Theo đó, một số huyện bị thiệt hại nặng như Đại Lộc, Điện Bàn, Hội An, Bắc Trà My, Nam Trà My, Phước Sơn, Đông Giang, Giang Giang, Nông Sơn… được hỗ trợ mỗi địa phương 1,5 tỷ đồng. Các huyện như Núi Thành, Tam Kỳ, Phú Ninh, Tiên Phước, Hiệp Đức, Thăng Bình, Quế Sơn được hỗ trợ mỗi địa phương 1 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Hồng Quang, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: Với phương châm hỗ trợ khẩn cấp để người dân sớm ổn định cuộc sống, UBND tỉnh Quảng Nam đã kịp thời hỗ trợ cho các địa phương nhằm giúp đỡ, động viên nhân dân. Trong thời gian tới, Quảng Nam sẽ có những biện pháp căn cơ hơn nhằm giúp nhân dân tái sản xuất trên địa bàn.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Nam, tính từ 19 giờ ngày 3/11 đến 7 giờ ngày 6/11, địa bàn tỉnh đã có mưa to với lượng mưa trung bình 488 mm. Mực nước các sông liên tục dâng cao, đạt trên mức báo động III; nhiều vùng bị ngập sâu, chia cắt. Tại Hội An, các xã bị ngập gồm Cẩm Kim, Minh An, Cẩm Nam, Cẩm Phô, Thanh Hà, Sơn Phong, Cẩm Châu và Cẩm Thanh, mức ngập trung bình từ 0,5 - 1m. Huyện Đại Lộc có 18 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã ngập, ngập sâu trung bình từ 0,7 - 1m. Huyện Duy Xuyên có 11/14 xã bị ngập từ 0,7 đến 1m...
Mưa lũ đã gây nhiều thiệt hại về người và tài sản của người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Đến nay, tỉnh Quảng Nam đã có 7 người chết, 9 người mất tích, 15 người bị thương; hàng trăm ngôi nhà bị sập và tốc mái; hàng ngàn héc ta lúa, hoa màu, cây cối bị ngã đổ, thiệt hại; quốc lộ bị sạt lở tại 42 vị trí trên các tuyến quốc lộ với tổng khối lượng khoảng 10.902 m3… Địa bàn tỉnh có hơn 70 hồ chứa thủy lợi, trong đó có 17 hồ chứa thủy lợi vừa và lớn; hiện có 12 hồ đã tích đầy nước.
UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo Sở Y tế tỉnh khẩn trương triển khai các giải pháp xử lý môi trường sau khi lũ rút, không để xảy ra ô nhiễm và dịch bệnh; tổ chức xử lý tốt nguồn nước và xác động vật bị chết, đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân; tiếp nhận, xử trí cấp cứu và điều trị các bệnh nhân bị thương tích do lũ, lụt. Sở Lao động -Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Nam chủ trì, phối hợp với Ban Cứu trợ tỉnh (Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh) và UBND các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra, nắm chắc tình hình thiệt hại do mưa lũ gây ra, có phương án cứu trợ người dân, nhất là vùng bị ngập sâu, dài ngày và kịp thời thăm hỏi những gia đình có người thân chết, mất tích do lũ lụt.
UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các ngành liên quan và UBND các xã, phường, thị trấn khẩn trương triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả thiên tai, phòng chống dịch bệnh, xử lý môi trường sau lũ lụt, sớm ổn định đời sống nhân dân.
Người dân Quảng Nam dọn dẹp bùn đất, khắc phục hậu quả bão lũ. Ảnh: Nguyễn Sơn/TTXVN |
Tại tỉnh Quảng Ngãi, đợt mưa lũ vừa qua đã làm trên 20.000 ngôi nhà, gần 10.000 giếng nước và các công trình vệ sinh ở tỉnh bị ngập. Ngay sau khi nước lũ rút, ngành Y tế tỉnh Quảng Ngãi đã huy động các lực lượng cùng nhân dân tập trung xử lý môi trường, khử khuẩn nguồn nước phòng các dịch bệnh phát sinh sau lũ.
Ngành Y tế Quảng Ngãi đã cấp gần 100 cơ số thuốc, hơn 3 tấn Cloramin B bột về cho các địa phương để tập trung xử lý môi trường. Các trạm huy động lực lượng y tế thôn, tổ cùng nhân dân tập trung xử lý môi trường.
Nước uống là một trong những vấn đề ưu tiên hàng đầu trong công tác xử lý môi trường sau lũ của ngành Y tế Quảng Ngãi. Cán bộ y tế trực tiếp hướng dẫn người dân cách xử lý và khử khuẩn các giếng khơi bị ngập.
Hiện, ở một số địa phương của tỉnh Quảng Ngãi, nước lũ vẫn chưa rút hẳn, nguy cơ ô nhiễm môi trường và phát sinh các dịch bệnh sau lũ là rất lớn. Do đó, ngành Y tế tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo các địa phương tăng cường nhân lực để tập trung xử lý môi trường với phương châm nước rút đến đâu xử lý môi trường đến đó.
Ông Hồ Minh Nên, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Trước mắt, đơn vị tập trung xử lý nguồn nước, môi trường sống của người dân. Sau đó, ngành Y tế sẽ triển khai các đoàn về vùng lũ để khám bệnh, cấp thuốc cho người dân.
Với phương châm nước rút tới đâu tiến hành khắc phục hậu quả lũ lụt đến đó, đảm bảo các trường học có thể hoạt động trong thời gian sớm nhất, lực lượng Quân đội, Công an, đoàn viên thanh niên cùng với giáo viên các trường dọn vệ sinh môi trường, cảnh quan trường học.
Tại xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành, những lớp bùn non dày phủ lên bàn ghế, phòng học, sân trường đang được lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với chính quyền địa phương và thầy cô giáo các trường Mầm non, Tiểu học dùng phương tiện chuyên nghiệp để rửa bùn đất. Cô Nguyễn Thị Xuân Thuận, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hành Tín Đông cho biết: Nếu thời tiết thuận lợi, khoảng ngày 9/11, nhà trường sẽ đón học sinh trở lại trường.
Tại huyện Bình Sơn, nhiều đoàn viên thanh niên đã phối hợp cùng giáo viên, cán bộ nhân viên dọn vệ sinh các trường học, trạm y tế xã, đường sá. Bí thư Tỉnh Đoàn Quảng Ngãi Đặng Minh Thảo cho biết: Không chỉ hỗ trợ lương thực cho người dân vùng lũ, ngay khi lũ rút, Tỉnh Đoàn huy động lực lượng cùng chính quyền địa phương dọn vệ sinh các trường học, trạm y tế, gia đình neo đơn ở những nơi ngập sâu nhằm góp phần giúp người dân sớm ổn định cuộc sống.