Niềm vui của người dân vùng rốn lũ Quảng Nam

Với nguồn vốn đầu tư trên 24 tỷ đồng, kè chống sạt lở thôn Phú Đa khi đưa vào sử dụng có khả năng nắn dòng chảy ra giữa sông, tạo dòng chảy thông thoáng, như vậy sẽ hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng sạt lở ở hai bên bờ sông trong mùa mưa lũ...

Sông Thu Bồn có lưu vực đầu nguồn rộng lớn và dòng chảy có độ dốc cao. Khi đổ về xuôi, dòng nước sông này tạo thành những vùng rốn lũ ở những khu vực thấp trũng, thuộc các huyện Đại lộc, Duy Xuyên và thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam trong mỗi mùa mưa lũ, khiến nhiều nơi bị cô lập với bên ngoài. 

Không dừng lại ở đó, dòng chảy mạnh của sông Thu Bồn còn gây ra tình trạng sạt lở ở nhiều nơi, làm mất đất sản xuất, đe dọa đến nhà ở và tính mạng của người dân ở nhiều nơi trong mỗi mùa mưa lũ. Để chung sống với lũ, đảm bảo an toàn tuyệt đối về người, giảm tối đa thiệt hại về đất đai, nhà cửa, hoa màu của người dân, giải pháp hiệu quả nhất vẫn là xây dựng các tuyến đê, kè hoặc mỏ hàn ở những điểm xung yếu, nhằm hạn chế tình trạng sạt lở ven sông.

Nhìn những bụi tre cuối cùng còn sót lại và cũng có thể bị trôi tuột xuống sông bất cứ lúc nào trong mùa mưa lũ sắp tới, ông Nguyễn Ngọc Hải (ở thôn Phú Đa, xã Duy Thu, huyện Duy Xuyên) tiếc nuối: "Đây là hình ảnh cuối cùng về một bờ tre dày đặc, có nhiệm vụ bảo vệ cho hàng trăm hộ gia đình ở thôn Phú Đa, được người dân chúng tôi hết lòng gìn giữ nhưng đã bị nước lũ gây sạt lở và cuốn trôi trong những mùa mưa lũ trước".

Trước đây, cách dòng nước sông Thu Bồn là một bãi cát nhỏ, phía trong bãi cát là những hàng tre dày đặc, kiên cố, sau cùng mới đến đất canh tác và nhà ở của người dân trong vùng. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, dòng nước sông Thu Bồn trở nên xiết hơn và hướng dòng chảy về phía nhà ở, đất canh tác của người dân. Bờ tre rậm rạp ngày trước, bây giờ đã biến mất. "Bờ tre bị mất đi, người dân khu vực này luôn sống trong nỗi lo âu khi mùa mưa lũ đến. Bây giờ được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng tuyến bờ kè này, chúng tôi yên tâm lắm", ông Hải nói thêm.

Theo Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Duy Thu Lê Thị Thanh Hằng, để bảo vệ an toàn cho người dân thôn Phú Đa, bảo vệ hàng trăm ha đất canh tác cùng tuyến đường huyết mạch nối huyện miền núi Nông Sơn với bên ngoài trong mùa mưa bão, một tuyến kè sông kiên cố, gồm 14 mỏ hàn, thân mỏ hàn bằng đá hộc, nơi rộng nhất 8 m, với tổng chiều dài hơn 1.400 mét, có nhiệm vụ chống sạt lở đang được khẩn trương xây dựng và sẽ hoàn thành những hạng mục chính trước mùa mưa lũ năm nay. Có tuyến kè này, các gia đình ở thôn Phú Đa và đất sản xuất của người dân sẽ được an toàn, không còn lo sạt lở nữa.

Chỉ huy trên công trình, kỹ sư Nguyễn Ngọc Thơi cho biết, với nguồn vốn đầu tư trên 24 tỷ đồng, kè chống sạt lở thôn Phú Đa có kết cấu gồm 14 mỏ hàn, có gốc bám theo tuyến đường bờ sông tự nhiên, thân mỏ hàn bằng đá hộc và được bố trí một lớp đệm chống xói lở bằng rọ thép, lõi đá hộc. Khi đưa vào sử dụng, tuyến kè có khả năng nắn dòng chảy ra giữa sông, tạo dòng chảy thông thoáng, như vậy sẽ hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng sạt lở ở hai bên bờ sông trong mùa mưa lũ. Đơn vị thi công đang huy động hàng chục phương tiện, thiết bị, hàng trăm công nhân lên hiện trường, tập trung thi công hoàn thiện các hạng mục chính vào trước mùa mưa lũ năm nay.

Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Duy Xuyên Trần Huy Tường chia sẻ, tác động của biến đổi khí hậu đã gây ra tình trạng diễn biến thiên tai ngày càng bất thường và cực đoan, gây lũ quét, sạt lở đất ở nhiều khu vực ven sông, ven biển ngày càng nghiêm trọng. Trước và trong mỗi mùa mưa bão, các cơ quan chức năng của địa phương thường xuyên kiểm tra, rà soát các khu dân cư ở vùng ven biển, ven sông, vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất để thực hiện sơ tán, di dời nhân dân đến nơi an toàn khi có các tình huống xấu xảy ra nhưng vẫn không thể nào lường hết mọi thiệt hại do thiên tai gây ra.

Điển hình như trong mùa mưa lũ năm 2020, cùng với tình trạng sạt lở ven sông xảy ra ở nhiều nơi, cống xả đập thủy lợi Cát Bầu, thôn Mỹ Sơn, xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên bị vỡ. Gần 90.000 m3 nước trong hồ tràn xuống, gây ngập hơn 1 m cho trên 20 nhà của các gia đình phía dưới chân đập. Tuy không có thiệt hại về người, song vụ vỡ đập này gây thiệt hại nặng về tài sản của nhân dân.

Cũng theo ông Tường, việc xây dựng các tuyến đê kè nhằm ngăn chặn tình trạng sạt lở ven sông, ven biển là hết sức cần thiết để bảo vệ tính mạng người dân, tài sản của Nhà nước và của nhân dân. Tuy nhiên, để chung sống hài hòa, bền vững với thiên nhiên trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, các quy hoạch vùng cấp huyện, quy hoạch khu chức năng, quy hoạch chung các đô thị, khu dân cư từ đồng bằng, ven biển đều phải đáp ứng, đặt lên hàng đầu các tiêu chí thích nghi với biến đổi khí hậu. Theo đó, quá trình sắp xếp lại các khu dân cư ở những vùng ven sông, ven biển, nhất là những vùng rốn lũ phải thực hiện theo hướng quy hoạch liên vùng, liên huyện, nâng cao năng lực thích ứng của cộng đồng và phòng tránh thiên tai hiệu quả.

Đoàn Hữu Trung (TTXVN)
Hồi sinh ở vùng 'rốn lũ' Quảng Trị
Hồi sinh ở vùng 'rốn lũ' Quảng Trị

Đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 là tròn 100 ngày người dân vùng “rốn lũ” ở tỉnh Quảng Trị bắt tay vào công cuộc tái thiết sau “cơn đại hồng thủy” xảy ra hồi tháng 10/2020.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN