Nỗ lực khôi phục khu Tràm chim ở cửa sông Ô Lâu

Khu vực cửa sông Ô Lâu là vùng ngập nước nằm trong hệ thống đầm phá Tam Giang - Cầu Hai (Thừa Thiên-Huế), hệ thống đầm phá lớn nhất khu vực Đông Nam Á.

Khu vực này có nhiều cồn nổi, lạch sông, cùng hệ sinh thái phong phú, từng là nơi trú ngụ của nhiều loài chim bản địa và các loài chim di cư quý hiếm từ vùng Siberi. Tuy nhiên, trải qua thời gian, quá trình khai hoang phục hóa để sản xuất của người dân địa phương đã tác động, làm biến đổi môi trường tự nhiên, khiến cho số lượng chim tại đây bị suy giảm nghiêm trọng. Trước thực tế này, tỉnh Thừa Thiên-Huế đang giao cho các ngành chức năng nghiên cứu, khảo sát để khôi phục khu Tràm chim ở cửa sông Ô Lâu.

Những đàn chim trong ký ức

Gần cả cuộc đời gắn bó mưu sinh với sông nước ở khu vực cửa sông Ô Lâu bằng nghề đánh cá, ông Nguyễn Hiếu ở xã Quảng Thái, huyện Quảng Điền (Thừa Thiên-Huế) nắm rõ như lòng bàn tay từng con nước lên xuống hằng ngày nơi đây. Trong ký ức của lão ngư dân đã ngoài 70 tuổi này, thời điểm đẹp nhất ở khu vực cửa sông là sáng sớm - khi từng đàn chim từ các lùm cây cùng nhau vỗ cánh bay lên rợp trời để bắt đầu ngày mới đi kiếm ăn và khi chiều tà, tiếng chim gọi nhau bay về tổ vang vọng khắp vùng. Số lượng cá thể các đàn chim lên tới hàng ngàn con, nhất là vào thời điểm tháng Sáu, tháng Bảy Âm lịch khi chim di cư bay về, trong đó có nhiều loài quý hiếm như vịt đầu vàng, mòng két, sâm cầm, choắt chân đỏ, ngỗng trời…

Chú thích ảnh
Khu vực cửa sông Ô Lâu nằm trong quy hoạch xây dựng khu Tràm chim của tỉnh Thừa Thiên-Huế. 

Tuy nhiên, đó là câu chuyện cách đây hơn chục năm, còn hiện tại những bãi sình lầy từng là nơi kiếm thức ăn của chim đã được người dân cải tạo thành đồng ruộng, ao, hồ nuôi trồng thủy sản. Môi trường tự nhiên thay đổi, khiến các loài chim di cư từ phương xa đã không quay lại. Khu vực cửa sông Ô Lâu chỉ còn xuất hiện các loài chim bản địa như cò ruồi, cò trắng, diệc xám, vịt trời… với số lượng và quy mô đàn thấp hơn so với trước kia.

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên-Huế, kết quả khảo sát của các nhà khoa học năm 1998 công bố có khoảng 73 loài chim ở vùng cửa sông Ô Lâu, trong tổng số 103 loài chim phân bố trên toàn vùng đầm phá Tam Giang-Cầu Hai. Tuy nhiên, kết quả khảo sát cuối năm 2016 và giữa năm 2017 cho thấy khu vực này chỉ còn 31 loài chim phân bổ.

Khi tỉnh Thừa Thiên-Huế có chủ trương nghiên cứu để khôi phục, hình thành khu Tràm chim tại đây, người dân địa phương rất phấn khởi, đồng tình ủng hộ. Ông Nguyễn Hiếu cho biết: Nếu khu Tràm chim được xây dựng thành công, những đàn chim di cư từ xứ lạnh lại chọn vùng cửa sông Ô Lâu làm nơi dừng chân trên hành trình di cư. Thế hệ con cháu sẽ có cơ hội nhìn tận mắt những loài chim quý, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường và hệ sinh thái bền vững.

Theo như quy hoạch dự kiến, khu tràm chim vùng cửa sông Ô Lâu có diện tích hơn 157 ha nằm trên địa phận hai xã Quảng Thái (huyện Quảng Điền) và Điền Hòa (huyện Phong Điền). Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Thái Phạm Công Phước cho biết, diện tích của xã nằm trong quy hoạch khu Tràm chim là 60 ha, đây đều là diện tích đất do xã quản lý nên việc thu hồi sẽ thuận lợi. Trong diện tích quy hoạch này, năm 2017, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng đã trồng gần 20 ha cây ngập ngọt như câu tràm Úc, cây bần và cây dừa nước, hiện đang phát triển xanh tốt. Đây cũng là điều kiện thuận lợi làm nơi đậu cho chim.

Không thể duy ý chí

Theo ông Nguyễn Đại Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kiêm Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên - Huế, để khôi phục và xây dựng khu Tràm chim ở vùng cửa sông Ô Lâu đòi hỏi phải có kiến thức khoa học cao, không thể duy ý chí là có thể làm được. Bởi chim là loài rất nhạy cảm, nếu hệ sinh thái không phù hợp chúng sẽ không quay trở lại. 

Chú thích ảnh
Đập thủy lợi Cửa Lác ở xã Quảng Thái đang được nghiên cứu để điều tiết thủy triều trong quá trình xây dựng khu Tràm chim vùng cửa sông Ô Lâu. 

Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên-Huế đang phối hợp với một đơn vị tư vấn uy tín để tiến hành khảo sát, đánh giá những tác động khi hình thành khu Tràm chim này, trong đó nổi lên một số vấn đề cần quan tâm giải quyết. Đầu tiên chính là công trình đập thủy lợi Cửa Lác được xây dựng từ lâu có chức năng ngăn nước mặn từ khu đầm phá Tam Giang-Cầu Hai vào sâu trong sông Ô Lâu, qua đó đảm bảo nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất cho một diện tích canh tác lớn khu vực phía Bắc tỉnh Thừa Thiên-Huế và một phần tỉnh Quảng Trị. Tuy nhiên, điều này dẫn tới ngăn cản chế độ thủy triều lên xuống tự nhiên ở khu vực cửa sông Ô Lâu, làm cho những bãi sình lầy tự nhiên luôn bị ngập nước, các loài cây cỏ không phát triển được trên các bãi sình lầy, đây lại là nguồn thức ăn của một số loài chim.

Ngoài ra, dự án xây dựng hồ thủy lợi Khe Mối ở đầu nguồn sông Ô Lâu sẽ được thực hiện trong thời gian tới cũng tác động đến khu Tràm chim ở vùng cửa sông. Bên cạnh đó, việc lựa chọn loại cây trồng phù hợp để trồng trên vùng đất ngập nước, ngập mặn cũng là một bài toán đòi hỏi phải có nghiên cứu thấu đáo. Đồng thời, việc tính toán điều phối các hoạt động sinh hoạt, sản xuất của người dân trong vùng cũng cần được quan tâm để không ảnh hưởng đến khu Tràm chim…

Ông Nguyễn Đại Anh Tuấn cho biết thêm, chỉ cần khôi phục khoảng 70% sinh cảnh tự nhiên ban đầu ở khu vực cửa sông Ô Lâu như trước đây, chắc chắn những đàn chim sẽ tìm về. Về lâu dài, đây cũng sẽ là tiền đề quan trọng để phát triển du lịch sinh thái, góp phần tạo sinh kế cho người dân địa phương.

Bài và ảnh: Đỗ Trưởng (TTXVN)
Khởi động dự án hệ sinh thái rừng tại tiểu vùng sông Mê Kông, Vườn Quốc gia Tràm Chim
Khởi động dự án hệ sinh thái rừng tại tiểu vùng sông Mê Kông, Vườn Quốc gia Tràm Chim

Sáng 05/8, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Điều tra, Quy hoạch rừng (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức Hội thảo khởi động Dự án “Quy hoạch và trình diễn quản lý tổng hợp hệ sinh thái rừng tại tiểu vùng sông Mê Kông (Khu vực Vườn Quốc gia Tràm Chim, Việt Nam)”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN