Tác động lớn đến sức khoẻ của mẹ và con
Điều 155 trong Bộ luật Lao động hiện hành quy định “Lao động nữ nuôi con dưới một tuổi được nghỉ mỗi ngày 60 phút”. Tuy nhiên, trong Dự thảo Luật lao động sửa đổi đưa ra đề xuất bỏ quy định này và đang có nhiều ý kiến phản đối.
Công nhân nữ được hướng dẫn cách vắt, trữ sữa đúng quy trình đảm bảo chất lượng dành cho con em mình. Ảnh: Nguyễn Thảo/TTXVN |
Chị Trần Thanh Thảo, công nhân tại khu công nghiệp Thăng Long, Đông Anh, Hà Nội đang nuôi con nhỏ 8 tháng tuổi. Chị Thảo cho biết, sau thời gian nghỉ sinh 6 tháng, chị đi làm lại và đều được công ty cho về sớm 60 phút/ngày. Đây là thời gian rất có ý nghĩa để chị chăm sóc con nhỏ, cho cháu bé bú sữa đồng thời bản thân chị cũng được nghỉ ngơi sau một ngày lao động.
Cũng là đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng, chị Lê Thu Huyền, công nhân khu công nghiệp Yên Phong (Bắc Ninh) thấm thía được giá trị của 60 phút “vàng ngọc” như thế nào. “Con tôi dưới 1 tuổi, sức khỏe không tốt nên hay bệnh, thường hay quấy khóc và thức cả đêm. Những lúc như thế tôi phải chăm con rất mệt mỏi, hôm sau đi làm trong tình trạng lơ mơ, thiếu ngủ khiến năng suất lao động không đạt. Nếu bỏ chế độ cho người mẹ nghỉ 60 phút/ngày, doanh nghiệp có lợi trước mắt nhưng khi công nhân bị tai nạn lao động thì thiệt hại còn lớn hơn nhiều”, chị Huyền chia sẻ.
Đại diện người lao động - Tổng liên đoàn lao động Việt Nam cũng thấy “khó hiểu” khi ban soạn thảo (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) lại bỏ quy định nghỉ 60 phút như đề xuất trong bản dự thảo. Bà Hải Yến, Ban Nữ công Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, về nguyên tắc chúng ta luôn bảo vệ đối tượng yếu thế. Trong mối quan hệ lao động, lao động luôn ở thế yếu so với chủ sử dụng lao động. Đặc biệt lao động nữ mang thai, nuôi con nhỏ còn ở vị thế yếu hơn.
“Không hiểu sao, ban soạn thảo lại bỏ quy định này trong bản dự thảo? Qua theo dõi của chúng tôi về sử dụng lao động nữ, có đến 90% các doanh nghiệp thực hiện rất tốt quy định 60 phút”, bà Yến cho biết.
Đảm bảo lợi ích người lao động
Trao đổi với phóng viên Tin Tức, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, chính sách lao động nữ nuôi con nhỏ dưới 12 tháng được nghỉ 60 phút mỗi ngày không chỉ đảm bảo sức khoẻ cho người mẹ mà còn là mong muốn cho cháu bé được bú sữa mẹ trọn vẹn trong 12 tháng đầu đời. Bởi nguồn sữa mẹ quý giá không chỉ giúp trẻ phát triển mà trong sữa mẹ có kháng thể giúp bé chống lại bệnh tật. Vì thế, việc sửa đổi, bổ sung quy định phải tính toán kỹ lưỡng, dựa trên căn cứ khoa học cụ thể.
Theo ông Bùi Sỹ Lợi, việc thay đổi chính sách phải hướng tới điều tốt đẹp hơn cho cả người mẹ và trẻ em. Với quy định nghỉ 60 phút như luật hiện hành, nếu người mẹ đi làm xa không có về con bú thì sẽ có thời gian vắt sữa cho con để con được hưởng nguồn sữa mẹ. Trong trường hợp bé không bú sữa mẹ, người mẹ cũng có quyền được đề xuất đi làm muộn hơn hoặc về sớm hơn để có thời gian chăm sóc con.
Là chuyên gia theo dõi nhiều năm trong lĩnh vực lao động, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh, nhiều quốc gia trên thế giới vẫn đang áp dụng quy định này bởi nó rất cần thiết cho bà mẹ và trẻ em. Nhà nước rất khuyến khích doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động khi lao động nữ đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi được thay công việc nặng nhọc, khó khăn để làm công việc nào đó nhẹ nhàng hơn, có điều kiện chăm sóc cho con cái. Điều đó rất nhân văn, hợp tình, hợp lý đồng thời cũng thể hiện trách nhiệm của chủ sử dụng lao động với người lao động.
“Xu hướng chung của thế giới và pháp luật là đảm bảo lợi ích cho người lao động và chúng ta phải đi theo cách đó chứ không nên nghe theo ý kiển của một vài chủ sử dụng lao động”, ông Bùi Sỹ Lợi phân tích và khẳng định nếu bỏ quy định này sẽ hạn chế so với xu thế phát triển và tiến bộ của thời đại, là bước thụt lùi của pháp luật.