tiến bộ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Cùng với đó, vai trò bảo vệ rừng không còn của riêng các cấp, các ngành và các tổ chức xã hội mà là của cả cộng đồng. Bảo vệ rừng không chỉ là tuần tra, giám sát mà còn kết hợp với phương pháp mới về phục hồi rừng, tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng sống gần rừng, trồng thêm cây xanh và nâng cao tiếng nói bảo vệ các loài hoang dã.
Rừng cung cấp tài nguyên, tạo ra oxy, thu giữ carbon, lưu trữ nguồn gen, ngăn chặn gió bão, chống xói mòn đất, đảm bảo cho sự sống và sức khỏe của con người. Rừng còn là nơi trú ẩn, cung cấp thức ăn, nước uống cho các loài hoang dã. Với tổng diện tích 14,7 triệu hecta cùng độ che phủ hơn 42%, rừng chiếm một không gian sống rất rộng lớn tại Việt Nam; đặc biệt là các vùng núi, vùng sâu, vùng xa với khoảng gần 20 triệu đồng bào sinh sống trong rừng và gần rừng.
Trồng, bảo vệ rừng, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng trở thành một trong các chỉ tiêu để đánh giá phát triển bền vững ở các quốc gia. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025 với mục tiêu huy động các lực lượng trồng, chăm sóc và bảo vệ gần 700 triệu cây xanh phân tán ở đô thị và nông thôn, cùng hơn 300 triệu cây rừng trồng tập trung.
Triển khai dự án, đến nay, cả nước đã trồng được gần 770 triệu cây xanh, đạt 121% so với kế hoạch, góp phần cung cấp nguyên liệu ổn định cho công nghiệp chế biến, xuất khẩu; tỷ lệ che phủ rừng được duy trì trên 42%. Năm 2023 một dấu mốc quan trọng khi lần đầu tiên Việt Nam hoàn thành các thủ tục để chuyển nhượng thành công lượng giảm phát thải 10,3 triệu tấn carbon cho Quỹ Đối tác carbon trong lâm nghiệp thông qua Ngân hàng thế giới trị giá gần 1.200 tỷ đồng.
Việt Nam là thành viên tích cực của cộng đồng thế giới trong việc bảo vệ và phát triển rừng bền vững. Tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 năm 2021 (COP26), Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra cam kết Việt Nam phấn đấu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, tham gia sáng kiến “Giảm phát thải khí methane toàn cầu” và thực hiện “Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất. Ngày 24/8/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 993/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch quốc gia triển khai Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất đến năm 2030.
Kế hoạch nhằm đóng góp trực tiếp vào mục tiêu phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn, các mục tiêu về giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học, quản lý rừng bền vững, chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; thúc đẩy phát triển sinh kế bền vững cho người dân và cộng đồng địa phương, đảm bảo an ninh lương thực và bảo vệ môi trường.
Mục tiêu của kế hoạch đến năm 2025, Việt Nam quản lý chặt chẽ diện tích rừng tự nhiên hiện có, hạn chế tối đa chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác, từng bước hạn chế tình trạng suy thoái rừng và suy thoái đất; đến năm 2030, cơ bản đẩy lùi tình trạng mất rừng, suy thoái tài nguyên rừng, suy thoái đất và sa mạc hóa, bảo đảm hài hòa phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn, đóng góp hiệu quả vào việc thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính do quốc gia tự quyết định. Đồng thời, nước ta phấn đấu diện tích rừng tự nhiên nghèo được phục hồi và nâng cấp chất lượng đạt 10% vào năm 2025, đạt 20% vào năm 2030. Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ diện tích rừng tự nhiên nghèo, tăng tỷ lệ diện tích rừng tự nhiên trung bình và giàu; nâng cao hiệu quả bảo tồn đa dạng sinh học và năng lực phòng hộ; nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế, tính bền vững của rừng trồng và cây trồng nông nghiệp…