Đại dịch COVID-19 được ví như trận “cuồng phong” hoành hành toàn cầu trong thời gian qua đã tàn phá mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội. Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác đã phải trải qua những tháng ngày khó khăn chiến đấu chống lại “giặc COVID-19”. Góp phần không nhỏ trong cuộc chiến cam go này là những nữ “chiến binh” dũng cảm, không quản ngày đêm, cống hiến hết mình vì sự bình an của nhân dân
Những cống hiến thầm lặng bằng trái tim nhân ái
Bệnh viện Y học cổ truyền (Bộ Công an) là một trong những đơn y tế đầu tiên xung phong đi vào tâm dịch để hỗ trợ các đồng nghiệp trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, cũng như cứu chữa các bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 ngay từ đầu tháng 4/2021 khi Bắc Giang xuất hiện ổ dịch.
Khi dịch bùng phát tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, đội ngũ y, bác sỹ Bệnh viện Y học cổ truyền lại tiếp tục tình nguyện lên đường, mang theo trọng trách của những lương y và tinh thần yêu nước, tương thân, tương ái. Trong suốt thời gian qua, những chiến sỹ áo trắng này đã tiếp xúc và cứu chữa cho hàng nghìn bệnh nhân vượt qua dịch bệnh, trở lại cuộc sống bình thường.
Trung tá Phùng Thị Hải Vân, Phó trưởng Khoa nội 4 (Bệnh viện Y học cổ truyền, Bộ Công An) cho biết, trong số các y bác sỹ của bệnh viện xung phong đi vào vùng dịch có gần 300 hội viên Hội phụ nữ. Nhiều chị em đã để lại con thơ, cha mẹ già yếu để cùng các đồng nghiệp lên đường chống dịch.
Theo Trung tá Phùng Thị Hải Vân, đã có rất nhiều khó khăn bất ngờ xảy ra trong khi làm việc, do không mường tượng được mức độ diễn biến của dịch bệnh. Các chị đã phải mặc trên người bộ đồ bảo hộ trong tiết trời nắng nóng trên 40 độ trong suốt 4 - 6 tiếng/ca. Có những đồng đội không chịu được, ngất đi, nhưng với lý trí và tinh thần quyết tâm, các đồng chí đã khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
“Sau những mệt mỏi, chúng tôi lại tiếp tục đi lấy mẫu, làm xét nghiệm truy vết, tham gia vào công tác chống nhiễm khuẩn của địa phương và điều trị trực tiếp cho các bệnh nhân ở bệnh viện dã chiến với muôn vàn khó khăn về cơ sở vật chất, về trang thiết bị. Bên cạnh công tác điều trị, chúng tôi vẫn luôn chú ý để đảm bảo đúng quy trình, kỹ thuật công tác chống nhiễm khuẩn để tránh lây chéo”, Trung tá Phùng Thị Hải Vân chia sẻ.
Một điều đặc biệt, đó là ngoài việc xung phong đi vào tâm dịch cứu người, tập thể nữ bác sỹ của Khoa Chống nhiễm khuẩn đã trăn trở, nghiên cứu, sáng chế ra “Bộ quần áo chống sốc nhiệt” và sau đó đã được sử dụng rộng rãi, được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.
Không chỉ vậy, đội ngũ nữ cán bộ của bệnh viện còn có nhiều nghiên cứu, sáng tạo ra những sản phẩm hỗ trợ tốt cho công tác phòng, chống dịch bệnh như cải tiến buồng lấy mẫu đảm bảo an toàn, tiết kiệm, hiệu quả tránh lây nhiễm; điều chế các sản phẩm hỗ trợ như viên nén Bạch địa căn, siro viêm họng, siro bổ phế… Đặc biệt, đội ngũ y, bác sỹ ở đây đã nghiên cứu ra bài thuốc điều trị cho bệnh nhân F0 tên là “Ngọc bình phong gia vị xuyên tâm liên”, có tác dụng nâng cao thể trạng, làm giảm sự nhân đôi của virus SARS-CoV-2. Trung tá Phùng Thị Hải Vân cho biết, việc bài chế thuốc này đòi hỏi rất cao về chuyên môn, sự kiên trì và tinh thần đoàn kết. Đây cũng là sản phẩm được Bộ Công an giao cho bệnh viện tiếp tục nghiên cứu và sử dụng rộng rãi hơn nữa.
Với những nỗ lực cống hiến hết mình, Hội Phụ nữ Bệnh viện Y học cổ truyền (Bộ Công an) đã được Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trao tặng Giải thưởng phụ nữ Việt Nam năm 2021.
