Nhiều bài học sau sự cố cháy cây xăng - Bài 2

Bài 2: Quy định an toàn cháy nổ bị “phớt lờ”


Khu vực các cây xăng có những điều kiện nghiêm ngặt về an toàn cháy nổ như: Cấm nghe điện thoại, cấm lửa nhưng theo ghi nhận của phóng viên báo Tin Tức, tình trạng nghe, gọi điện thoại tại các cây xăng vẫn diễn ra khá phổ biến. Một số cây xăng có khoảng cách quá gần các nguồn phát lửa như các nhà hàng ăn, các điểm kinh doanh hàn xì...

 

Nghe, gọi điện thoại thoải mái


Có mặt tại cây xăng trên phố Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội) lúc 10 giờ 30 ngày 8/6, chúng tôi bắt gặp cảnh một nhân viên của cây xăng thản nhiên nghe điện thoại trong khi khách hàng đang chờ để được đổ xăng, mặc dù đây là điều cấm kị tại các cây xăng. Sau khi nghe xong điện thoại, nhân viên này mới quay ra bơm xăng cho khách.


Nhân viên bán xăng gọi điện thoại tại cửa hàng xăng dầu Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội). Ảnh chụp lúc 10 giờ 47 phút ngày 8/6. Ảnh: Hoàng Dương

 

Tình trạng khách mua xăng nghe và gọi điện thoại tại cây xăng còn phổ biến hơn. Tại cây xăng trên đường Võ Thị Sáu (quận Hai Bà Trưng), mặc dù thời tiết khá oi bức nhưng hai nam thanh niên đi xe Vespa trong lúc đợi đổ xăng vẫn liên tục gọi điện thoại. Khi nhân viên bán xăng nhắc nhở hai thanh niên còn gắt gỏng và “tôi trả tiền mua xăng thì ông cứ bán chứ đừng có can thiệp vào việc riêng của tôi”. Trước thái độ gay gắt của hai thanh niên, không chỉ nhân viên đổ xăng mà khách đổ xăng cũng chẳng dám ý kiến gì thêm.


Các cây xăng nếu gần các nguồn phát lửa thì nguy cơ mất an toàn cháy nổ là rất lớn. Sự cố cháy xe bồn ở cây xăng 2B Trần Hưng Đạo vừa qua theo kết luận của các ngành chức năng là do xăng rò rỉ từ xe bồn bắt cháy với than tổ ong còn lửa của cửa hàng cơm liền kề. Đây là bài học lớn về công tác an toàn cháy nổ, cho thấy, doanh nghiệp kinh doanh và người dân nếu không có ý thức cháy nổ thì hiểm họa là khôn lường.


Bà Nguyễn Thanh Hằng, một tiểu thương kinh doanh ở số 222 La Thành, đối diện cây xăng 179 La Thành lo ngại: “Đường Đê La Thành có rất nhiều hộ kinh doanh sắt thép, gò hàn. Dù chưa xảy ra vụ cháy nào nhưng người dân vẫn rất lo ngại về nguy cơ cháy nổ”. Đối diện với cây xăng 179 La Thành là cửa hàng hàn xì số 218 La Thành. Thời điểm phóng viên có mặt (hơn 11 giờ trưa 8/6), cửa hàng hàn xì 218 đang đỏ lửa, các tia lửa bắn tung tóe. Để đảm bảo an toàn cháy nổ ở cây xăng này có hai cách: Một là di dời cây xăng và hai là không cho các điểm hàn xì xung quanh hoạt động. Tuy nhiên, cây xăng này ở phố La Thành đã có từ vài chục năm nay, trước khi các điểm hàn xì xung quanh xuất hiện và đầy đủ giấy phép hoạt động. Do đó, chính quyền địa phương cần vào cuộc, không cho các điểm kinh doanh có nguồn lửa được hoạt động cạnh các cây xăng. Tuy nhiên, kể cả sau khi đã có bài học được rút ra từ vụ cháy cây xăng gần đây, nhưng khi phóng viên Tin Tức có mặt tại điểm bán xăng tại phố La Thành, điểm hàn xì vẫn hoạt động.

