Đảm bảo tiến độ và chất lượng các dự án truyền tải điện

Tại hội nghị triển khai kế hoạch năm 2018 của Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) diễn ra ngày 12/1, ông Nguyễn Tuấn Tùng, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty cho biết, năm 2018, EVNNPT có kế hoạch đầu tư 18.107 tỷ đồng để hoàn thành và đưa vào vận hành 62 dự án và khởi công 43 dự án từ 200-500kV. Với khối lượng đầu tư lớn này, việc đảm bảo tiến độ, khối lượng và chất lượng các dự án đầu tư xây dựng đang được Tổng Công ty triển khai tích cực ngay từ đầu năm.

Đưa vào vận hành nhiều dự án trọng điểm

EVNNPT cho biết, năm 2017, Tổng Công ty đã hoàn thành khối lượng đầu tư 17.984 tỷ đồng, đạt 94% kế hoạch điều chỉnh Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giao và giải ngân đạt 18.182 tỷ đồng, bằng 95,1% kế hoạch điều chỉnh.

Với nguồn vốn này, trong năm qua, Tổng Công ty đã khởi công được dự án, gồm 6 dự án 500kV và 32 dự án 220kV. Trong đó có nhiều dự án quan trọng như Trạm biến áp (TBA) 500kV Đức Hòa; nâng công suất và lắp đặt máy biến áp thứ 2 tại các TBA 500kV: Cầu Bông, Phố Nối, Vũng Áng; Đường dây 500kV Sông Hậu - Đức Hòa; các TBA 220kV Lạng Sơn, Quang Châu, Thanh Nghị, Quỳnh Lưu, Thủy Nguyên; các dự án đường dây 220kV Bắc Giang - Lạng Sơn, Nho Quan - Thanh Nghị, Bình Long - Tây Ninh, Pleiku 2 - An Khê... 

Năm 2018, EVNNPT có kế hoạch đầu tư 18.107 tỷ đồng để hoàn thành và đưa vào vận hành 62 dự án và khởi công 43 dự án từ 200-500kV.. Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN

Trong năm, EVNNPT đã đưa vào vận hành 50 dự án; trong đó có 11 dự án 500kV và 39 dự án 220kV. Đáng chú ý, nhiều công trình trọng điểm, cấp bách có vai trò hết sức quan trọng đảm bảo cung cấp điện cho các vùng, miền đã được đưa vào vận hành kịp thời. 

Tiêu biểu như các dự án đảm bảo cấp điện cho thành phố Hà Nội như: Đường dây 500kV/220kV Hiệp Hòa - Đông Anh - Bắc Ninh 2; TBA 500kV Đông Anh;Nâng công suất và lắp máy biến áp thứ 2 tại các trạm 500kV: Phố Nối, Thường Tín; Đường dây 220kV Hòa Bình - Tây Hà Nội; các TBA 220kV: Bắc Ninh 3, Long Biên, Đông Anh, Tây Hà Nội...

Bên cạnh đó, Tổng Công ty cũng hoàn thành các dự án trọng điểm đảm bảo cấp điện cho miền Nam như: Lắp máy biến áp thứ 2 tại các TBA 500kV Cầu Bông, Pleiku 2; Nâng công suất và lắp đặt máy biến áp thứ 2 tại các TBA 220kV: Bình Long, Trà Nóc, Trà Vinh, Tây Ninh; Đường dây 220kV Tân Uyên - Thuận An; nâng khả năng tải đừng dây 220kV Phú Lâm - Hóc Môn, Phú Mỹ - Mỹ Xuân...

Cùng với việc hoàn thành các dự án đấu nối, giải toả công suất các Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng, Thăng Long, Duyên Hải 3 mở rộng, Thái Bình, EVNNPT còn đưa vào vận hành các dự án nâng công suất các máy biến áp 220kV để xử lý tình trạng đầy và quá tải quá tải tại các địa phương như: Thạnh Mỹ, Cao Bằng, Đô Lương, Tháp Chàm, Nha Trang...

"Đặc biệt, mặc dù gặp nhiều khó khăn vướng mắc nhưng với sự chỉ đạo sâu sát và hỗ trợ rất lớn của Tập đoàn, Chính phủ cùng các bộ ngành, các dự án đường dây 500kV mạch 3 (Vũng Áng đi Pleiku 2) đã hoàn thành thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư trong năm 2017 và đang được khẩn trương triển khai các bước tiếp theo để có thể khởi công vào Quý 2/2018 đúng theo tiến độ đề ra", Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Tuấn Tùng cho biết.

Một trong những yếu tố rất quan trọng để hoàn thành và khởi công các dự án truyền tải đúng tiến độ là do trong năm, Tổng Công ty đã chú trọng thu xếp vốn cho đầu tư. Cụ thể, năm 2017, EVNNPT đã ký hợp đồng tín dụng thương mại trong nước với tổng số tiền 660 tỷ đồng. Đồng thời tích cực hoàn thiện các thủ tục để giải ngân các khoản vay từ Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) giai đoạn 1 (65 triệu EUR) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) phân kỳ 3 (231 triệu USD). Qua đó, đảm bảo thu xếp đủ vốn đầu tư cho các dự án của Tổng Công ty trong năm 2017.

Ngoài ra, Tổng Công ty còn hoàn thành quyết toán 69 dự án, đạt 100% kế hoạch với tổng giá trị phê duyệt khoảng 10.639 tỷ đồng.

Tiếp tục hoàn thành các dự án cấp điện cho miền Nam


Theo ông Nguyễn Tuấn Tùng, năm 2018, với tổng vốn đầu tư 18.107 tỷ đồng, Tổng Công ty đặt mục tiêu hoàn thành và đưa vào vận hành 62 dự án; trong đó tập trung vào các dự án lưới điện truyền tải giải tỏa công suất Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 và 4; Long Phú; 

Các dự án đảm bảo cung cấp điện cho miền Nam và nâng cao năng lực lưới điện truyền tải như: Đường dây 220kV mạch 2 Đồng Hới - Đông Hà - Huế; Đường dây 220kV Bình Long - Tây Ninh, thay dây chống sét trên đường dây 500kV Bắc - Nam mạch 1 bằng dây chống sét có kết hợp cáp quang OPGW; 

Các dự án đảm bảo cấp điện cho Hà Nội và các khu vực kinh tế trọng điểm như: TBA 500kV Tây Hà Nội, Đường dây 500kV Thường Tín - Tây Hà Nội, lắp máy biến áp thứ 2 tại các TBA 500kV Đông Anh, Phố Nối; Đường dây 220kV nhánh rẽ Tây Hà Nội, các TBA 220kV: Phú Thọ, Quang Châu, Thanh Nghị, Quỳnh Lưu, Lưu Xá, Đăk Nông...

Bên cạnh đó, Tổng Công ty còn hoàn thiện các thủ tục để khởi công 43 dự án; trong đó tập trung các dự án trọng điểm đảm bảo cấp điện cho miền Nam như: các đường dây 500kV mạch 3 (Vũng Áng đi Pleiku 2), Đường dây 500kV Chơn Thành - Đức Hòa; 

Các dự án giải tỏa công suất các Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn, Hải Dương; Các dự án đảm bảo cấp điện cho Hà Nội như: Đường dây 500kV Thường Tín - Tây Hà Nội, Đường dây 500/220kV Nho Quan - Phủ Lý - Thường Tín, lắp máy biến áp thứ 2 tại TBA 500kV Đông Anh...

Để thực hiện thành công kế hoạch đầu tư trong năm 2018, Tổng Công ty đã yêu cầu các đơn vị tập trung triển khai sớm công tác chuẩn bị đầu tư và thỏa thuận tuyến, mặt bằng để có đủ thời gian cho các giai đoạn tiếp theo.

Tổng Giám đốc EVNNPT Vũ Ngọc Minh cho biết, cùng với quản lý chặt chẽ và đẩy nhanh tiến độ phê duyệt các báo cáo, nâng cao chất lượng thiết kết và thời gian thẩm định phê duyệt. Tổng Công ty cũng nâng cao chất lượng lập dự toán để chuẩn xác ngay từ đầu, tránh trường hợp phải lập lại dự toán, đấu thầu lại nhiều lần mới lựa chọn được nhà thầu.

