Có lẽ chẳng có nơi nào trên đất nước Việt Nam mà những người đàn ông lại cầm tay nhau, ôm nhau, nói chuyện với nhau nhiều như ở Trường Sa. Đi Trường Sa về mới càng thấm thía tình người, những yêu thương chia sẻ, đoàn kết, gắn bó của người lính đang bám trụ ngày đêm nơi tiền tiêu Tổ quốc. Họ ôm nhau vỡ òa ở cầu cảng, họ nắm tay nhau khi đi trên đường vào đảo, khi ngồi trò chuyện hàn huyên, khi đứng cùng nhau chụp ảnh, khi chia tay xuống xuồng về đất liền...
Tôi trở về sau chuyến thăm huyện đảo Trường Sa lần 2 giữa những ngày tháng 5/2014 nắng gay gắt và tình hình Biển Đông cũng đang nóng bỏng vô cùng. Giờ, ở giữa lòng Thủ đô Hà Nội mà lòng tôi vẫn bộn bề suy nghĩ về đảo xa; xúc động khi nhớ lại khoảnh khắc chiếc xuồng CQ rẽ sóng đại dương đưa đoàn công tác xa dần đảo, để lại sau lưng là bóng dáng những người lính hải quân đen sạm, rắn rỏi đang vẫy tay chào không dứt... Làm sao có thể quên được ánh mắt tạm biệt của Đại úy Vũ Đức Vinh, Chính trị viên phó ở đảo Sinh Tồn Đông, hay nụ cười hiền hòa, lời hẹn gặp lại của Chính trị viên Lương Xuân Giáp và cái ôm rất chặt của Đảo trưởng Trường Sa Lớn Phạm Xuân Hòa...
Cha con Trung tá Nguyễn Quang Oanh, Nguyễn Quang Trường cùng trên chiến hào giữ đảo Trường Sa Lớn. |
Tôi nhớ có anh lính thủy trên tàu HQ 561 sinh năm 1980 mà đã có đến mười mấy năm gắn bó với biển. Lấy vợ chỉ được mươi ngày là anh lại lên đường ra biển. Vậy nên, đứa con gái đầu lòng sinh ra hơn 2 tuổi vẫn chưa biết mặt cha, cậu con trai thứ hai đến lúc 18 tháng cũng mới được người cha ẵm vào lòng...
Đó là cuộc đời của những người cả cha và con cùng trên một chiến hào giữ đảo như bố con Trung tá Bùi Xuân Lệ (Chính trị viên đảo Sơn Ca) và anh con trai Thiếu úy Bùi Trọng Luật ở đảo Đá Lớn B... Hay cha con Trung tá Nguyễn Quang Oanh (Cụm trưởng Chiến đấu 3 - Trường Sa Lớn) và chiến sĩ Nguyễn Quang Trường (chàng thanh niên đã tốt nghiệp ĐH Xây dựng đã tình nguyện tòng quân theo chân cha đi giữ đảo). Rồi chuyện Trung tá Nguyễn Văn Cần, người lính tận tụy của Lữ đoàn 146 với hơn 26 năm gắn bó với Trường Sa, cuộc đời anh gắn bó những năm tháng tươi đẹp và lý tưởng nhất cho biển đảo quê hương...
Đại úy Vũ Đức Vinh ở đảo Sinh Tồn Đông ôm chặt chia tay Trung tá Nguyễn Văn Minh, người thầy giáo cũ ở Học viện Chính trị Quân sự năm nào. |
Đó là Thượng tá Phạm Văn Hòa, một “đảo trưởng” nổi tiếng vì đã có nhiều năm chỉ huy cả ba hòn đảo lớn nhất của Trường Sa là Nam Yết, Song Tử Tây và Trường Sa Lớn... Anh Hòa nói, cả đời theo biển đảo rồi, bây giờ cũng không muốn về đất liền nữa, anh sẽ hoàn thành cuộc đời binh nghiệp của mình và trách nhiệm với Tổ quốc ở Trường Sa để rồi thanh thản nghỉ hưu về với gia đình... Đó là Trung tá Nguyễn Hữu Thuận, người hơn 20 năm sống trên khắp các nhà giàn, kiên cường chống chọi với mọi phong ba bão tố của biển khơi để giữ gìn thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc. Nơi mà nhiều người bước chân lên nhà giàn chỉ 30 phút đã phải thốt lên, sao các anh ấy có thể sống ở đây hàng năm trời như vậy!
Đó là cuộc đời của người thợ lặn duy nhất ở đảo Đá Tây, anh công nhân Phan Đức Phượng, 3 lần “nhập ngũ”, 8 năm gắn bó với Trường Sa khiến cho con người xứ Nghệ trở nên chai sạn, cằn cỗi, kiệm lời và cũng ít cười nói hẳn vì còn nhiều khó khăn đè nặng lên vai. Anh ra với Trường Sa để lại người vợ và 3 đứa con thơ ở quê nhà, hai cháu lớn vắng cha nên đã bỏ học dở chừng, đứa con út bị hội chứng đao chỉ quanh quẩn ở nhà biết ăn và ngủ... Với thu nhập chưa nổi 10 triệu đồng/tháng, anh Phượng chỉ có một ao ước nhỏ nhoi là được trở thành công nhân viên quốc phòng để gắn bó trọn đời, bảo vệ biển đảo quê hương và có thêm thu nhập gom góp cho gia đình ở quê nghèo...
Đó là cuộc đời của những người giữ hải đăng, những người lính công binh đi kê cao thềm lục địa, những kỹ sư, công nhân sửa chữa, xây dựng nhà giàn... Họ, mỗi con người, mỗi số phận đều thấm đẫm những nhọc nhằn, hy sinh và đánh đổi vô cùng cho gia đình, quê hương và Tổ quốc thân yêu...
Về đất liền, tôi lập tức gọi điện hỏi thăm nhiều cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ngoài Trường Sa. Nghe tôi hỏi: “Tình hình biển đảo đang căng thẳng vậy, các anh có nao núng không?”, thợ lặn Phan Đức Phượng ở đảo Đá Tây cười to và khẳng khái nói: “Sao mà lại sợ? Chúng tôi ở ngoài này đều xác định tư tưởng cả rồi, Nhà nước và nhân dân cần thì mình sẽ có mặt. Nếu có hy sinh cũng không sao cả, chỉ mong trong bờ được yên ổn thôi. Máu xương của chúng tôi sẽ sẵn sàng đổ xuống nếu Tổ quốc cần...”.
Tôi trở về từ Trường Sa, cầm trên tay chiếc huy hiệu chiến sĩ Trường Sa và tấm kỷ niệm chương của Quân chủng Hải quân với lời đề tựa đã có những đóng góp cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Trường Sa... mà bỗng thấy mình chưa làm được gì. Và cũng như hàng triệu người dân khác nơi đất liền, tôi nhận thấy vẫn mắc nợ các anh, một món nợ nghĩa tình và sự hy sinh cao cả để giữ gìn chủ quyền biển đảo quê hương...
Bài và ảnh: Dương Tử