Dự án cải thiện môi trường nước thành phố Huế do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhận Bản (JICA) tài trợ với kinh phí hơn 24 tỷ yên Nhật (tương đương gần 4.200 tỷ đồng). Sau gần 2 năm triển khai thi công, đến nay, dự án còn hai gói thầu quan trọng nhất là đường cống thoát nước và nhà máy xử lý nước thải tiến độ khá chậm.
Gói thầu nhà máy xử lý nước thải đạt tiến độ chậm nhất, với khối lượng hoàn thành đến nay chưa tới 40%, trong khi tiến độ cam kết theo hiệp định vay vốn ODA Nhật Bản phải hoàn thành vào cuối năm 2018, tức còn chưa đầy một năm nữa phải kết thúc dự án, song với đà này, việc đạt tiến độ cam kết khó khả thi.
Điểm thi công dự án cải thiện môi trường nước thành phố Huế trên đường Nguyễn Huệ. |
Tuy nhiên, điều quan tâm lớn nhất của người dân với dự án cải thiện môi trường nước thành phố Huế là gói thầu đường cống đang triển khai thi công đồng loạt ở gần như tất cả các tuyến đường chính trên địa bàn 11 phường khu vực phía Nam thành phố Huế, gây cản trở giao thông, mùa mưa thì lầy lội, nắng thì bụi mù ảnh hưởng đến việc đi lại, sinh hoạt, kinh doanh, buôn bán của người dân.
Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND thành phố Huế cho biết, đến nay dự án cải thiện môi trường nước thành phố Huế đã triển khai được 150km cống chung, 30km cống bao để thu gom nước mưa, xử lý nước thải và 7 trạm bơm để bơm chuyền về nhà máy. Hiện tại, đã có 2/6 gói thầu xây lắp hoàn thành, gồm dự án thoát nước đường Đống Đa, Điện Biên Phủ và dự án công trình cải tạo sông Hói; còn lại các dự án khác đang trong quá trình triển khai thi công ở 11 phường khu vực phía Nam sông Hương thành phố Huế, với hơn 80 điểm thi công.
Điều đáng nói rằng, trong thời gian dự án này được triển khai trên địa bàn thành phố Huế có nhiều đợt mưa lớn khiến nhiều con đường trong thành phố bị ngập cục bộ, cùng với đó là thi công chậm chạp làm ảnh hưởng đến người dân và du khách. Chủ tịch UBND thành phố Huế cho hay, các gói thầu đều bắt đầu thực hiện từ đầu năm 2016, trong khi áp lực thi công buộc phải hoàn thành trong thời gian từ 24 đến 33 tháng. Đến nay, tiến độ chung của dự án mới hoàn thành khoảng 20% - 40% khối lượng, chậm so với kế hoạch đề ra, trong lúc theo cam kết với đối tác, đến năm 2018 dự án phải hoàn thành.
Bên cạnh thời tiết, thì năng lực của nhà đầu tư còn yếu kém, các phương án mà dự án đưa ra chưa phù hợp với tình hình hình thực tế của Việt Nam, các nhà thầu khi đấu thầu muốn trúng thầu nên bỏ giá thầu thấp. Khi trúng rồi, lúc làm phải tìm nguyên liệu, thiết bị giống như hồ sơ đấu thầu để triển khai nhưng giá thành lại cao, khó đáp ứng yêu cầu của nhà thầu nên chậm. Các phương án phải chuyển lại nhiều lần mất thời gian. Có khả năng dự án sẽ kéo dài thêm 1 năm, đến năm 2019 mới hoàn thành.
Trước những bức xúc của người dân và tồn tại nêu trên, HĐND tỉnh khóa VII, nhiệm kỳ 2016-2021 đã quyết định thông qua việc bổ sung chương trình giám sát dự án cải thiện môi trường nước thành phố Huế vào đầu năm 2018. Ông Cái Vĩnh Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, thực tế, qua những cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND các cấp và đại biểu Quốc hội, nội dung phản ánh về những tồn tại của dự án cải thiện môi trường nước thành phố Huế thường chiếm thời lượng lớn. Chương trình mục đích giám sát này nhằm thực hiện theo dõi toàn diện dự án để làm cơ sở trả lời những chất vấn, kiến nghị của cử tri cũng như góp tiếng nói của người dân, chính quyền để dự án thực hiện tốt hơn.