Bên cạnh đó, Tổng Công ty tập trung hoàn thành các tiêu chuẩn kỹ thuật và thiết kế, hợp đồng mẫu để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và giảm thiểu thời gian trong quá trình kiểm tra, thẩm định dự án; Triển khai áp dụng thiết kế chuẩn cho trạm biến áp và đường dây; tiếp tục chuẩn hóa và nâng cao chất lượng hồ sơ mời thầu, tiêu chuẩn xét thầu, tăng cường quản lý hợp đồng và quản lý chất lượng các nhà thầu. Kiên quyết loại bỏ các nhà thầu không đủ năng lực.

Mặt khác, Tổng Công ty còn áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng cho tất cả các gói thầu chào hàng cạnh tranh, các gói thầu quy mô nhỏ đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế. Từng bước áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng cho các gói thầu lớn trên cơ sở Thông tư số 04/2017/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Tổng Giám đốc Vũ Ngọc Minh nhấn mạnh, Tổng Công ty sẽ thực hiện các giải pháp tăng tính cạnh tranh trong đấu thầu như: phân chia các gói thầu lớn thành nhiều gói thầu trung bình để tăng số lượng nhà thầu đáp ứng năng lực, kinh nghiệm;

Tăng cường đấu thầu tập trung, gộp các gói thầu nhỏ có tính chất tương tự để thu hút sự quan tâm của nhà thầu, tăng tính cạnh tranh. Mặt khác, giảm yêu cầu về số lượng, giá trị hợp đồng tương tự nhằm tăng số lượng nhà thầu đáp ứng năng lực, kinh nghiệm thực hiện các dự án.

Ngoài ra, Tổng Công ty còn tìm mọi giải pháp nâng cao chất lượng các dự án đầu tư xây dựng, đặc biệt tập trung nâng cao chất lượng giám sát thi công, nghiệm thu, mua sắm vật tư thiết bị và đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý đầu tư xây dựng. Đồng thời tăng cường giám sát, nghiệm thu, kiểm tra chất lượng vật tư thiết bị  theo hợp đồng, trên công trường đảm bảo chất lượng đúng theo hợp đồng trước khi đưa vào sử dụng.

Một giải pháp không kém phần quan trọng để các dự án hoàn thành đúng tiến độ theo ông Minh là tăng cường bám sát chính quyền địa phương để giải quyết các vướng mắc trong bồi thường giải phóng mặt bằng. Do vậy, Tổng Công ty đã yêu cầu lãnh đạo các đơn vị thường xuyên có mặt trên công trường, đặc biệt các công trình trọng điểm để chỉ đạo giải quyết kịp thời các vướng mắc. Từ đó, góp phần đưa dự án hoàn thành theo kế hoạch đề ra. 

Hiện Tổng Công ty đang đề nghị EVN báo cáo Bộ Công Thương và Chính phủ sớm phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch đối với các dự án trọng điểm Tập đoàn đã giao kế hoạch cho EVNNPT trong năm 2018, như Lắp máy biến áp số 2 tại TBA 220kV Than Uyên, TBA 220kV Tương Dương... để Tổng Công ty triển khai đảm bảo tiến độ theo yêu cầu. 

Đồng thời báo cáo Bộ Công Thương chỉ đạo sớm xây dựng, phê duyệt quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo, quy hoạch đấu nối các nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt đấu nối các dự án điện mặt trời có công suất lớn và các tiêu chuẩn liên quan để Tổng Công ty có căn cứ triển khai lưới điện truyền tải phục vụ đấu nối và giải tỏa công suất các dự án năng lượng tái tạo.

Mai Phương (TTXVN)
Năm 2018, EVNNPT sẽ vận hành ứng dụng công nghệ GIS cho lưới điện thông minh
Năm 2018, EVNNPT sẽ vận hành ứng dụng công nghệ GIS cho lưới điện thông minh

Theo báo cáo từ Tổng công ty Truyền tải Điện Quốc gia (EVNNPT), thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, hiện nay, đơn vị đang triển khai dự án ứng dụng công nghệ Hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong quản lý vận hành lưới điện truyền tải. Dự kiến, đến năm 2018, hệ thống này sẽ được đưa vào vận hành chính thức.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN