Tính đến 17 giờ ngày 15/10, ở Quảng Trị đã có 11 người bị thương do bão số 11 gây nên, trong đó có các huyện: Vĩnh Linh (4 người), Triệu Phong (4 người), Gio Linh (2 người) và Hướng Hóa (1 người); nhiều nhà dân bị sập đổ, xiêu vẹo và tốc mái; hàng trăm ha cây công nghiệp, cây hoa mầu bị gãy đổ.Ngư dân xã Gio Hải, huyện Gio Linh đưa thuyền lên bờ phòng chống cơn bão số 11. Ảnh: Hồ Cầu-TTXVN |
Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh cho biết đã xảy ra mưa lốc tại xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị khiến tuyến đê cát chắn sóng bị vỡ 5 đoạn với chiều dài hơn 1,5 km; tuyến kè Cửa Việt, huyện Gio Linh bị hư hỏng hoàn toàn hơn 3 km; tuyến kè Hậu Kiên, thị xã Quảng Trị hư hỏng hoàn toàn trên 30m dài cần xử lý khẩn cấp nếu không sẽ ảnh hưởng đến sự an toàn của công trình cũng như các hộ dân trong khu vực.
Ngoài ra, lượng mưa đo được ở nhiều nơi rất cao như Tà Rụt 310 mm, Khe Sanh 248 mm, Đakrông 228 mm, nước ở thượng nguồn đổ về mạnh nên lũ trên các sông Thạch Hãn, Hiếu, Bến Hải, Ô Lâu và Đakrông lên nhanh. Đặc biệt, sông Thạch Hãn, đoạn Đakrông nước dâng cao 33,48 mét (báo động 3).
Nước sông lên nhanh đã gây lũ, làm ngập lụt hàng trăm nhà dân ở một số xã vùng ven các con sông và huyện miền núi Đakrông; nhiều tuyến đường giao thông nông thôn, miền núi bị ngập lút, kênh mương thuỷ lợi bị xói lở…
Lũ lụt làm nhiều tuyến đường giao thông ở các xã vùng sâu bị chia cắt, ngập lụt nhiều đoạn như tuyến đường Ba Lòng , Tà Rụt , A Vao, A Ngo thuộc huyện Đa krông; nhiều điểm ngập sâu hơn 2 mét. Đặc biệt, nước sông Sê Pôn lên cao khiên nhiều nơi bị ngập sâu trong nước, chính quyền huyện Hướng Hóa đang tiên hành gấp rút di dời khoảng 5.000 hộ dân sống tại vùng Lìa đến nơi an toàn.
Xói lở đất do mưa lớn ở thượng nguồn đổ về đã làm hư hỏng nhiều tuyến đường trên hai huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông, gây ách tắc giao thông ở nhiều điểm.
Chủ tịch UBND huyện Đakrông cho biết: Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, mưa lớn, nước trên sông Đakrông lên nhanh do đó huyện tiếp tục di dời gần 1.000 hộ dân ở các vùng trọng yếu, ven sông, suối lên cao để tránh lũ như các xã Ba Lòng, Triệu Nguyên và vùng hạ lưu thủy điện Đakrông 3...
UBND tỉnh Quảng Trị đang tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương chủ động đề phòng lũ lụt xảy ra; di dời dân ở vùng thấp trũng, ven sông suối, vùng có nguy cơ sạt lở đất đến nơi an toàn; duy trì lực lượng, phương tiện tìm kiếm cứu nạn theo kế hoạch sẵn sàng ứng cứu khi cần thiết. Hiện toàn tỉnh đã sơ tán gần 3.100 hộ dân với 13.161 người ở các vùng ngập sâu, vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn.
Trần Tĩnh