Nhằm đưa ra những giải pháp để tháo gỡ, sáng 22/5, UBND thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị giải quyết khó khăn, vướng mắc đối với các đơn vị nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Đại diện hàng trăm đơn vị, doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đã đến dự để cùng các cơ quan chức năng tìm ra giải pháp hiệu quả cho tình trạng này.
Công ty cổ phần Lilama 3 (Khu công nghiệp Quang Minh, huyện Mê Linh, Hà Nội) có số nợ bảo hiểm lớn nhất thành phố là 33 tỷ đồng. Đại diện Công ty cho biết, số tiền nợ bảo hiểm phát sinh từ năm 2011, khi doanh nghiệp tham gia vào các dự án trọng điểm. Trong 33 tỷ đồng nợ đọng, có trên 50% là lãi suất phát sinh từ những năm trước để lại. “Chúng tôi đã được Chính phủ đồng ý tái cơ cấu và một công ty mua bán nợ đang thực hiện. Bước đầu, doanh nghiệp đã có những bước khởi sắc, một vài năm vừa qua chúng tôi đã cố gắng đóng số nợ phát sinh, quyết tâm không tạo ra những nợ mới”, đại diện Công ty cho biết.
Tuy nhiên, theo đại diện Công ty cổ phần Lilama 3, trước đây Công ty có 800 lao động, hiện chỉ còn 144 lao động. Bên cạnh việc chủ động khắc phục khó khăn, tìm kiếm việc làm, trả nợ bảo hiểm, thu hồi vốn tại các dự án trọng điểm còn đang vướng mắc, đại diện Công ty đề nghị Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội kiến nghị với Bảo hiểm xã hội Việt Nam xem xét để Công ty được khoanh nợ một phần do số nợ này là do “lịch sử để lại”.
Đặc thù hàng hóa cũng là một trong những lý do Công ty Trách nhiệm hữu hạn May mặc xuất khẩu VIT Garment (Khu công nghiệp Quang Minh, huyện Mê Linh, Hà Nội) đưa ra. Với 887 lao động, số nợ bảo hiểm của Công ty này tăng nhanh do số lượng người đóng bảo hiểm lớn, hơn 2 tỷ đồng/tháng.
“Công ty sản xuất hàng may mặc nên lao động đông, mặt hàng theo mùa vụ. Đầu năm thấp vụ, doanh nghiệp gặp khó khăn, đơn hàng ít, chi tiêu lại nhiều. Do đó, vào thời điểm đầu năm, chúng tôi không có tiền để nộp bảo hiểm. Chúng tôi chỉ có thể thực hiện tốt vào dịp cuối năm vì thời điểm này vào vụ, sản xuất tốt, doanh thu tốt, thanh quyết toán hàng hóa chủ yếu vào cuối năm. Công nhân của Công ty được mua bảo hiểm 100%, chúng tôi không chây ì, nhưng lại bị phụ thuộc vào tình hình sản xuất đặc thù của ngành kinh doanh”, đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn May mặc xuất khẩu VIT Garment chia sẻ.
Một vấn đề nữa cũng được doanh nghiệp này đề cập, đó là tình trạng “nhảy việc” thường xuyên của lao động ngành may mặc. Việc chốt sổ cho các công nhân này là rất khó khăn trong tình trạng doanh nghiệp vẫn đang nợ đọng bảo hiểm. Đại diện doanh nghiệp mong muốn được cơ quan bảo hiểm giúp đỡ, đồng ý cho thực hiện phương án tách đóng chế độ thai sản, tiếp tục cho doanh nghiệp kê khai, tách đóng số nợ bảo hiểm của những lao động đã nghỉ việc để giúp doanh nghiệp ổn định, đồng thời đảm bảo quyền lợi của người lao động. “Với cách tính như hiện nay, lãi chậm đóng bảo hiểm được tính chồng với lãi suất cao hơn cả lãi suất ngân hàng, thực sự khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn”, đại diện Công ty bộc bạch.
Khoanh lãi, không tính lãi chậm đóng hàng tháng để doanh nghiệp có lộ trình giảm dần tiền nợ đọng bảo hiểm, giảm bớt áp lực, tránh tình trạng phá sản không mong muốn cũng là mong mỏi của đại diện Công ty Cổ phần COMA 18 (quận Hà Đông, Hà Nội). Hiện Công ty này có 51 lao động, còn nợ trên 2,6 tỷ đồng tiền bảo hiểm.
Một số đơn vị, doanh nghiệp khối xây dựng cơ bản cũng cho rằng, hiện nay họ còn đang vướng mắc ở việc thanh quyết toán các công trình xây dựng sử dụng vốn ngân sách. Nhiều công trình đã đưa vào sử dụng, thậm chí là đã sử dụng đến trên 10 năm vẫn còn tồn hàng chục, hàng trăm tỷ đồng chưa thể thanh quyết toán do vướng mắc về chính sách. Do đó, chọn giải pháp nợ bảo hiểm đã được doanh nghiệp lựa chọn thay vì nợ lương công nhân và làm ảnh hưởng đến tiến độ của công trình.
Sau khi lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý cho rằng, tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tại các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội đang rất nóng. Nếu không tìm ra được giải pháp hữu hiệu thì chỉ tiêu giảm tỷ lệ nợ bảo hiểm xã hội năm 2019 xuống dưới 2% rất khó hoàn thành.
Ông Ngô Văn Quý đề nghị các đơn vị bảo hiểm xã hội của thành phố rà soát lại từng trường hợp còn nợ đọng, tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp này và trình văn bản để thành phố xem xét, quyết tâm tìm ra những giải pháp triệt để xử lý. Đồng thời, thành phố cần tăng cường tuyên truyền chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, đôn đốc, nhắc nhở các doanh nghiệp đóng bảo hiểm cho người lao động, đặc biệt cần thông tin rộng rãi các doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm trên các phương tiện thông tin đại chúng. “Các đơn vị, doanh nghiệp, người sử dụng lao động cần phải đặt quyền lợi của người lao động lên trên hết. Có đảm bảo quyền lợi của họ, doanh nghiệp mới phát triển ổn định, bền vững được”, ông Ngô Văn Quý nhấn mạnh.
Theo số liệu của Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội, tính đến hết tháng 4/2019, số thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là trên 12.200 tỷ đồng, tăng trên 1.400 tỷ đồng, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2018, đạt gần 29% kế hoạch. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế toàn thành phố đạt gần 87% với trên 6,7 triệu người tham gia.
Số đơn vị nợ tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của toàn thành phố tính đến hết tháng 4/2019 là 37.557 đơn vị với 559.629 lao động. Số tiền nợ phải tính lãi là gần 2.100 tỷ đồng, tăng 1.105 tỷ đồng so với tháng 12/2018. Trong đó, nợ dưới 3 tháng là 987 tỷ đồng, nợ từ 3 - 6 tháng là 342 tỷ đồng, nợ từ 6 - 12 tháng là 115 tỷ đồng, nợ từ 12 đến dưới 24 tháng là 150 tỷ đồng và nợ trên 24 tháng là 489 tỷ đồng.