Theo Sở Y tế Đồng Nai, tỉnh có 170 trạm y tế xã, phường; trong đó nhiều trạm không có bác sĩ làm việc tại chỗ mà phải điều bác sĩ từ các trung tâm y tế xuống hỗ trợ, làm việc cơ động.
Trạm y tế xã Hưng Lộc (huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) đã xây dựng được 22 năm, cơ sở vật chất đã xuống cấp nghiêm trọng. Trạm hiện có 8 biên chế phục vụ hơn 17.000 dân. Trước dịch COVID-19, mỗi ngày trạm khám, điều trị cho hơn 10 bệnh nhân và thực hiện các chương trình mục tiêu y tế quốc gia như tiêm ngừa, phòng, chống dịch bệnh. Từ giữa năm 2021 đến nay, bác sĩ duy nhất của trạm nghỉ việc vì lý do sức khỏe, cũng từ đó, trạm không còn khám, chữa bệnh mà chỉ thực hiện công tác y tế dự phòng.
Anh Nguyễn Anh Trực, ngụ xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất cho biết, trạm y tế đã xuống cấp nghiêm trọng, cơ sở vật chất không đáp ứng đủ điều kiện để khám, chữa bệnh. Trạm cũng không có bác sĩ làm việc nên chúng tôi chỉ đưa con tới đây để tiêm phòng thôi. Nếu có bệnh thì phải đưa lên bệnh viện tuyến trên, anh Nguyễn Anh Trực chia sẻ.
Bà Phạm Thị Điệp, phụ trách Trạm y tế xã Hưng Lộc cho biết, do cơ sở vật chất của trạm y tế xuống cấp và lương thấp nên khoảng 4 năm trở lại đây, trạm không tuyển được bất cứ nhân viên y tế nào. Là người gắn bó với trạm lâu nhất nhưng tổng thu nhập của bà cũng chỉ 8 triệu đồng/tháng. Yêu nghề nên bà mới gắn bó chứ với mức thu nhập này chỉ đủ sống, nếu có sự cố gì trong cuộc sống sẽ không đủ.
Ngay cả những trạm y tế khang trang, được đầu tư cơ sở vật chất sạch đẹp cũng vắng bóng bệnh nhân tới khám. Trạm y tế xã Xuân Bình, thành phố Long Khánh, Đồng Nai được đầu tư mới khang trang, đầy đủ các phòng chức năng nhưng vẫn không thu hút được người dân tới khám bệnh. Nguyên nhân là do từ đầu năm đến nay, trạm không có bác sĩ làm việc vì lương thấp và không có đãi ngộ đặc biệt cho nhân viên y tế tuyến trạm.
Chị Nguyễn Thị Phương (xã Xuân Bình, thành phố Long Khánh) cho biết, trước đây, mỗi khi thành viên trong gia đình mắc bệnh, gia đình thường đưa tới khám tại trạm y tế xã. Hiện nay trạm đã được đầu tư xây dựng mới nhưng lại không có bác sĩ. Do đó mỗi khi có người bệnh, gia đình chị sẽ đưa thẳng lên bệnh viện tuyến trên để khám và điều trị.
Theo bác sĩ Nguyễn Thế Vinh, Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ, Trung tâm y tế thành phố Long Khánh, tình trạng thiếu bác sĩ làm việc tại các trạm y tế đang diễn ra ở nhiều địa phương, nhất là những trạm y tế có cơ sở vật chất xuống cấp. Điều đáng lo ngại là trong những năm gần đây, nhiều trạm y tế không thu hút được bác sĩ về làm việc hoặc có người mới về do thu nhập thấp nên cũng nghỉ sau đó không lâu. Điều này tạo ra nhiều hệ lụy, trong đó nguy hiểm nhất là người dân không còn tin tưởng vào năng lực của các trạm y tế và gây quá tải cho các bệnh viện tuyến trên.
Trong cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng, các địa phương cần nâng cao năng lực của y tế cơ sở không chỉ cơ sở vật chất mà còn là nguồn nhân lực. Phải làm sao để cơ sở vật chất và đội ngũ nhân viên y tế tuyến cơ sở đủ sức chăm sóc sức khỏe cho người dân, giảm tải cho tuyến trên.
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh đề nghị HĐND, UBND tỉnh, Sở Y tế Đồng Nai cùng xem xét, bổ sung chính sách thu hút lực lượng thanh niên vào học các nghề y; chính sách thu hút đội ngũ y, bác sĩ, điều dưỡng vào y tế công có thực hiện hiệu quả và cần bổ sung thêm những chính sách gì để có thể đảm bảo y tế cơ sở đủ sức phục vụ người dân trên địa bàn tỉnh.