Theo báo cáo của các địa phương, nhu cầu nhà ở của công nhân khu công nghiệp trên toàn quốc dự kiến đến năm 2020 vào khoảng 1,7 triệu người; trong đó, lao động ngoại tỉnh chiếm trên 50% tổng số lao động đang làm việc trong các khu công nghiệp và tập trung nhiều nhất tại các địa bàn như tỉnh Bình Dương (hơn 90%), TP Hồ Chí Minh (63%), Đồng Nai (60%), Hà Nội (59%)… Nhu cầu nhà ở công nhân rất lớn nhưng thực tế đáp ứng lại chưa như mục tiêu đặt ra.
Ông Nguyễn Trọng Ninh - Cục trưởng Cục quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, hiện cả nước đã hoàn thành khoảng 100 dự án nhà công nhân, quy mô xây dựng khoảng 41.000 căn, đủ để bố trí cho khoảng 330.000 người lao động. Con số này hiện mới chỉ đáp ứng được khoảng 28% so với nhu cầu. Điều này đồng nghĩa với việc 72% người lao động vẫn chưa được đáp ứng các nhu cầu về nhà ở.
Cùng đó, hiện các địa phương đang có tới 226 dự án nhà ở xã hội được triển khai với quy mô khoảng 182.200 căn. Tuy nhiên hầu hết dự án đều đang bị chậm tiến độ hoặc tạm dừng thi công. Thậm chí, có nhiều chủ đầu tư đang xin chuyển đổi sang làm nhà ở thương mại, do đó, nguồn cung nhà ở xã hội ra thị trường đang rất hạn chế. Khó khăn về nguồn cung loại hình nhà ở này vẫn chưa được cải thiện.
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu nhận xét, người có thu nhập cao, người có thu nhập khá và người nước ngoài có khả năng tự giải quyết nhu cầu nhà ở của mình. Vấn đề lớn nhất và khó khăn nhất của TP Hồ Chí Minh là giải quyết nhu cầu nhà ở cho đông đảo người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị…, để đảm bảo an sinh xã hội và phát triển bền vững.
Tại TP Hồ Chí Minh hiện có khoảng 476.000 hộ chưa có nhà ở hoặc đang sống chung với người thân. Hầu hết các đối tượng này đều có nhu cầu mua nhà ở thương mại vừa túi tiền hoặc thuê, mua nhà ở xã hội trả góp 15 năm, hoặc thuê nhà giá rẻ - ông Châu dẫn chứng.
Theo chị Nguyễn Thị Phương - công nhân của một khu công nghiệp tại Hà Nội, hiện có 2 vấn đề lớn đối với công nhân ngoại tỉnh đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất là nhà ở và trường học cho con.
Chị Phương cho biết, nhu cầu này rất cao nhưng tỷ lệ đáp ứng lại thấp. Hầu hết công nhân lao động đều phải thuê nhà ở trong dân và gửi con tại các nhóm trẻ tư thục nên chi phí sinh hoạt rất cao (điện, nước, tiền gửi con…), không được như người địa phương.
Là một trong những doanh nghiệp sử dụng đông lao động, trong khoảng 10 năm trở lại đây, rất nhiều đơn vị của ngành than đã chủ động xây nhà ở cho công nhân. Điển hình như các đơn vị: Công ty cổ phần Than Hà Lầm, Công ty Than Quang Hanh; Công ty Than Vàng Danh, Tổng Công ty Đông Bắc hay nơi xa nhất của ngành than tại Quảng Ninh là Công ty cổ phần Than Mông Dương... cũng đã xây dựng khu tập thể cho công nhân lao động.
Theo thống kê của Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), có 20 đơn vị trong ngành đầu tư khoảng 80 khu nhà ở công nhân tương ứng 5.000 căn hộ, đáp ứng chỗ ở cho hơn 17.000 người. Quan trọng hơn cả, những khu nhà tập thể này đã đáp ứng được phần nào nhu cầu về nhà ở, góp phần quan trọng trong việc cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho công nhân lao động, giúp họ gắn bó với doanh nghiệp.
Tuy nhiên, dù có nhiều cố gắng, song ngành than cũng mới chỉ có khoảng 12% số người được cung cấp về nhà ở, gần 90% lao động còn lại phải tự lo chỗ ở cho bản thân. TKV đã xây dựng Đề án xây dựng nhà ở công nhân đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 trình Chính phủ, trên cơ sở đó định hướng việc an cư cho thợ lò.
Để nâng cao trách nhiệm trong việc phát triển nhà ở xã hội và các công trình hạ tầng xã hội thiết yếu cho công nhân khu công nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 655/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và giao cho Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam chủ trì triển khai.
Mục tiêu đặt ra đến năm 2030 phấn đấu tất cả khu công nghiệp, khu chế xuất đều có thiết chế của công đoàn bao gồm cả nhà ở, nhà trẻ, siêu thị, các công trình y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao. Theo đó, giai đoạn 2017 - 2018 hoàn thành 10 thiết chế công đoàn; từ năm 2018 - 2020 hoàn thành và đưa vào sử dụng 40 thiết chế công đoàn và đến năm 2030 phấn đấu tất cả các khu công nghiệp, khu chế xuất trên cả nước đều có thiết chế công đoàn.
Tại nhiều cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ rõ, chính quyền địa phương là cấp quyết định sự thành công của chương trình phát triển nhà ở xã hội; trong đó có nhà ở cho công nhân; đồng thời yêu cầu các bộ, ngành và chính quyền địa phương tập trung triển khai các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.
Phân tích nguyên nhân tỷ lệ đáp ứng chỗ ở cho công nhân lao động vẫn hạn chế, ông Vũ Văn Phấn - Phó Cục trưởng Cục quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản cho rằng, khó khăn lớn nhất hiện nay là sau khi gói tín dụng cho vay ưu đãi 30.000 tỷ đồng kết thúc, nhưng ngân sách nhà nước chưa bố trí được nguồn vốn cấp bù lãi suất cho các ngân hàng thương mại để cho vay nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở và Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ.
Theo ông Phấn, hiện nay ngân sách nhà nước mới chỉ thu xếp được gần 1.200 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách Xã hội và đến nay mới bố trí được khoảng 750 tỷ đồng hỗ trợ cho người dân vay (theo quy định thì Ngân hàng Chính sách Xã hội chỉ huy động thêm 750 tỷ đồng và chỉ cho người dân vay để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, chưa cho chủ đầu tư dự án vay). Trong khi đó, Việt Nam lại chưa có các nguồn tài chính khác để cho vay trung hạn và dài hạn với lãi suất thấp đối với phát triển nhà ở xã hội.
Bên cạnh đó, trong quy hoạch đô thị, khu công nghiệp lại chưa xác định rõ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội, chưa thực hiện nghiêm quy định dành 20% quỹ đất tại các dự án nhà ở thương mại để phát triển nhà ở xã hội. Điều này dẫn đến thiếu quỹ đất sạch để triển khai các dự án nhà ở xã hội...
Thêm một thực tế cần lưu ý là ngay các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong khu công nghiệp cũng chưa quan tâm đến nhà ở cho công nhân, người lao động của mình thông qua việc mua, thuê nhà ở, xây dựng nhà ở xã hội để cho công nhân thuê, mặc dù Luật Nhà ở cho phép chi phí mua, thuê, xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân thuê được tính là chi phí hợp lý trong giá thành sản xuất khi tính thuế thu nhập của doanh nghiệp - ông Phấn viện dẫn.
Bộ Xây dựng cho rằng, để gỡ các nút thắt trên cần có các cơ chế, giải pháp cụ thể để hỗ trợ, khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp tích cực tham gia phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn. Muốn vậy, cần tạo môi trường đầu tư thuận lợi về đất đai, giải phóng mặt bằng, thủ tục hành chính... để huy động các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, doanh nghiệp có sử dụng nhiều lao động và người dân tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở cho công nhân tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn.