Bế mạc Đại hội XIII của Đảng
Sau hơn một tuần làm việc nghiêm túc, khẩn trương, dân chủ, với ý thức trách nhiệm cao trước Đảng và nhân dân, sáng 1/2/2021, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã bế mạc và thành công tốt đẹp. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII phát biểu cảm ơn Đại hội đã tin cậy, tín nhiệm bầu vào cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng.
“Chúng tôi xin hứa trước Đại hội, trước toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, tập thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII chúng tôi sẽ hết sức cố gắng, ra sức phấn đấu, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ, tiếp nối, kế thừa những thành quả cách mạng đã đạt được, cùng với toàn Đảng, toàn dân phát huy những truyền thống vẻ vang và kinh nghiệm quý báu của Đảng ta, dân tộc ta, tăng cường đoàn kết nhất trí, thống nhất tư tưởng và hành động; luôn luôn rèn luyện, trau dồi phẩm chất, đạo đức cách mạng để không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị và năng lực công tác, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn mới và lòng mong đợi của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng mong tiếp tục nhận được sự giúp đỡ, ủng hộ quý báu của các bậc lão thành cách mạng, các đồng chí nguyên là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể nhân dân, các cơ quan, ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương, các giới, đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế..., để chúng tôi có thêm sức mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng gửi lời chúc mừng năm mới - Xuân Tân Sửu tới các đồng chí lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, cùng toàn thể đồng chí, đồng bào và chiến sĩ cả nước sức khoẻ, hạnh phúc và thành công trong năm mới 2021.
Bộ Chính trị phân công nhiệm vụ đối với đồng chí Võ Văn Thưởng và đồng chí Trần Tuấn Anh
Bộ Chính trị vừa tổ chức Lễ công bố quyết định phân công Ủy viên Bộ Chính trị. Theo đó, tại Quyết định số 01-QĐNS/TW ngày 5/2/2021, Bộ Chính trị phân công đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị giữ chức Thường trực Ban Bí thư. Tại Quyết định số 02-QĐNS/TW ngày 5/2/2021, Bộ Chính trị phân công đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, giữ chức Trưởng ban Kinh tế Trung ương.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã trao quyết định và tặng hoa chúc mừng đồng chí Võ Văn Thưởng; đồng chí Trần Tuấn Anh.
Thay mặt hai đồng chí nhận nhiệm vụ, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư phát biểu, trân trọng cảm ơn Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, cảm ơn Bộ Chính trị đã tin tưởng phân công nhiệm vụ rất quan trọng của Đảng vào thời điểm khởi đầu một giai đoạn phát triển mới của đất nước. Đây thực sự là một vinh dự lớn lao, đồng thời là một trách nhiệm rất nặng nề trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân đang kỳ vọng vào những bước phát triển vững chắc của Đảng và đất nước sau Đại hội XIII của Đảng thành công rất tốt đẹp.
Các đồng chí xin hứa luôn nỗ lực cao nhất để hoàn thành nhiệm vụ được giao, góp phần tích cực giữ gìn sự đoàn kết thống nhất, kỷ luật, kỷ cương và thanh danh của Đảng; góp phần tích cực trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII và các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Nhận thức rõ vinh dự và trách nhiệm được giao, các đồng chí xin hứa sẽ luôn rèn luyện, nỗ lực không ngừng, tự răn, tự sửa; đồng thời mong muốn luôn được các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng quan tâm, hỗ trợ, góp ý để các đồng chí hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, xứng đáng với sự tin cậy của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương và của nhân dân.
Chiều 7/2, thêm 16 ca mắc COVID-19 tại Hải Dương
Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19: Cả nước hiện có 83.104 người tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID-19 hoặc nhập cảnh từ vùng dịch, đang được cách ly theo dõi sức khỏe; trong đó 759 người được cách ly tại bệnh viện, 24.098 người được cách ly tập trung tại các cơ sở khác, 58.247 người được cách ly tại nhà, nơi lưu trú.
Chỉ tính từ 6 giờ đến 18 giờ ngày 7/2, Việt Nam ghi nhận 16 ca mắc mới, là các ca lây nhiễm trong cộng đồng tại Hải Dương. Cụ thể: 15 trường hợp gồm các bệnh nhân từ 1986-2000 là F1, liên quan đến ổ dịch khu công nghiệp thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương, đã được cách ly tập trung, kết quả xét nghiệm lần 1 âm tính với SARS-CoV-2, kết quả xét nghiệm lần 2 ngày 7/2 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện 15 bệnh nhân này đang cách ly, điều trị tại Bệnh viện Dã chiến thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương.
Như vậy, tính đến 18 giờ ngày 7/2, Việt Nam có tổng cộng 2.001 ca mắc COVID-19; trong đó có 1.111 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay là 418 ca.
Báo cáo của Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cho biết, có 4 bệnh nhân: 1547, 1526, 1478, 1505 được công bố khỏi bệnh. Việt Nam đã chữa khỏi 1.472 bệnh nhân mắc COVID-19; ghi nhận 35 ca tử vong liên quan đến COVID-19 trên nền bệnh lý trầm trọng. Trong số những bệnh nhân đang được tiếp tục điều trị tại các cơ sở y tế, có 17 người có kết quả xét nghiệm âm tính lần một với SARS-CoV-2, có 6 người âm tính lần hai và 3 người âm tính lần ba.
Tạm dừng một số hoạt động phục vụ Tết Nguyên đán để phòng, chống dịch COVID-19
Do tình hình COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp ở một số tỉnh, thành trong cả nước, lãnh đạo các tỉnh, thành phố như TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Long An, Cần Thơ… đã có thông báo tạm dừng tổ chức các hoạt động phục vụ Tết Nguyên đán Tân Sửu, không tổ chức bắn pháo hoa trong đêm giao thừa năm mới.
Theo đó, các tỉnh, thành phố tạm dừng các hoạt động văn nghệ đêm Giao thừa, bắn pháo hoa đêm Giao thừa, gặp mặt doanh nghiệp Mừng Xuân Tân Sửu 2021, gặp mặt đồng hương…
Hiện nay, tình hình dịch bệnh trên địa bàn cả nước cơ bản đã được kiểm soát. Tuy nhiên, các địa phương không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; tiếp tục chủ động huy động cả hệ thống chính trị thực hiện nghiêm các phương châm biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia, các bộ, ngành liên quan.
Các địa phương cần tập trung tiếp tục đề cao trách nhiệm, quyết tâm chủ động hơn nữa trong thực hiện công tác phòng, chống dịch tại cơ quan, đơn vị và trên địa bàn quản lý. Thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ, bình tĩnh ứng phó với mọi tình huống dịch bệnh. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm về việc thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch tại cơ quan, đơn vị.
Bên cạnh đó, các ngành chức năng cần tiếp tục chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện đúng, đầy đủ, kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch đã đề ra. Nhất là thực hiện nghiêm yêu cầu 5K trong phòng, chống dịch bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế), xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.
Lực lượng chức năng tập trung tối đa công tác đối với các trường hợp về từ vùng dịch, thực hiện tốt các biện pháp cách ly và tổ chức xét nghiệm đối với tất cả các trường hợp nghi ngờ. Ngoài ra, các tỉnh, thành phố tiếp tục tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ tuyến biên giới, ngăn chặn hiệu quả các trường hợp xuất cảnh, nhập cảnh trái phép và buôn lậu qua tuyến biên giới.
Khi phát hiện các trường hợp vi phạm, các ngành chức năng phối hợp xử lý theo quy định của pháp luật. Kiên quyết không để nguồn bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào địa bàn. Đồng thời, đẩy mạnh vận động các nguồn lực để tập trung cho công tác phòng, chống dịch, hỗ trợ kịp thời cho các trường hợp khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.