Chị Đinh H.(Đồng Hới, Quảng Bình) gửi con trai là Cù Hoàng Phi L.(15 tháng tuổi) đi nhà trẻ. Ngày đầu tiên đi học, cháu bé về khóc rất nhiều. Được chồng an ủi “chắc do con chưa quen trường mới” nên chị tiếp tục cho con đi học. Vào một buổi sáng, mở camera theo dõi con trên lớp, chị nhìn thấy cảnh tượng xé lòng: con trai chị đang bị 3 bảo mẫu ở cơ sở nuôi dạy trẻ Sơn Ca véo tai, lấy thìa đánh vào tay và bị đưa vào góc khuất trói tay, trói chân, nhét giẻ vào miệng.
Bé trai 15 tháng tuổi ở Quảng Bình bị cô giáo trói tay chân, nhét giẻ vào miệng. |
Ngay lập tức, chị cùng chồng lao đến trường và chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng. “Con bị đè xuống sàn nhà, hai tay hai chân trói quặt về phía sau, cô Anh đang nhét khăn vào miệng còn cô Linh và 1 cô nữa đang giữ con. Nét mặt vật vã của con lúc đó làm mẹ đau tới tận tim gan. Mẹ lao vào ôm lấy con. 3 cô kia kéo mẹ ra để tháo dây buộc tay và chân con. Mẹ hét lên: “Tránh xa con tôi ra”. Ba đi sau mẹ, chạy lại giữ lấy con. Mẹ ôm con xuống sân. Mẹ đau đớn. Người con nhiều vết thâm, con khóc, con ôm chặt lấy mẹ, mẹ đau đớn tới quặn thắt... Họ không hiểu được nỗi đau này của mẹ, nỗi đau mà tới giờ nghĩ lại mẹ vẫn thấy thật kinh hoàng, mẹ sẽ không thể nào quên. Còn con liệu có cách nào để xóa đi được những tổn thương mà họ đã gây ra...” - những dòng chia sẻ đẫm nước mắt của chị Đinh H., mẹ của bé L. trên Facebook.
Đó là một trong những vụ việc nổi cộm gây rúng động dư luận trong thời gian vừa qua. Việc cho con đi trẻ vốn dĩ là một việc hết sức bình thường nay bỗng trở thành vấn đề đau đầu của các bậc làm cha làm mẹ, còn việc tới trường trở thành “nỗi ác mộng” của nhiều đứa trẻ.
Chị H. (tổ 8, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội) có con gái 3 tuổi từng bị bạo hành bức xúc chia sẻ: “Mới đầu, tôi không để ý đến những biểu hiện quấy khóc của cháu. Sau đó gần một tháng, khi thấy những vết bầm tôi mới nghi ngờ và bắt đầu tìm hiểu. Dù sự việc đã qua nửa năm, nhưng con gái tôi đến bây giờ vẫn sợ tắm, mỗi khi được mẹ đưa vào nhà tắm con vẫn khóc, vùng vẫy không muốn, nửa đêm cháu vẫn hay giật mình và khóc. Tôi nghĩ đó là hậu quả của việc cháu bị các cô giáo ở nhà trẻ phạt nặng nề, khiến tâm hồn non nớt của con bị tổn thương. Tôi đề nghị các cơ quan chức năng có biện pháp ngăn ngừa tình trạng bạo hành“.
Những ngày gần đây, dư luận tiếp tục ồn ào vì những vụ việc: cô giáo la mắng học sinh ngu như bò, các cô giáo trói chân trói tay ra đằng sau, đánh liên tục vào 2 tay, 2 má của học sinh, hay các cô giáo tát liên tục vào mặt học sinh vì không chịu ăn…
Không nhận trách nhiệm? Anh Tuấn (CT5, Xa La, Hà Đông) bức xúc: “ Con tôi chưa tròn 20 tháng tuổi, bố mẹ bận rộn công việc mới phải gửi con đi nhà trẻ sớm, hi vọng ở đó con sẽ được chăm sóc tốt. Không ngờ sau 1 tuần đi học vợ chồng tôi phát hiện nhiều vết bầm tím trên người con như vết véo, cấu, con về nhà chán ăn, khóc suốt, ốm ngặt ốm nghẽo. Ngay lập tức tôi cho con thôi học. May mà chúng tôi phát hiện sớm, không thì không lường được sự việc sẽ như thế nào. Tôi có lên làm việc với quản lý nhưng đến bây giờ vẫn chưa nhận được lời giải thích hợp lý, cũng không thấy bên nhà trẻ có hành động thiện chí nào”. |
Chị H. cho rằng thật khó để bào chữa cho hành động của những giáo viên này. Bởi lẽ, việc giáo viên phạm lỗi với học sinh một phần do lỗi gián tiếp và trực tiếp. Gián tiếp có thể do ngoại cảnh tác động, do công việc căng thẳng, do áp lực trong môi trường giảng dạy, trong cuộc sống đời thường cơm áo gạo tiền, những khó khăn cá nhân… Tuy nhiên, cốt lõi vẫn là bản thân của người giáo viên có vấn đề. “Nếu giáo viên đó bình tĩnh lắng nghe, hiểu tâm lý các em và mềm mỏng uốn nắn để giảng dạy, xác định được vai trò quan trọng của người giáo viên, thay vì dùng uy quyền để bạo hành thì sẽ không có những sự việc đáng tiếc đó” - chị H. nói thêm.
Đứng trước nhiều bất cập trong giáo dục như hiện nay, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận Nguyễn Thị Phúc phát biểu trong kì họp Quốc hội thứ X: “Nạn bạo hành của các cô giáo đối với những đứa trẻ còn ngây thơ, trong trắng... ở một số trường mầm non thấy mà đau đớn, xót xa. Vì vậy, tôi đề nghị bổ sung thêm hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm trên lĩnh vực giáo dục trong số các lĩnh vực cần phải được hết sức quan tâm, để các ngành các cấp có sự nỗ lực cao hơn trong công tác quản lý và đưa ra các giải pháp có hiệu quả hơn nhằm hạn chế đến mức tối đa các loại tội phạm có thể xảy ra ở lĩnh vực này”.
Chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ cũng nhìn nhận, có những giáo viên không thể kiểm soát được sự giận dữ của mình mà lại “xả” hết cho học sinh, đó là một việc không thể chấp nhận được, bởi sẽ ảnh hưởng rất nặng nề đến tâm lý của các em. Có những giáo viên không biết cách kiềm chế cảm xúc, không biết cách giúp đỡ học sinh hiểu được bài hay nghe theo lời chỉ dạy, và quá bất lực khi không tìm được phương pháp khác hòa bình hơn trong cách ứng xử, giao tiếp, đưa học sinh vào khuôn phép. Đây cũng có thể là hệ quả của việc giáo dục thụ động, cô nói gì nghe nấy, cãi lại, phản biện lại, nói lên chính kiến của mình có nghĩa là không ngoan. Và chính quan niệm sai lầm này tạo thành rào cản cho sự phát triển của trẻ cũng như những áp lực vô hình khiến giáo viên có những hành động sai trái.
“Trường học là cái nôi để nuôi dưỡng tâm hồn, khi thầy cô làm như vậy sẽ làm mất đi khát vọng, ham muốn đến trường của con trẻ. Những thầy cô hay chửi mắng trách phạt vô lý sẽ để lại ký ức xấu về thời gian đi học cho học sinh sau này", bà Huệ cho biết thêm.