Buổi thuyết trình thứ 2 trong Tuần lễ TEDx Hà Nội 2015 với các chủ đề: Giáo dục, nghịch lý xã hội, lòng nhân ái, kết nối cộng đồng... Song điểm nhấn khiến hàng trăm khán giả trẻ lặng người là những chia sẻ về thói vô cảm của Chuyên gia Tâm lý học Ngô Toàn.
“Người trẻ làm sao thế?”
Theo chuyên gia tâm lý Ngô Toàn, ông đã từng nhận nhiều email bày tỏ nỗi chán chường của những người trẻ. Trong đó, có nhiều ngườingười trẻ xuất hiện những ý nghĩ tiêu cực, sẵn sàng bất chấp nhiều thứ để “xả” những áp lực cuộc sống. Thậm chí, có cả những dòng tâm sự thể hiện nỗi vô cảm đến lạnh người của những người trẻ trước người thân của mình cũng như những người xung quanh.
Diễn giả, chuyên gia tâm lý học Ngô Toàn diễn thuyết trên sân khấu TEDx. |
“Cùng với sự vô cảm đó, chúng ta thấy một trạng thái cay đắng. Trạng thái làm ta hoang mang cảm thấy đời sống không công bằng. Và từ sự không công bằng ảo giác đó, ta cảm thấy tuyệt vọng.”- Chuyên gia tâm lý học Ngô Toàn nói tiếp- “Như vậy, việc chúng ta đang chứng kiến một trạng thái vô cảm từ một hiện tượng cụ thể đang có dấu hiệu lan ra trên bình diện xã hội. Và điều này chúng ta cần phải có sự thay đổi để xã hội nhân văn hơn.”
Sự tử tế là lối thoát duy nhất
Vậy, làm thế nào để vượt qua cơn lũ của đời sống, làm thế nào để thoát ra sự vô cảm và cay đắng như vậy? Theo ông Toàn, câu trả lời ở lòng từ bi. Tố chất của lòng từ bi chính là sự tử tế. Đây là lối thoát duy nhất vì khi và chỉ khi quan tâm đến người khác, con người mới cảm thấy mình hạnh phúc hơn.
Chuyên gia tâm lý học Ngô Toàn cũng trích dẫn một nghiên cứu của Đại học Harvard (Mỹ) năm 2014. Theo đó, nghiên cứu thực hiện trên 10.000 học sinh phổ thông về 3 giá trị ưu tiên. Câu hỏi đặt ra là: Giá trị nào được người trẻ ưu tiên nhiều nhất: thành tích học tập, hạnh phúc hay sự quan tâm tới người khác?
Kết quả, 80% số người được hỏi cho rằng thành tích học tập và hạnh phúc được ưu tiên hơn hết thảy. Chỉ 20% số phiếu điều tra cho rằng quan tâm tới người khác là điều con người cần có trên ghế nhà trường. Rằng phải học thành người, người tử tế trước khi học những thứ cao siêu khác.
Còn ở Việt Nam, một nghiên cứu khác cho thấy, 96% phụ huynh học sinh cho rằng, họ mong đợi con cái họ được nuôi dạy như những người có đạo đức. Song, 80% trẻ em cho rằng, thông điệp các em nhận được từ những lời nhắc nhở của bố mẹ là thành tích học tập, điểm số cuối năm và những tấm bằng khen.
“Điều này có nghĩa là, giữa điều bố mẹ nói và thông điệp mà con cái họ nhận được thực sự khác biệt.”- Ông Toàn nói- “Điều này một lần nữa đánh thức trong chúng ta một nhu cầu rất là căn bản rằng: làm thế nào để có lòng từ bi, tức là khả năng nhận diện nỗi đau trong chính mình, và trong người khác để giảm nhẹ nỗi đau, tránh thói vô cảm", ông Toàn cảnh báo.
“Rõ ràng, trước khi bạn có nhu cầu và năng lực nhận diện nỗi đau của người khác, thì bạn cần phải có một nhu cầu nhận diện nỗi đau ở chính bản thân bạn. Và khi vượt qua nỗi đau, hoàn thiện mình bằng sự tử tế, chúng ta sẽ lan tỏa được tới cộng đồng. Từng cá thể nếu làm tốt vai trò, chức phận của mình thì xã hội sẽ tốt.”- Chuyên gia nghiên cứu tâm lý Ngô Toàn khẳng định.
TED là chuỗi chương trình thuyết trình truyền cảm hứng nổi tiếng toàn cầu. TED ra đời từ năm 1984, với hình thức là hội nghị quy tụ ba giới: công nghệ, giải trí, thiết kế. Mỗi năm TED đều thu hút được khoảng 60 diễn giả xuất sắc và hàng ngàn khán giả tham dự. Một số nhân vật nổi tiếng đã từng đứng trên sân khấu của TED là: Bill Clinton, Bill Gates. Sith Godin... TEDx Hà Nội năm 2015 được sự cấp phép của TED thế giới có chủ đề là: “Stop and Start- Dừng lại và bắt đầu” xoay quanh 6 lĩnh vực: Giáo dục - Môi trường - Khoa học - Kinh tế - Nghệ thuật và câu chuyện cuộc sống. TEDx Hà Nội năm 2015 quy tụ các diễn giả: Nghệ sĩ Xuân Bắc, đạo diễn Lê Hoàng, siêu mẫu Hà Anh, nhà báo Phan Đăng, chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn truyền thông Le Bros Lê Quốc Vinh... Chương trình vẫn tiếp tục diễn ra tới ngày 16/8 với các hoạt động diễn thuyết truyền cảm hứng, triển lãm các tác phẩm nghệ thuật và các sản phẩm Việt của FPT Arena và Rock da Mood. |