Khác hẳn với không khí im lìm ở các trung tâm mua sắm đắt đỏ; không cần bảng hiệu phô trương lòe loẹt, những con phố “hàng đổ” (hàng đổ thành từng đống ra tấm bạt), khu “chợ trời” (hàng treo giá ngoài trời) trên đất Cố đô lại hút khách một cách kỳ lạ khó tưởng. “Hàng chuyển về bao nhiêu là hết bấy nhiêu, nhiều khi không có hàng để mà bán, tiếc đông, tiếc tây” - Chị Nguyễn Thị Hà, chủ quầy “hàng đổ” trên đường Đinh Tiên Hoàng (TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) vui vẻ nói.
Đi “chợ trời” náo nhiệt nhất đất thần kinh
Hôm nào cũng vậy, cứ độ 3 giờ chiều là các chủ “shop” chuyên bán đồ bành trước chợ mặt chợ Tây Lộc (đường Nguyễn Trãi, phường Tây Lộc, TP Huế) lại treo giá bày hàng, chuẩn bị đón “bầy ong đi hút mật”. Vừa đặt chân đến đầu chợ, chúng tôi đã cảm nhận được không khí bán mua giữa mùa đông bắt đầu ấm dần. “Lựa đi mấy em, lựa đi, lựa đi… áo sơ mi ba chục, quần bò năm chục, xà lỏn mười ngàn, mua nhiều giảm giá” – không cần nói nhiều, chỉ một câu rao mào đầu của một chủ “shop” quần áo ở đây cũng đủ kích thích “bầy ong” nhanh chân ùa đến. Từ già trẻ đến gái trai, có khi cả đại gia đình cùng dắt nhau đến “chợ trời” này mua sắm. Họ đến đây để “săn” hàng “độc”, rẻ, chứ không dễ đụng hàng như những đồ hàng hiệu ở các siêu thị, chợ lớn. “Mình hay đến đây mua đồ lắm, không những mẫu mã phong phú, chủng loại đa dạng mà nhiều mặt hàng ở đây tìm trong các chợ khác không dễ gì có” – em Nguyễn Thị Huyền, sinh viên trường Đại học Nông Lâm Huế thổ lộ. Rảo quanh một vòng, chúng tôi mới biết hàng ở “chợ trời” này chẳng thiếu thứ gì, từ quần áo, giày dép, mũ nón, thắt lưng đến ba lô, túi xách, mắt kính… được treo lên giá hoặc đổ thành từng đống cao ngút trên tấm bạt. Tuy nhiên, vì là hàng “second hand” nên chúng đều có chung tiêu chí là giá cực “mềm”. Vì thế, dù cho “bão giá” cỡ nào “chợ trời” này cũng “đủ sức” đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng khó tính.
“Chợ trời” Tây Lộc đông nghịt người.
Một góc "chợ trời" là nơi mua sắm của phụ nữ. |
|
Càng về chiều cảnh mua bán diễn ra với không khí càng náo nhiệt, từng dòng người không ngừng đổ vào chen lấn chọn lựa. Kẻ phân bua trả giá rôm rả, người lượn qua đảo về tựa như một bức tranh “hội chợ” sôi động đầy sắc màu. Em Trần Thị Thanh (17 tuổi, phường Thuận Hòa) đang đứng loay hoay mãi bên “shop” hàng mặc mùa lạnh nhưng vẫn chưa mua được chiếc mũ len cho mình. “Em đến hơi trễ nên khó chen vào quá! Đông thế này” – Thanh nhăn mặt. Cao điểm nhất vẫn là lúc 5 giờ chiều, “bầy ong hút mật” nơi đâu “kéo” đến đông không tưởng nổi. Chẳng mấy bận tâm, anh bạn đi cùng tôi liền giải thích: “Những người này toàn đi làm hết chứ mô! Rời công ty hay tan sở là họ tranh thủ “phóng” đến đây mua đồ cho rẻ ấy mà. Họ chỉ có đi giờ này thôi chứ những giờ khác đều bận việc cả”. Ngạc nhiên thay, ngoài những người có thu nhập thấp, lương ba cọc ba đồng, “chợ trời” này còn thu hút cả những người có thu nhập khá, dư dả, thậm chí cả những đại gia cũng lui ra quẩn vào. “Thời “bão giá” mà, ra chợ sờ cái gì cũng “bốc” giá, ai cũng ngán. Vả lại, tâm lý chung của nhiều người trước giờ vẫn thích mua hàng giá “mềm” nhưng chất lượng không tồi. Tôi nghĩ nhiều hàng may mặc ở đây chả thua gì hàng shop, nếu biết chọn lựa một tí thì ta cũng dễ dàng sở hữa một bộ áo quần vừa ý. Chí ít, nó vẫn hơn những thứ hàng xa xỉ nhưng chất lượng cứ hư hư, thực thực làm mình không biết đâu mà lần” – anh Quân, làm việc tại một công ty máy tính trên địa bàn thành phố Huế kể rất thực lòng. Và “chợ trời” cứ thế nhộn nhịp cho đến khi thành phố lên đèn.
Kỳ thú phố “hàng đổ”
Khác hẳn với “chợ trời” Tây Lộc, những con phố “hàng đổ” chỉ hoạt động vào ban đêm. Thêm nữa, hàng ở đây hẳn là hàng nguyên shop chưa qua sử dụng và được các chủ quầy chọn lọc kỹ càng. Vì thế, những con phố này hầu như chỉ dành cho thanh thiếu niên, mà đặc biệt là chị em phụ nữ hơn là cánh đàn ông. Thực vậy, vừa đặt chân đến phố “hàng đổ” trên đường Đinh Tiên Hoàng (phường Thuận Thành) chúng tôi liền bị một chủ quầy ở đây trêu chọc: “Lạ nghen, đi đâu mà lạc vào đây vậy hèo”. Chưa đủ, nhiều chị em đứng bên cạnh cũng tỏ vẻ ngạc nhiên cười tủm tỉm. Theo quan sát, toàn bộ hàng may mặc ở phố này đều không được treo lên giá mà bày thành từng lớp, sắp la liệt trên vỉa hè. Chủ quầy nào cũng đặt giữa “shop” mình một chiếc đèn neon sáng rực. Có điều lạ, hàng ở đây mẫu mã rất đa dạng, lắm đồ kiểu, rất hợp với giới trẻ nhưng giá cả lại rất “dễ thở”. Sau một hồi xáo lên, đảo xuống, em Tâm (học sinh lớp 12, trường THPT Nguyễn Huệ) đã chọn được cho mình chiếc áo cổ lọ vừa ý với giá 30 ngàn đồng. “Em thấy nhiều đồ mặc ở đây rất hợp với mình mà giá cả lại phải chăng nên rất hay đến đây mua sắm” – Tâm bộc bạch. Nằm lòng sở thích ăn mặc ngày một sành điệu của nhiều bạn trẻ, các chủ quầy “hàng đổ” cũng dần “cải tiến” phong cách phục vụ. “Lúc trước tôi lấy hàng theo kiểu “thừa hơn thiếu” nhưng nay vì tôi ưu tiên hàng “độc” nên bán hôm nào “trôi” hôm ấy, không còn chuyện tồn đọng” – chị Lê Thị Minh, một chủ quầy “áo quần đổ” trên đường Đinh Tiên Hoàng tiết lộ. Đáng chú ý là không ít những mặt hàng may mặc ở đây lại đến từ nhiều nước trên thế giới như Trung Quốc, Ôxtrâylia, Canađa, Hàn Quốc… Đây là những quốc gia nổi tiếng với phong cách ăn mặc “rất mốt” khiến không ít người Việt Nam, đặc biệt là các bạn tuổi teen “học theo”.
Thoát khỏi “thế giới” phụ nữ, chúng tôi lại tìm đến phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu (bên sông Hương) để tiếp tục đắm chìm vào không khí của “đêm hội” mua sắm “hàng đổ”. Lợi dụng đây là điểm hóng mát lý tưởng của nhiều người nên trời vừa nhá nhem tối, hàng chục bao tải đồ bự chảng nhanh chóng được các chủ bán dùng xe máy chuyển đến. Chỉ mới 7 giờ tối nhưng con phố này đã chật ních người qua lại. Bên cạnh các “shop” hàng may mặc giá rẻ, nhiều người dạo chơi trên phố này còn bị cuốn hút bởi các món đồ lưu niệm, những con thú nhồi bông hay những bức tranh thư pháp được bày bán la liệt trên vỉa hè đến tận 10 giờ đêm. Tôi đang loay hoay bên chiếc máy ảnh và cuốn sổ ghi chép thì người bạn đi cùng tôi thoáng một cái đã biến đâu mất, phải dùng điện thoại liên lạc mãi mới tìm ra. Vừa gặp nhau nó đã khen rôm rốp: “Đồ đẹp quá, thích thật, hôm sau “cù” mình đi nữa nhé!”. Tôi nghĩ nó bị những món đồ ở đây “bỏ bùa mê”.
Bài, ảnh: Nguyễn Phước Tín