 

Bổ sung thêm quy định về an toàn cháy nổ


Mỗi cây xăng hiện nay đều có hầm chứa xăng dầu dự trữ. Lượng xăng trữ tại các hầm chứa như những “quả bom” khổng lồ, có sức tàn phá rộng nếu xảy ra cháy nổ.


Để nâng cao ý thức PCCC tại các khu vực dân cư có cây xăng, theo thiếu tá Phạm Thanh Uyên, công an phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, cảnh sát khu vực vẫn phải kiểm tra định kì hàng tháng, nhắc nhở, tuyên truyền nhân viên và chủ cửa hàng xăng dầu chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về PCCC. Đầu năm, các tổ dân phố đều họp triển khai các quy định về PCCC đến người dân và doanh nghiệp. Bởi dù có trang bị PCCC hiện đại nhưng người dân, doanh nghiệp không tuân thủ thì nguy cơ cháy nổ vẫn cao.


Theo thiếu tướng Nguyễn Đức Nghi, Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội, từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng đã kiểm tra và phát hiện 28 cây xăng vi phạm về PCCC dưới nhiều hình thức khác nhau và đã xử phạt hành chính với số tiền khoảng 100 triệu đồng. Còn theo Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC, thiếu tướng Đỗ Văn Sơn, để bảo đảm an toàn cháy nổ và thuận tiện cho người dân, trước mắt cần tập trung nâng cấp, bảo đảm an toàn cho các cây xăng chưa đủ điều kiện về PCCC. Ông Sơn cho biết thêm, hiện nay, trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC đang trình Quốc hội cho ý kiến, Cục đã đề xuất các quy định theo hướng tăng cường các điều kiện an toàn của các cơ sở kinh doanh xăng dầu.

 

Tiến Hiếu - Hoàng Dương


Bài 3: Xử lí vi phạm về mất an toàn cháy nổ


 

Quy chuẩn kỹ thuật đối với cửa hàng xăng dầu Bộ Công Thương vừa ban hành

 

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về yêu cầu thiết kế cửa hàng xăng dầu trong đó đưa ra những yêu cầu kỹ thuật cơ bản để thiết kế xây dựng mới, nâng cấp và mở rộng cửa hàng xăng dầu.

 

Cụ thể, vị trí xây dựng cửa hàng xăng dầu phải phù hợp với quy hoạch, đảm bảo yêu cầu an toàn giao thông, an toàn phòng cháy chữa cháy và vệ sinh môi trường. Bộ Công Thương nêu rõ, tại cửa hàng xăng dầu phải niêm yết nội quy phòng cháy chữa cháy ở các vị trí dễ thấy, có biển cấm lửa và hiệu lệnh báo cháy. Cửa hàng xăng dầu phải được trang bị đủ số lượng phương tiện chữa cháy ban đầu phù hợp quy định.

 

Theo Bộ Công Thương, có thể căn cứ vào tính chất nguy hiểm cháy của các chất, vật liệu trong từng hạng mục của cửa hàng xăng dầu để bố trí phương tiện chữa cháy phù hợp. Các phương tiện chữa cháy phải đảm bảo chất lượng và việc bố trí các dụng cụ này phải đảm bảo dễ thấy, dễ lấy sử dụng, không cản trở lối thoát nạn, lối đi và các hoạt động khác, tránh mưa nắng và phá hủy môi trường.

 

PV

 Nhiều bài học sau sự cố cháy cây xăng - Bài 1
Nhiều bài học sau sự cố cháy cây xăng - Bài 1

Sự cố cháy xe bồn chứa xăng dầu tại cây xăng 2B Trần Hưng Đạo đã được dập tắt nhưng sức nóng từ vụ cháy xăng này vẫn chưa hết.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN