Giá nhà được tính thuế theo quy định pháp lý
Trường hợp nhà chung cư mới đưa vào sử dụng và đã qua sử dụng sẽ có mức thuế khác nhau. Ảnh minh họa: nguồn Tổng HUD. |
Theo ông Trường, giá đất được tính theo giá do UBND tỉnh, thành phố quy định. Giá nhà được tính theo suất vốn đầu tư do Bộ Xây dựng quy định. Nhà ở dành cho người có thu nhập thấp thường có diện tích từ 50 - 70 m2 và cao từ 5 - 10 tầng. Suất vốn đầu tư xây dựng cho nhà chung cư từ 5 - 7 tầng là 8.060.000 đồng/m2; từ trên 7 - 10 tầng là 8.300.000 đồng/m2”.
Giả sử một căn hộ cho người có thu nhập thấp với diện tích rộng 70 m2 trong căn chung cư 10 tầng, thì giá trị nhà làm căn cứ xác định thuế tài sản chỉ là 581.000.000 đồng, mặc dù giá căn nhà này có thể được bán từ 900 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng. Điều này cho thấy, người có thu nhập thấp không thuộc diện phải nộp thuế đối với nhà ở.
Với suất đầu tư trung bình 7 triệu đồng/m2 và một hộ gia đình ở trung bình 100 m2 theo mức phấn đấu của Chiến lược nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn 2030, thì ngưỡng giá trị không đánh thuế khoảng từ 700 triệu đồng đến 1 tỷ đồng là không đánh vào nhà ở của người có thu nhập từ trung bình trở xuống; không đánh thuế vào phần lớn nhà ở nông thôn và miền núi.
Còn chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh cho hay: Trong quá trình xây dựng dự thảo dự án Luật Thuế tài sản, Ban soạn thảo đã tính toán ngưỡng chịu thuế từ 700 triệu đồng để đảm bảo cho người thu nhập thấp có thể tiếp cận nhà ở và họ không phải là đối tượng chịu tác động của luật.
Theo lập luận của cơ quan dự thảo dự án luật tính diện tích bình quân đầu người nhân với suất đầu tư (giá thành xây dựng cho đơn vị diện tích nhà ở). Như vậy với 100 m2 trong 1 hộ gia đình thì trong ngưỡng đó không đánh thuế, trên ngưỡng đó thì chịu thuế.
"Điều này xuất phát từ cách hiểu tương đối khác nhau của ban soạn thảo và những phản hồi, liên quan đến nội dung ngưỡng giá trị nhà. Sự khác nhau ở đây là theo cách tính của dự thảo luật, đó không phải là giá mua, giá bán của căn hộ cụ thể, kể cả nhà thu nhập thấp, nhà ở xã hội, mà ở đây tính diện tích căn hộ đó nhân với suất đầu tư (do Bộ Xây dựng công bố) khoảng từ 7 - 10 triệu tùy theo từng phân loại nhà khác nhau”, TS Ánh nói.
Đề cập về thông tin trước đây, Bộ Tài chính có bàn tính đến việc thu thuế tài sản từ căn nhà, biệt thự thứ 2, thứ 3 trở lên để điều tiết thu nhập, giảm đầu cơ bất động sản, TS. Vũ Đình Ánh cho hay, đúng là trước đây chúng ta đã không ít lần bàn thảo về xác định căn nhà thứ 2, thứ 3. Mục tiêu chính của Luật Thuế tài sản lần này không phải là hạn chế đầu cơ bất động sản, mà căn cứ vào chức năng của thuế, tạo ra nguồn thu ngân sách nhà nước, phân phối lại thu nhập và điều tiết nền kinh tế. Việc giả định chống đầu cơ hay chống "bong bóng" bất động sản cũng chỉ là một nội dung nhỏ trong chức năng điều tiết nền kinh tế của luật thuế.
Theo Học viện Tài chính, thuế sử dụng đất nông nghiệp và thuế sử dụng đất phi nông nghiệp ở Việt Nam hiện chính là thuế tài sản đối với đất. Dự án Luật Thuế tài sản lần này chỉ bổ sung thêm đối tượng chịu thuế là nhà, ô tô, tàu bay và du thuyền. Pháp lệnh thuế nhà, đất trước đây cũng quy định tạm thời chưa thu thuế nhà. So với trước đây, thu nhập của các tầng lớp dân cư trong xã hội đã tăng nhiều. GDP bình quân đầu người của Việt Nam hiện nay đã thuộc nhóm nước trung bình trên thế giới ở mức khoảng 2.400 USD/người/năm. Trong xã hội đã xuất hiện một tỷ lệ khá lớn những người có thu nhập cao, có nhiều tài sản có giá trị.
“Đây là điều kiện chín muồi để ban hành Luật Thuế tài sản; qua đó, tăng cường điều tiết thu nhập của người giàu, góp phần đảm bảo công bằng xã hội và thúc đẩy sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả”, ông Trường nói.
PGS.TS Lê Xuân Trường chia sẻ thêm: Đánh thuế căn hộ/ngôi nhà thứ 2 không hợp lý, không công bằng bởi: Thứ nhất, diện tích của các căn hộ và ngôi nhà rất khác nhau, nên cùng một chung cư nhưng căn hộ 150 m2 có giá trị cao hơn hai căn hộ 60 m2; thứ hai, để đánh thuế công bằng thì phải đánh trên giá trị tài sản, giá trị lớn thì nộp thuế cao và ngược lại, nhưng giá trị của nhà không hoàn toàn phụ thuộc vào số lượng nhà, mà còn phụ thuộc vào vị trí nhà, loại nhà cao cấp hay bình dân.
Thuế tài sản không ảnh hưởng cơ hội sở hữu nhà của người dân
Theo Bộ Tài chính, đề xuất đánh thuế đối với nhà ở có thể làm giảm cơ hội sở hữu nhà của người dân, nhất là khi giá nhà đang gấp nhiều lần thu nhập trung bình của xã hội.
Tại Dự thảo Luật Thuế tài sản đang đưa ra lấy ý kiến, Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án tính thuế đối với nhà: Ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 1 tỷ đồng (tính theo suất vốn đầu tư xây dựng) và ngưỡng 700 triệu đồng.
Theo Bộ Tài chính, việc đánh thuế đối với nhà đã tính đến mức độ điều tiết, khả năng nộp thuế của người dân, chỉ điều tiết đối với nhà ở có giá trị lớn, trên ngưỡng không chịu thuế. Việc đưa ra ngưỡng không chịu thuế được tính toán để không điều tiết đối với những người sở hữu nhà ở có giá trị không lớn, có thu nhập thấp và trung bình; không điều tiết đối với nhà đơn sơ, nhà thiếu kiên cố, nhà ở cấp IV; không điều tiết đối với hầu hết nhà ở nông thôn, nhà ở cấp III.
Ngoài ra, tại dự thảo Luật Thuế tài sản quy định các trường hợp miễn, giảm thuế tài sản, nhằm thực hiện các chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với các đối tượng ưu đãi hoặc lĩnh vực khuyến khích đầu tư như: Miễn thuế đối với nhà ở của hộ nghèo, của thương binh, con liệt sỹ không được hưởng trợ cấp hàng tháng, nhà ở xã hội,...
Mục đích của việc xây dựng dự án Luật Thuế tài sản nhằm tăng cường quản lý nhà nước đối với tài sản, đồng thời có thêm nguồn lực đầu tư trở lại đất đai, điều tiết một phần thu nhập của tổ chức, cá nhân có nhiều tài sản nhà, đất, góp phần công bằng xã hội.