Sáng 14/12, ô nhiễm không khí ở một số tỉnh miền Bắc và Hà Nội ở mức xấu, nhiều điểm đo ở ngưỡng tím (ngưỡng rất xấu - mọi người bị ảnh hưởng tới sức khỏe nghiêm trọng hơn), thậm chí một số nơi lên tới ngưỡng nâu (mức nguy hại - cảnh báo khẩn cấp về sức khỏe), cảnh báo cho người dân tự bảo vệ sức khỏe để tránh bị ảnh hưởng vì ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Theo hệ thống quan trắc của Tổng cục Môi trường tại 556 Nguyễn Văn Cừ vào 8 giờ sáng, chất lượng không khí tại Hà Nội ở ngưỡng tím (AQI ở mức 231).
Hệ thống quan trắc của Đại sứ quán Mỹ sáng sớm nay ghi nhận ô nhiễm không khí lên ngưỡng nâu, đây là ngưỡng cao nhất trong ô nhiễm không khí và khuyến cáo mọi người nên ở trong nhà.
Lúc 7 giờ 30 sáng, hệ thống quan trắc của Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội ghi nhận nhiều điểm quan trắc có chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở mức màu tím. Theo đó, chỉ số AQI tại trạm đo Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) là 206; tại đường Phạm Văn Đồng là 211...
Hệ thống PAMAir ghi nhận ô nhiễm nghiêm trọng ở khắp miền Bắc với ngưỡng tím, ngưỡng nâu là chủ yếu. Theo đó, AQI ghi nhận tại phố Hàng Quạt (Hà Nội) lên tới 333, phố Phạm Tuấn Tài (Cầu Giấy, Hà Nội) là 305, Bắc Từ Liêm (Hà Nội) là 5.
Còn trang Air Visual (thuộc Tổ chức IQAir có trụ sở chính tại Thụy Sĩ) xếp Thành phố Hà Nội đứng thứ 2 trong 10 thành phố trên thế giới có chỉ số AQI là 216.
Với tình hình ô nhiễm như trên, các chuyên gia khuyến cáo nhóm nhạy cảm như người già, trẻ em, người mắc bệnh hô hấp nên ở trong nhà, đóng các cửa. Người khác hạn chế ra ngoài, không tập thể dục buổi sáng ngoài trời, nên đeo khẩu trang chống bụi mịn.
Đây là đợt ô nhiễm không khí tiếp theo trong nhiều đợt ô nhiễm không khí kéo dài từ cuối tháng 8 đến nay. Trong đó có đợt ô nhiễm giữa tháng 11 ghi nhận chỉ số AQI lên ngưỡng nguy hại - ngưỡng cao nhất trong ô nhiễm không khí với khuyến cáo tất cả mọi người nên ở trong nhà.
Ô nhiễm không khí ở Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ được xác định do tổng hợp nhiều nguyên nhân như hoạt động giao thông, xây dựng, hoạt động sản xuất công nghiệp và dân sinh, trong đó có tác động của việc đốt rác, đốt rơm rạ. Trong điều kiện thời tiết nghịch nhiệt, ô nhiễm không phát tán được mà tích tụ tại tầng khí quyển sát mặt đất gây ra ô nhiễm nghiêm trọng.
Các chuyên gia dự báo, từ nay đến tháng 3 năm sau, Hà Nội và các tỉnh phía Bắc sẽ còn chịu nhiều đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng khi hiện tượng nghịch nhiệt sẽ còn tiếp tục.
Theo TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, trong bối cảnh ô nhiễm như hiện nay, một số thành phố khác trên thế giới thường áp dụng các giải pháp như ra thông báo khẩn và đề nghị mọi người theo dõi thường xuyên. Thậm chí thông báo nghỉ học đối với một số trường học ở vùng ô nhiễm cao, hạn chế các tiết học ngoài trời ở vùng ô nhiễm ít hơn...
Tuy nhiên, điều đáng nói là tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội và nhiều tỉnh thành ở miền Bắc đã diễn ra nhiều ngày nay nhưng Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội hay Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) là những cơ quan quản lý phụ trách vấn đề này vẫn cũng chưa có thông báo hay khuyến cáo gì về đợt ô nhiễm không khí khủng khiếp này.