Trước khi trở thành một trong 10 cá nhân tiêu biểu được vinh dự nhận Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2021, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Thị Ngọc Thảo – Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy đã được nhiều người biết đến và rất trân quý vì những đóng góp của bà cho nền y học nước nhà.
Đặc biệt, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Thị Ngọc Thảo đã có công lớn trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian qua với tư cách là thành viên Tổ hội chẩn chuyên môn điều trị bệnh nhân nặng thuộc Trung tâm Chỉ đạo, quản lý, điều hành hội chẩn trực tuyến điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng của cả nước.
Trước đó, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Thị Ngọc Thảo cũng đã nổi tiếng và được giới chuyên môn đánh giá cao với đề tài khoa học “Nghiên cứu ứng dụng một số kỹ thuật lọc máu hiện đại trong cấp cứu, điều trị một số bệnh" mang lại nhiều hiệu quả và tính ứng dụng cao.
Thành công của đề tài nghiên cứu khoa học này đã giúp ngành hồi sức cấp cứu cứu sống nhiều bệnh nhân tưởng như không còn hy vọng sống, góp phần làm giảm sự tiến triển của suy đa tạng, giảm chi phí chữa bệnh cũng như thời gian nằm viện của bệnh nhân. Đề tài đã đạt Giải thưởng Nhà nước về nghiên cứu khoa học và ứng dụng...
Hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gặp khó khăn do đại dịch COVID-19
Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga cho biết, thời gian qua, phụ nữ cả nước đã phát huy tinh thần làm chủ, truyền thống “tương thân, tương ái”, tích cực tham gia các hoạt động phòng chống dịch bằng tất cả khả năng và thế mạnh riêng của giới mình. Nhiều nữ y bác sỹ đã tạm gác việc riêng, gửi con cho bố mẹ để lên tuyến đầu chống dịch. Đông đảo hội viên, phụ nữ thầm lặng, bằng trái tim nhân ái đã sáng tạo ra hàng nghìn cách làm hay, mô hình hiệu quả chống dịch như “siêu thị 0 đồng”, “đi chợ hộ”, “bếp cơm nhà Hội”, chuyến xe yêu thương đưa đón phụ nữ sau khi sinh… Theo tổng hợp của Trung ương Hội, đến nay đã có 16 tỉnh/thành phố tổ chức nhiều chuyến xe và chuyến bay đưa 2.449 phụ nữ mang thai và 2.033 trẻ em từ tâm dịch trở về quê.
Không chỉ chăm lo cho hội viên, phụ nữ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, lao động nữ di cư mất việc làm, các cấp Hội phụ nữ và các tổ chức thành viên là Hội Nữ trí thức, Hội nữ doanh nhân còn đẩy mạnh kết nối, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
Đặc biệt Hội phát động chương trình “Triệu phần quà san sẻ yêu thương”, “Phụ nữ cả nước vì miền Nam ruột thịt”, chung tay chia sẻ, tiếp sức với các tỉnh/thành phố có dịch. Đến nay, các cấp Hội đã vận động được trên 148 tỷ đồng tương đương gần 500 nghìn phần quà với nhiều nhu yếu phẩm đáp ứng nhu cầu giới đặc thù của chị em. Các cấp Hội cũng đang triển khai chương trình “Mẹ đỡ đầu” hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi do dịch COVID-19.
Phát biểu tại buổi gặp mặt đại diện tiêu biểu các tầng lớp phụ nữ Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Đảng, Nhà nước ghi nhận những cống hiến và vai trò to lớn của phụ nữ Việt Nam qua các thời kỳ. Nhân dân biết ơn đức hy sinh cao cả của các Mẹ Việt Nam Anh hùng, những người mẹ đã sinh ra và nuôi dưỡng những thế hệ anh hùng của đất nước anh hùng.
Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, trong thực tế chúng ta cũng còn nhiều việc phải làm để mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn, để phụ nữ có cơ hội, điều kiện đóng góp cho xã hội, cho đất nước. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan rà soát lại toàn bộ chính sách đối với phụ nữ, trẻ em; phạm vi chính sách nào thuộc thẩm quyền Chính phủ thì Chính phủ sẽ giải quyết. Trước mắt khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị quyết về một số chính sách hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định…
Có thể thấy, truyền thống nhân hậu, đảm đang, trí tuệ và cống hiến luôn tỏa sáng trong mỗi người phụ nữ Việt Nam. Tinh thần ấy luôn lan tỏa, ấm áp trong mỗi gia đình, mỗi góc phố, xóm thôn, bản làng để tạo nên bức tranh đẹp, giàu bản sắc riêng của phụ nữ Việt Nam, góp phần xây dựng quê hương ngày giàu đẹp, đất nước ta hùng cường và thịnh vượng.